Họa sĩ Phạm Bình Chương: 'Đây là thời của hội họa hiện thực'

19/11/2018 - 20:30

PNO - Họa sĩ Phạm Bình Chương - trưởng nhóm Hiện thực - cho rằng, xã hội Việt Nam đương đại là cơ hội cho hội họa chạm được vào nhiều góc của đời sống.

Triển lãm trưng bày các tác phẩm theo trường phái hiện thực có số lượng lớn nhất từ trước tới nay diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, từ ngày 14-20/11. Họa sĩ Phạm Bình Chương - trưởng nhóm Hiện thực - cho rằng, xã hội Việt Nam đương đại là cơ hội cho hội họa chạm được vào nhiều góc của đời sống.

Ra mắt vào cuối năm 2014, nhóm Hiện thực - tập hợp 14 họa sĩ theo phong cách hiện thực - đã giới thiệu đến công chúng hai triển lãm. Cách vẽ của nhóm này không giống lối vẽ hiện thực chủ nghĩa, vốn phổ biến mấy thập niên sau 1954, mà đi vào tâm tư, rung cảm của họa sĩ trước hiện thực cuộc sống. Dù gọi chung là hiện thực (realism), mỗi họa sĩ có cách triển khai khác nhau, có khi rất thực (superrealism), cực thực (hyperrealism) hoặc vẽ như ảnh thực (photorealism).

Hoa si Pham Binh Chuong: 'Day la thoi cua  hoi hoa hien thuc'
Họa sĩ Phạm Bình Chương

Phóng viên: Việc một nhóm họa sĩ theo đuổi một phong cách hay trường phái mỹ thuật là điều hiếm ở ta. Sự tồn tại của Hiện thực liệu có tác động gì tới nền mỹ thuật Việt Nam?

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Chúng tôi không chủ định điều gì quá to tát, mà chỉ đơn giản tập hợp để chia sẻ, trau dồi nghề nghiệp, đồng thời để xem bộ mặt của hội họa hiện thực Việt Nam đang ở đâu. Mừng là, trước nay, Việt Nam chưa có nhóm nào tập trung nhiều họa sĩ hiện thực như vậy nên ngay từ triển lãm đầu tiên, nhóm đã gây được sự chú ý, vô tình thành một điểm nhấn trong hội họa Việt Nam.

Hoa si Pham Binh Chuong: 'Day la thoi cua  hoi hoa hien thuc'
Tác phẩm Ngóng đợi của họa sĩ Nguyễn Văn Bảy

* Còn yếu tố chuyên nghiệp thì sao, thưa anh?  

- Trước giờ, ở ta, ít người vẽ theo phong cách này; có vẽ cũng lẻ tẻ, chưa tạo được điểm nhấn rõ rệt để nhận diện. Phong cách hiện thực Việt Nam cũng chưa đạt đến mức hiện thực đúng nghĩa, đó là điều đáng tiếc. Tôi cho rằng, khi tập hợp được một nhóm, với những hoạt động đều đặn, cũng đã gián tiếp định vị phong cách hiện thực của hội họa Việt Nam, ít nhất là giai đoạn hiện tại; làm cho nó có màu sắc hơn cũng như tạo ra những yếu tố cơ bản để phân định loại hình rõ rệt, theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Hoa si Pham Binh Chuong: 'Day la thoi cua  hoi hoa hien thuc'
Tranh sơn dầu Sắc xuân của họa sĩ Phạm Bình Chương

* Nhưng hiện thực đâu phải phong cách gì mới mẻ?

- Điều này xuất phát từ lịch sử mỹ thuật Việt Nam: phong cách hiện thực chưa bao giờ được gọi là một loại hình chính thức hoặc một môn học bắt buộc ở các trường chuyên nghiệp; trong khi nó là nền tảng của mỹ thuật phương Tây. Những cá nhân có sở trường và sở thích với phong cách này thường chui vào góc khuất của họ, lặng lẽ sáng tác, nằm ngoài mọi trào lưu, khuynh hướng, kể cả thời điểm sôi nổi nhất của hiện đại, đương đại (từ những năm 1990 của thế kỷ trước tới đầu những năm 2000).

Nhưng hiện nay, sau khi nhóm Hiện thực ra đời và hoạt động, có một làn sóng mới về hiện thực, các họa sĩ trẻ bắt đầu thích thú phong cách này. Họ cũng bắt đầu theo đuổi và tạo thành những trào lưu mới ở Việt Nam, tạo niềm tin cho những sinh viên muốn theo đuổi phong cách này tiếp tục phát huy thế mạnh khi ra trường.

Hoa si Pham Binh Chuong: 'Day la thoi cua  hoi hoa hien thuc'
Nỗi niềm - tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Lê Tân

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân:

Có người nói, hiện thực không phải là cách vẽ, mà như một thái độ đối với sự tồn tại của chúng ta. Qua triển lãm, nhóm Hiện thực đã chứng tỏ được cái nhìn hiện thực hay cách vẽ tả chân, dựa trên cái nhìn mà ta ước lệ.

Từ khi hiện thực được truyền bá vào nước ta từ Trường Mỹ thuật Đông Dương cho tới phong trào hiện thực xã hội chủ nghĩa (những năm 1950-1980), chỉ có một kiểu như là bệnh mà chúng tôi gọi là sơ lược, là công thức, cách vẽ giống nhau, bố cục, chủ đề, tình cảm… giống nhau. Sang những năm đổi mới, ta du nhập những cách vẽ hiện đại và có cả những cách vẽ trước đây từng bị cấm như trừu tượng, siêu thực... Tuy nhiên, chỉ được chừng 10 năm thì dư luận lại phê phán trào lưu đổi mới xa rời hiện thực, đời sống xã hội.

Mười năm trước, nhiều họa sĩ quay về lối vẽ tả chân, lối vẽ ước lệ như thật, tôi xem đó là một cú hích cho hội họa Việt Nam. So với những triển lãm hiện thực tôi từng xem, triển lãm này có rất nhiều thứ hiện thực, nhiều kiểu. Vẽ tả thực hay tả chân thì lúc nào cũng có người vẽ, nhưng nhóm này lại gây tiếng vang, sự chú ý và khuấy đảo không khí nghệ thuật, là bởi nó yêu cầu người ta không được giống nhau trong sự tương tự.

* Câu chuyện của hội họa ở đây là gì nếu không phải là trào lưu, khuynh hướng sáng tác?

- Chúng tôi không có câu chuyện chung nào hết. Dù là một nhóm, mỗi cá nhân tự kể câu chuyện của mình. Chúng tôi đến với nhau qua một cách kể chuyện chung: dùng hình ảnh, hình tượng gần gũi với cuộc sống, mở ra một hiện thực rộng lớn hơn theo cách cảm nhận của công chúng. Tôi cho rằng, đây là thời của hội họa hiện thực. Nó lột tả những góc nhìn đa dạng trong cuộc sống.

Tất nhiên, tôi không có ý phủ định khả năng biểu đạt của những phong cách khác, nhưng rõ ràng, dùng phong cách hiện thực để diễn tả hiện thực là lợi thế trong việc biểu đạt, cũng như khả năng tiếp nhận của công chúng.

Hoa si Pham Binh Chuong: 'Day la thoi cua  hoi hoa hien thuc'
Tác phẩm Đàn ông của Vũ Ngọc Vĩnh

* Nói vậy, ta lại phải quay lại câu chuyện chân - thiện - mỹ trong nghệ thuật?

- Nhắc tới nghệ thuật, người ta nói tới “chân” đầu tiên. Đó là cái quan trọng nhất. Đó là thái độ chân thực của người thực hành nghệ thuật và cái chân thực của đối tượng được nhắc đến, đem đến cho người xem một điều gì đó gần gũi với họ. “Chân” là nền tảng của nghệ thuật. Có lẽ vì vậy mà người ta đặt “chân” lên đầu, sau đó mới tới “thiện”, “mỹ”.

* Xin cảm ơn anh. 

 Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI