Hết học kỳ 1, đồ dùng dạy học chương trình mới... vẫn chưa có

21/12/2022 - 14:10

PNO - Nhiều trường THCS TPHCM cho biết, gần hết học kỳ 1 song đồ dùng, trang thiết bị dạy học lớp 7 chương trình mới vẫn chưa có do chưa được cấp kinh phí.

Trong buổi làm việc của Sở GD-ĐT TPHCM với quận 1 về thực hiện Nghị quyết 88, Chương trình GDPT 2018 sáng 21/12, nhiều trường THCS trên địa bàn quận này cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giảng dạy theo chương trình mới.

Bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) chia sẻ, khó khăn trước hết khi thực hiện chương trình mới tại trường là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khối 7. Tính đến thời điểm này dù sắp kết thúc học kỳ 1 song thiết bị, đồ dùng dạy học lớp 7 vẫn chưa có do chưa được cấp kinh phí mua sắm.

Nhiều trường THCS tại TPHCM vẫn chưa có đồ dùng dạy học lớp 7 chương trình mới
Nhiều trường THCS tại TPHCM vẫn chưa có đồ dùng dạy học lớp 7 chương trình mới

Cạnh đó là khó khăn về định biên giáo viên dù chương trình mới có tăng số tiết, có xuất hiện nhiều môn học mới song tỷ lệ biên chế định biên giáo viên vẫn theo chương tình cũ.

"Hiện nhà trường đang tận dụng trang thiết bị cũ, tận dụng nền tảng công nghệ thông tin để giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học khối 7. Với khó khăn về định biên giáo viên, trường phân công giáo viên kiêm nhiệm phụ trách các môn học mới. Tuy nhiên, điều này lại phát sinh thêm khó khăn là giáo viên cho rằng không có chuyên môn sâu, thiếu tự tin đứng lớp, một số giáo viên cảm thấy bị ép buộc khiến nhà trường phải liên tục giải thích, thuyết phục..." - bà Trang bày tỏ.

Tương tự, ông Trương Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1) cho hay, trường đã đề xuất trang thiết bị cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị dạy học năm 2021 nhằm phục vụ tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng của chương trình mới từ nguồn kinh phí đầu tư của UBND quận 1 song công tác mua sắm trang thiết bị dạy học khối 6, 7 còn chậm. Hiện tại, trang thiết bị khối lớp 7 vẫn chưa có...

Một khó khăn nữa theo ông Hưng, trường còn thiếu giáo viên thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình mới bao gồm giáo viên các môn tích hợp, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Cạnh đó, nội dung chương trình môn khoa học tự nhiên, lịch sử- địa lý là nội dung tích hợp trong khi giáo viên được đào tạo đơn môn nên cần có sự đầu tư cao về chuyên môn, cần có thời gian để đúc kết kinh nghiệm. Nhiều giáo viên lo lắng khi chương trình cuốn chiếu dần đến lên khối lớp 8, 9 thì có thể sẽ không đủ khả năng để dạy tốt.

"Giải pháp được nhà trường hướng tới trong năm học này là bổ sung cơ sở vật chất, cải tạo phòng chức năng tối thiểu. Cạnh đó, đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, động viên khuyến khích, khen thưởng hợp lý giáo viên thực hiện giảng dạy các môn tích hợp..." - ông Trương Quốc Hưng nói.

"Để giáo viên, học sinh thực hiện chương trình lớp 7 đạt chất lượng cao nhất thì thiết bị dạy học, tài liệu giáo dục địa phương cần có sớm. Sở GD-ĐT TPHCM có phối hợp chặt chẽ với các trường đại học chuẩn bị tốt nguồn giáo viên cho những bộ môn còn thiếu, có kiến nghị tăng thu nhập cho đội ngũ giáo viên, chú trọng vị trí nhân viên phụ trách công nghệ thông tin để quá trình số hóa trường học được thực hiện có hiệu quả"- Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí kiến nghị.

Trước những khó khăn, kiến nghị của các cơ sở giáo dục, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết ghi nhận, cùng với các phòng chuyên môn của Sở có hướng tham mưu, đề xuất gỡ khó...

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI