Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực sau 90 ngày nữa: “Kẻ khóc, người cười”

25/10/2020 - 10:29

PNO - Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 24/10 tuyên bố 50 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, sẽ tự động kích hoạt hiệu lực sau 90 ngày nữa. Động thái mới được các nhà hoạt động chống vũ khí hạt nhân ca ngợi, nhưng bị Hoa Kỳ và các các cường quốc hạt nhân phản đối mạnh mẽ.

Tính đến ngày 24/10, Hiệp ước - đã được 49 quốc gia phê chuẩn - nhận được chữ ký thứ 50 từ Honduras - Ảnh: Getty Images
Tính đến ngày 24/10, Hiệp ước - đã được 49 quốc gia phê chuẩn - nhận được chữ ký thứ 50 từ Honduras - Ảnh: Getty Images

Tính đến ngày 24/10, Hiệp ước – trước đó đã được 49 quốc gia phê chuẩn - nhận được chữ ký thứ 50 từ Honduras.

Hãng tin AP dẫn lời bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế loại trừ vũ khí hạt nhân (ICANW) – liên minh được nhận giải Nobel Hòa bình 2017 - cho biết: “Khoảnh khắc này đã đến sau 75 năm Mỹ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, và việc thành lập Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đặt nền tảng để giải trừ vũ khí hạt nhân”. 

ICANW đã đi tiên phong trong việc cấm vũ khí hạt nhân. Bà Fihn tuyên bố: “Việc 50 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước thể hiện vai trò lãnh đạo thực sự (của LHQ) trong việc thiết lập một quy chuẩn quốc tế mới cho thấy vũ khí hạt nhân không chỉ là trái đạo đức, mà còn là bất hợp pháp”.

Việc quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) diễn ra ngày 24/10 - kỷ niệm 75 năm ngày phê chuẩn Hiến chương LHQ, chính thức thành lập tổ chức quốc tế toàn cầu - còn được gọi là Ngày Liên Hợp Quốc.

Hoa Kỳ đã viết thư cho các bên ký kết TPNW nói rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng các nước phê chuẩn đã mắc "một sai lầm chiến lược" và thúc giục họ hủy bỏ việc phê chuẩn. Bức thư của Mỹ cho biết 5 cường quốc hạt nhân ban đầu – Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp - và các đồng minh NATO của Mỹ “thống nhất phản đối những hậu quả tiềm tàng” của TPNW.

Washington cho biết TPNW “quay ngược đồng hồ về thời điểm xác minh và giải trừ vũ khí, và là điều nguy hiểm” đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã có tuổi đời nửa thế kỷ, được coi là nền tảng của các nỗ lực không phổ biến toàn cầu.

AP trích dẫn bức thư của Mỹ cho biết, “TPNW đang và sẽ gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế và có nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc hơn nữa trong các diễn đàn không phổ biến và giải trừ quân bị hiện hữu đang mang lại triển vọng thực tế duy nhất cho tiến bộ dựa trên sự đồng thuận”.

Đáp lại, bà Fihn nhấn mạnh rằng “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và loại bỏ vũ khí hạt nhân, và Hiệp ước TPNW cũng nhằm thực hiện điều đó, và TPNW không hề phá hoại NPT vì cùng có chung mục tiêu cuối cùng”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ủng hộ TPNW, ông gọi đây là “một sáng kiến ​​rất đáng hoan nghênh”. Ông Guterres nói: “Đối với tôi, rõ ràng là chúng ta sẽ chỉ hoàn toàn an toàn trong quan hệ với vũ khí hạt nhân ngày nào mà vũ khí hạt nhân không còn tồn tại”.

TPNW đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên thông qua vào ngày 7/7/2017 với số phiếu ủng hộ 122, Hà Lan phản đối và Singapore bỏ phiếu trắng. Trong số các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ có Iran. Năm cường quốc hạt nhân và bốn quốc gia khác được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân - Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - tẩy chay các cuộc đàm phán và bỏ phiếu về hiệp ước.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI