Hậu COVID-19, bệnh nhân cần được điều trị phục hồi chức năng

28/09/2021 - 06:16

PNO - Sau khi mắc COVID-19, dù đã xét nghiệm âm tính nhưng người bệnh vẫn phải chịu các di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần trong thời gian dài. Bệnh viện Thống Nhất là một trong những đơn vị đầu tiên tại TPHCM đã quan tâm tới sức khỏe bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19, từ đó thành lập Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19.

Chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Vân, Trưởng khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 Bệnh viện Thống Nhất về những vấn đề liên quan đến chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19. Hy vọng nhờ đó ngày càng nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sớm quay lại cuộc sống bình thường.

Các bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 Bệnh viện Thống Nhất - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Các bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Phóng viên: Thưa bác sĩ, Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 của Bệnh viện Thống Nhất có mô hình tổ chức và phương thức vận hành ra sao?

Bác sĩ Hoàng Ngọc Vân: Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 đã đi vào hoạt động gần ba tuần. Mô hình tổ chức và vận hành của khoa như những khoa điều trị khác trong bệnh viện, nhân lực được điều động từ các chuyên khoa khác. Khoa có 40 giường, trong đó 20 giường hồi sức và 20 giường dành cho nội khoa/phục hồi chức năng. 100% bệnh nhân hậu COVID-19 khi nhập viện đều phải thở ô-xy các mức độ khác nhau. Tại khoa, họ sẽ được điều trị và đánh giá tổng thể sức khỏe, làm xét nghiệm PCR lại. Sau thời gian từ 5 - 7 ngày, thể trạng tiến triển thì bệnh nhân sẽ được chuyển sang khu dành cho bệnh nhẹ hơn. 

Ngay từ khi mở ra được 10 ngày thì 40 giường của khoa đã kín hết, chứng tỏ nhu cầu điều trị giai đoạn hậu COVID-19 rất lớn.

* Bác sĩ có thể cho biết làm cách nào để bệnh nhân được tiếp cận và điều trị tại khoa này? Chi phí và thời gian điều trị ra sao? 

- Có hai kênh chính. Thứ nhất, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân từ các bệnh viện dã chiến chuyển đến. Khi họ đã đủ điều kiện ra viện nhưng có bệnh lý nền đang diễn tiến nặng, hoặc họ vẫn còn phải thở oxy. Thứ hai là các trường hợp đến bệnh viện khám hoặc cấp cứu vì mệt, khó thở, điều tra bệnh sử ghi nhận họ từng mắc COVID-19. Thời gian điều trị kéo dài bao lâu thì rất khó nói, bởi đa số bệnh nhân bị các di chứng tổn thương rất nặng. Đến nay chỉ có một số ít bệnh nhẹ đã được xuất viện.

Về chi phí điều trị, như các khoa khác, bệnh nhân được thanh toán những gì bảo hiểm y tế chi trả, còn các phát sinh ngoài danh mục bảo hiểm thì bệnh nhân tự bù thêm. 

* Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 ghi nhận bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 hay gặp phải các tổn thương nào, và họ được chăm sóc, điều trị ra sao?

- Chúng tôi ghi nhận phần lớn bệnh nhân bị tổn thương chức năng hô hấp. Phổi của họ bị ảnh hưởng nặng nề, viêm phổi chưa khỏi triệt để. Một số trường hợp khác thì bị xuất huyết tiêu hóa, tăng men gan do ảnh hưởng của thuốc. Đôi khi có những bệnh lý ngoại khoa đi kèm, chúng tôi sẽ phối hợp với chuyên khoa ngoại để can thiệp. Nặng nề nhất là ảnh hưởng ở phổi của bệnh nhân. Khoảng 90% trong số họ phổi bị tàn phế. Tình trạng viêm phổi sẽ không thể hết ngay, có thể còn kéo dài từ 3 - 6 tháng, có khi cả năm.

Bệnh nhân cũng không thể nằm viện mãi, chủ yếu chúng tôi cho dùng thuốc kháng sinh nếu phổi bị viêm và hướng dẫn họ các bài tập vật lý trị liệu hô hấp. Chúng tôi cũng hướng dẫn cả người nhà bệnh nhân bài tập này để sau khi xuất viện bệnh nhân vẫn tiếp tục tập luyện ở nhà thì mới cải thiện chức năng hô hấp. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn gặp các vấn đề bất ổn tâm lý do vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Ở khoa này, mỗi bác sĩ và nhân viên y tế đều kiêm luôn vai trò trị liệu tâm lý cho bệnh nhân. Đa số nhân viên y tế tại khoa đã chứng kiến các bệnh nhân COVID-19 chiến đấu với cơn bạo bệnh ra sao, hoang mang lo lắng chừng nào, từ đó khi tiếp xúc với bệnh nhân chúng tôi đều thấu cảm.

Chúng tôi biết cách động viên khi thấy bệnh nhân của mình suy tư, lo lắng. Ngược lại, khi được điều trị trong khoa này, bệnh nhân cảm giác như mình đang ở một khoa điều trị bệnh thông thường nên họ an tâm hơn rất nhiều.

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất Lê Đình Thanh, nhiều người đã được điều trị khỏi COVID-19 (Sarcovy - RT PCR âm tính) nhưng vẫn phải gánh chịu các tổn thương dai dẳng sau đó do di chứng, do các bệnh nền bùng phát. Trong số đó có một tỷ lệ bị tái dương tính không nhỏ dù với chu kỳ ngưỡng cao (CT>30).

Sáu tháng sau khi điều trị khỏi COVID-19, tỷ lệ tử vong đối với những người có bệnh nền, diễn tiến nặng, vẫn cao có thể chiếm tới 6-8%. Chính vì vậy, điều trị phục hồi chức năng thần kinh, chức năng của các cơ quan trong cơ thể và cả tổn thương tâm lý cho các bệnh nhân này là hết sức cần thiết. Mô hình Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19 của bệnh viện hướng tới những đối tượng khó khăn, lập ra để hỗ trợ cho bệnh nhân nên không phải là khoa dịch vụ. Bệnh nhân của khoa này được hưởng theo quyền lợi chi trả của bảo hiểm y tế.

 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI