Ngành giáo dục thiếu từ phương tiện đến con người để triển khai chương trình mới

13/12/2022 - 13:34

PNO - Các địa phương thiếu về mọi mặt, từ phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học, tài liệu và giáo viên để triển khai chương trình phổ thông mới.

 

Hội nghị có sự tham gia của sở GD-ĐT của 63 tỉnh, thành trên cả nước
Hội nghị có sự tham gia của sở GD-ĐT của 63 tỉnh, thành trên cả nước

Sáng 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 với sự tham gia của 63 sở GD-ĐT trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ rất khó của toàn ngành hiện nay là việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ thực tế triển khai của các địa phương, việc hiểu chương trình vẫn chưa có sự thống nhất, mỗi nơi còn có những sáng tạo, điểm vướng, những khó khăn khác nhau.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần trao đổi về những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình, về cơ sở vật chất, giáo viên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, những vấn đề về văn hóa học đường, an toàn trường học...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo hội nghị

Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho biết tỷ lệ phòng học công lập được kiên cố hóa bình quân cả nước đạt hơn 87%. Tuy nhiên một số vùng miền phía Bắc, Tây nguyên, ĐBSCL tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân cả nước. Bên cạnh đó, vẫn có thiếu phòng học cục bộ tại những khu vực có mật độ dân cư cao, miền núi, vùng sâu. Cấp tiểu học thiếu hơn 13.300 phòng học để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày.

Cơ bản các trường đều có phòng học bộ môn nhưng cấp tiểu học còn thiếu nhiều. Đối với cấp tiểu học, để thực hiện chương trình mới, cả nước thiếu hơn 42.300 phòng học bộ môn. Từ năm học 2022-2023, để đáp ứng yêu cầu cho môn tin học và ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp Ba, cả nước thiếu hơn 3.000 phòng tin học và hơn 5.500 phòng học ngoại ngữ. Cấp THCS thiếu 16.288 phòng bộ môn và cấp THPT thiếu hơn 5.300 phòng bộ môn.

Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hiện cả nước còn thiếu gần 107.000 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 44.000 người, sau đó là cấp tiểu học gần 33.000 người. Việc thiếu giáo viên ở các địa phương đã ảnh hưởng nhiều đến đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí giáo viên thực hiện chương trình mới.

Tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học của cả nước chỉ đạt hơn 54%. Đối với môn tin học, số lượng máy tính chỉ đáp ứng cơ bản, đa phần cấu hình thấp, đã trang bị từ lâu, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới, tiên tiến để đáp ứng nhu cầu dạy học. Thiết bị dạy học ngoại ngữ còn hạn chế, chủ yếu là thiết bị cầm tay, đơn chiếc...

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI