Hoàng tử bé: 'Thơ mộng vô cùng, xa thẳm vô cùng'

31/10/2019 - 10:30

PNO - Trong "Hoàng tử bé", Saint-Exupéry bắt đầu duyên kỳ ngộ với chàng hoàng tử nhỏ bé bằng tai nạn máy bay rơi xuống sa mạc Ả-rập. Đây là một sự kiện có thật trong cuộc đời ông vào năm 1935, trong hành trình từ Marseille đến Sài Gòn.

Có lẽ nhờ sở hữu một sự nghiệp phi công lẫy lừng nên hầu hết các tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry đều lấy cảm hứng từ những chuyến bay. Và Hoàng tử bé trở thành một chuyến bay đỉnh cao đưa tên tuổi nhà văn nước Pháp trở thành huyền thoại.

Cuộc đời là những chuyến bay

Khi thế chiến lần 2 bùng nổ khiến Antoine de Saint-Exupéry có nhiều bất ổn tư tưởng cũng là lúc kiệt tác Hoàng tử bé ra đời. Đó là khoảng thời gian từ 1941-1943, lúc ông sống lưu lạc tại Bắc Mỹ.

Do hoàn cảnh châu Âu chìm trong khói lửa chiến tranh nên Hoàng tử bé đến tay bạn đọc lần đầu tiên vào năm 1943 bằng tiếng Anh qua bản dịch The Little Prince của Katherine Woods tại Mỹ.

Phải đợi đến ba năm sau, khi thế chiến kết thúc, Hoàng tử bé - Le Petit Prince bản nguyên gốc tiếng Pháp mới được ra đời, do nhà xuất bản Éditions Gallimard ấn hành. Rất tiếc, lúc đó Saint-Exupéry đã mất tích hai năm trong một chuyến bay do thám và dừng mãi cuộc đời ở tuổi 44. 

Hoàng tủ bé: 'Tho mong vo cung, xa tham vo cung'
Hoàng tử bé nguyên bản tiếng Pháp với phần minh họa của chính tác giả

Trong Hoàng tử bé, Saint-Exupéry bắt đầu duyên kỳ ngộ với chàng hoàng tử nhỏ bé bằng tai nạn máy bay rơi xuống sa mạc Ả rập. Đây là một sự kiện có thật trong cuộc đời ông, xảy ra năm 1935, trong hành trình từ Marseille đến Sài Gòn.

Có thể nói vinh quang hay cay đắng của ông đều do những chuyến bay mang đến nên thật ý nghĩa khi tên ông được đặt cho sân bay quê nhà Lyon. Khi quyết định in chân dung của Saint-Exupéry lên tờ 50 Franc, nước Pháp cũng không quên minh họa thêm chiếc máy bay hiển hách của ông.

Bối rối khi đọc Hoàng tử bé

Bạn đừng ngạc nhiên khi có cảm giác bối rối và khó hiểu trong lần đầu đọc Hoàng tử bé, dù cứ đinh ninh đó là một câu chuyện cổ tích hiền hòa vỗ về giấc ngủ. Ngay từ phần đề tựa, Saint-Exupéry như phân định, đây là một truyện cổ tích dành cho người lớn từng là trẻ con. Chính vì thế, chúng ta hãy đọc Hoàng tử bé thật thong dong, đừng nôn nóng về những trang kế tiếp như chính nhân vật phi công trong tác phẩm tha thiết: “Tôi không muốn có ai đọc cuốn sách của tôi một cách hời hợt. Tôi đã gánh chịu quá nhiều buồn đau khi viết ra những hồi ức này”.

Nội dung Hoàng tử bé có thể tóm gọn: đó là cuộc gặp gỡ giữa viên phi công lạc lối giữa sa mạc và vị hoàng tử bé nhỏ với lối phục sức, cách suy nghĩ, lời nói kỳ lạ. Chàng kể lại hành trình lưu lạc theo bầy chim di thê từ tinh cầu B612 của mình đến địa cầu. Mỗi điểm chàng dừng chân, mỗi nhân vật chàng gặp gỡ là những ẩn dụ, mang thông điệp khiến người đọc soi rọi lại đời mình. Truyện mang cái nhìn thơ mộng, hồn nhiên của trẻ nhỏ nhìn về người lớn. Thế nhưng, Hoàng tử bé lại thấm đẫm nỗi u sầu mang dư vị thanh thoát.

Như đã nói, các tình tiết về cuộc phiêu lưu trong Hoàng tử bé cần được hiểu theo kiểu vượt thoát, đối chứng với cuộc đời thật, mới cảm hết các tầng ý nghĩa. Ta sẽ hoảng hốt khi gặp chính ta trong vai nhà địa lý chỉ biết ghi chép những gì người ta kể lại mà không chịu rời chiếc bàn giấy để khám phá tinh cầu đang sống. Cái tài của Saint-Exupéry là ở chỗ chỉ một hình ảnh, một câu chuyện nhưng đủ để độc giả tự ngẫm nhiều điều. 

Hoàng tử bé có sức sống mãnh liệt ở chỗ, sau mỗi lần “gặp”, bạn đọc lại tìm thấy một tầng nghĩa mới cho riêng mình. Chúng ta sẽ ám ảnh khi gặp gã áp phe ở tinh cầu thứ tư. Gã bận rộn kiểm kê sao trời để làm tài sản tư hữu. Gã lờ mờ không biết tên chính xác và lợi ích thứ mình đang muốn biến thành của riêng.

Đến đây, chúng ta nhận ra mình chính là gã chưa? Ta dành cả thanh xuân làm ra của cải - quá nhiều, quá phung phí cho một đời người bé nhỏ. Rồi chàng hoàng tử còn đưa chúng ta gặp một gã say mèm, một kẻ khoe khoang hợm hĩnh, một vị vua mê say quyền lực… Hầu hết đó là những chủ đề mà Saint-Exupéry không muốn chúng ta đọc vội mà phải chiêm nghiệm tìm đáp án.

“Cái hệ trọng nhất thì vô hình”

Tình yêu là một phần quan trọng của tác phẩm Hoàng tử bé. Tình yêu bất diệt mà chàng dành cho tinh cầu, cho những ngọn núi lửa, cho cành hồng yêu kiều kiêu ngạo của mình. Chàng yêu đóa hồng nhưng mọi thứ nhanh chóng rơi vào khổ đau vì không ai tìm ra cách thương yêu đúng lối.

Hoàng tủ bé: 'Tho mong vo cung, xa tham vo cung'
Cuộc đời Antoine de Saint-Exupéry gắn liền với chiếc máy bay và Hoàng tử bé - cuốn sách từng chinh phục nhiều thế hệ độc giả

Chàng rời bỏ tinh cầu để tìm kiếm ý nghĩa của tình yêu. Rồi chàng gặp con chồn trong sa mạc. Có thể nói đây là trường đoạn hay nhất trong tác phẩm. Con chồn dạy chàng về tình yêu khi tạo ra những mối liên hệ, thuần dưỡng với đối phương. Hoàng tử nhận ra đóa hồng của mình là duy nhất giữa thảm hoa rực rỡ trống rỗng của nhân gian bởi vì “chính nó đã được ta lắng tai nghe than van… và cả cái lặng im câm nín”. Chính sự tâm tư, dụng công của hoàng tử đã làm cho nàng hồng trở nên đặc biệt, trở thành tình yêu trong cuộc đời. Dường như một vòng lưu lạc đã đưa chàng trở về với điểm ban đầu, với tình yêu thân thuộc nhưng đã thấm đẫm chân giá trị tình yêu.

Mối quan hệ giữa hoàng tử bé và viên phi công cũng dẫn dắt người đọc đến một trải nghiệm về hình ảnh cái giếng nước trong sa mạc. Từ một cái giếng bình thường bỗng chốc trở nên huyền diệu, dòng nước mát trở nên tốt cho trái tim bởi cả hai nhân vật đang yêu thương, cảm thấu và sống trọn vẹn cho khoảnh khắc đó. Phải chăng Saint-Exupéry còn mang đến chút triết học phương Đông quen thuộc trong tác phẩm. “…Con mắt nó mù. Phải tìm kiếm với trái tim” là câu nói thú vị của chàng hoàng tử nhỏ bé ở chương này được nhiều người dùng làm kim chỉ nam cho cuộc sống.

Bản dịch kỳ lạ của Bùi Giáng

Khi đến Việt Nam, từ năm 1966 đến nay, Hoàng tử bé có hàng loạt bản dịch. Đây là một trong những tác phẩm văn học nước ngoài có nhiều bản dịch Việt ngữ nhất. Bản dịch đầu tiên thuộc về Trần Thiện Đạo với tên Cậu hoàng con của nhà xuất bản An Tiêm tại Sài Gòn. Năm 1973, Le Petit Prince được Bùi Giáng dịch thành Hoàng tử bé. Từ đó về sau, các dịch giả từng đưa ra những cái tên khác như Chú bé Hoàng tử, Em bé con nhà trời… nhưng không đủ sức vượt qua cái tên đầy chất biểu tượng Hoàng tử bé mà Bùi Giáng ấn định.

Khi vào tay Bùi Giáng, đứa con tinh thần của Saint-Exupéry như “vừa bay lên, vừa lặn xuống, vừa nối liền hai bờ ngôn ngữ quá xa nhau”. Lối dịch của ông đầy chất ngẫu hứng với thơ Đường, với Kiều. Đến với bản dịch này, người đọc phải vận dụng “công lực” mới hiểu được các ẩn dụ, ý tứ mà ông dụng công đưa vào. Khi nhập được vào không gian của Bùi tiên sinh, độc giả như được tắm trong một dòng sông tươi mát, đủ ngọn ngành câu chữ. Chuyện tình giữa hoàng tử và cành hồng qua phóng bút của Bùi Giáng bỗng thành khối tình vàng son của quân vương và thiếp. 

Để biểu thị một tâm trạng, ông dẫn Đường thi cho mọi thứ trầm mặc. Độc giả còn gặp nhiều câu Kiều của dân tộc: “tùy cơn ngẫu nhĩ ưu tư”, “cười rằng tri kỷ trước sau mấy người”… Táo bạo và tài tình đến thế thì trăm năm trước sau chỉ có mỗi Bùi Giáng mà thôi. Các bản dịch thời kỳ hậu Bùi Giáng có phần dễ đọc hơn khi bớt các từ cổ, tứ thơ và bám khá sát với tác phẩm. Tuy nhiên, khi quá rõ ràng, các bản dịch này lại mất đi chất thơ mộng man mác ưu tư của các tinh cầu mà Saint-Exupéry vẽ nên. 

Những câu văn đáng nhớ trong Hoàng tử bé qua bản dịch của Bùi Giáng

- Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con, (nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia).
- Lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao.
- Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận.
- Cái làm cho sa mạc đẹp ra, ấy là nó che giấu một cái giếng dạt dào đâu đó.
- Người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Cái cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt.

Phạm Ngọ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI