Hát đè, hát nhép: Chuyện cũ nhưng không cũ

19/11/2019 - 17:59

PNO - Hát đè, hát nhép không phải là câu chuyện mới trong làng nhạc nhưng luôn “nóng” bởi không chỉ phản ánh năng lực mà còn ý thức làm nghề của ca sĩ.

Hát đè hay hát nhép: Chuyện lại tranh cãi 

Mới đây, nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc SuperM đã có buổi biểu diễn tại bang Texas, Mỹ. Cây bút Stefan Stevenson cho rằng phần lớn trong show diễn, nhóm đã hát đè, hát nhép.

“7 thành viên dành thời gian cho vũ đạo đồng bộ - điều góp phần làm nên sức hấp dẫn đối với fan K-pop. Có đôi lúc ca sĩ cũng hát live chen vào, hoặc ít nhất là hát đè lên làm sinh động thêm các bài hát đã được thu sẵn”, anh viết.         

Sự việc này nhanh chóng tạo nên một cuộc tranh luận trái chiều giữa cây bút trên và cộng đồng người hâm mộ SuperM. Họ cho rằng Stefan Stevenson đã làm quá lên sự việc này và yêu cầu thông cảm với nhóm nhạc thần tượng khi phải sử dụng vũ đạo quá nhiều trên sân khấu.

Hat de, hat nhep: Chuyen cu nhung khong cu
Nhóm nhạc Hàn Quốc SuperM bị cho là hát nhép khi biểu diễn tại Mỹ.

Trước đó, tại Việt Nam, sự việc liên quan đến ca sĩ Bích Phương cũng khiến dư luận xôn xao. Theo đó, tối 27/10, nữ ca sĩ có buổi biểu diễn tại Quảng Ninh, nhưng khi cô đang hát thì bị một khán giả bất ngờ giật mic để tìm con.

Điều khiến khán giả tranh cãi là giọng hát của Bích Phương vẫn tiếp tục vang lên sau đó khi mic đã trên tay vị khán giả kia. Nhiều người cho rằng Bích Phương hát đè lên nền nhạc có thu tiếng sẵn, nhưng cũng có ý kiến chỉ trích cô hát nhép. 

Hat de, hat nhep: Chuyen cu nhung khong cu
Ồn ào của Bích Phương trong những ngày qua khiến làng nhạc Việt bùng nổ những cuộc tranh cãi về việc hát đè, hát nhép.

Bích Phương bị giật mic trên sân khấu:

 

Hiện, theo luật định của Việt Nam tại Điểm b, Khoản 10, Điều 13 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo sẽ phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng cho hành vi sử dụng bản ghi âm thay cho giọng hát thật của người biểu diễn, hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ độc diễn.

Nhưng khái niệm hát nhép, hát đè, hay thay thế giọng thật bao nhiêu % thì vi phạm vẫn chưa được quy định cụ thể trong luật.

Ngoài việc hát live với ban nhạc trên sân khấu, việc biểu diễn hiện nay có thể phân loại thành 4 hình thức như sau, gồm: MR, Live MR, AR và Live AR.             

MR (music redorder): Tức là bản thu âm nhạc cụ, có một phần nhỏ backing vocal (giọng hát lót) rất nhỏ nhằm tăng thêm độ dày trong tiếng hát của ca sĩ khi hát live. Phần âm thanh này gần giống như âm thanh nền karaoke.

Live MR (Live music recorder): Là bản thu tiếng nhạc cụ với phần trợ âm to gần tương đương tiếng hát thật để hỗ trợ cho ca sĩ ở một vài câu hát, trong trường hợp những quãng âm dài, nhiều câu hát liên tục không có nghỉ hơi. 

AR (All recorder): Chỉ những bản thu âm hoàn chỉnh, ca sĩ chỉ cần thể hiện khẩu hình cho giống. Đây cũng chính là hình thức hát nhép trong định nghĩa của đại chúng. 

Trong khi đó, Live AR (Live all recorder) được nâng cấp khi giọng hát được chỉnh vang hơn, lồng cả tiếng thở vào để khán giả tin rằng nghệ sĩ đang hát thật. Khi đó, họ chỉ tập trung vào phần biểu diễn, vũ đạo và cố gắng nhép miệng sao cho giống thật. Hai hình thức này nhận nhiều sự chỉ trích từ khán giả lẫn giới chuyên môn.

Một nửa thật cũng không là thật

Không riêng Bích Phương mà tình trạng hát đè, hát nhép vẫn diễn ra trong làng nhạc Việt. Năm 2010, Quỳnh Nga bị rớt mic khi trình bày ca khúc Người tình mùa đông nhưng tiếng hát vẫn tiếp tục vang lên sau đó.

Năm 2011, Thu Thuỷ cũng gặp phải sự cố tương tự và bị phát hiện hát nhép. Cùng trong năm này, Bạch Công Khanh, Thủy Tiên cũng bị phát hiện hát trên nền bản thu có sẵn giọng hát. Ngay cả giọng ca đẹp, kỳ cựu như Hiền Thục cũng bị phát hiện lừa khán giả khi mic chưa bật mà giọng vẫn vang lên.

Bầu show Quang Cường cho rằng hát đè hay hát nhép về thực chất cũng là một hình thức để lừa phỉnh khán giả. Khái niệm hát đè vốn chỉ để giảm bớt mức độ gian dối. Việc hát đè, hát nhép không chỉ thể hiện sự yếu kém trong năng lực của ca sĩ mà còn thể hiện trách nhiệm, đạo đức làm nghề.

Khi dính vào lùm xùm hát đè, hát nhép, ca sĩ thường không nhận lỗi hoặc đá bóng trách nhiệm cho bầu show, điều kiện thời tiết, âm thanh…

Hat de, hat nhep: Chuyen cu nhung khong cu
Hiền Thục bị phát hiện hát nhép khi tham gia một show diễn năm 2012 khi micro không bật mà giọng hát vẫn vang lên.

“Khán giả bỏ tiền mua vé xem show hoặc tìm đến sân khấu trực tiếp cốt chỉ để được nghe ca sĩ biểu diễn live. Vì thế, việc hát chồng, hát nhép là không thể chấp nhận. Nếu không thể hát tốt, tốt nhất là luyện tập nhiều hơn hoặc đừng nhận lời biểu diễn. Riêng tôi, với tư cách bầu show, không ủng hộ chuyện ca sĩ hát chồng hay hát nhép. Hát thật một nửa thì cũng không phải là thật”, Quang Cường nói. 

Anh cho biết trong hợp đồng biểu diễn thường không có quy định cụ thể để ràng buộc ca sĩ về việc hát live nên có những trường hợp nhà tổ chức không kịp trở tay khi ca sĩ sử dụng bản phối có lời thu sẵn để hát đè.

“Có những trường hợp họ vẫn tập luyện nhưng đến giờ chót lại đẩy một bản thu khác vào, có lời sẵn. Lúc đó, bầu show, nhà tổ chức cũng không thể chạy ra ngăn lại hay tự mình đi nói với đơn vị book show rằng ca sĩ đang hát đè, hát nhép. Sự cố xảy ra thì mất mặt cả đôi bên. Vì thế, mọi thứ vẫn phụ thuộc vào ý thức làm nghề của từng người mà thôi”, anh nói.

Có trường hợp cá biệt nhưng phải ở phạm vi có thể chấp nhận

Việc hát chồng, hát nhép được xem là điều cấm kỵ nhưng vẫn có những trường hợp cá biệt như: những buổi biểu diễn ngoài trời; những chương trình truyền hình trực tiếp (thường mang yếu tố nghiêm trang, chuẩn mực, có liên quan đến yếu tố chính trị, quốc gia) để đảm bảo không xảy ra rủi ro theo yêu cầu từ ban tổ chức; dòng nhạc EDM hay những tiết mục có sử dụng vũ đạo để minh hoạ khiến nghệ sĩ không giữ được cột hơi… 

Tuy nhiên, việc sử dụng âm thanh chồng lên nhằm giúp giọng hát của ca sĩ vang, rõ hơn trong những trường hợp này phải có mức độ nhất định, hợp lý theo tính toán của người phối nhạc.

“Con số tốt nhất là giọng bè trong đoạn nhạc thu sẵn phải nhỏ hơn 50% so với giọng thực tế. Chúng ta có thể đo đếm việc này bằng cách dễ nhất là khi tắt micro đi, giọng thu sẵn phải nhỏ đến mức không thể nghe rõ. Còn khi tắt mic đi, giọng vẫn vang lên nghe rõ thì không thể chấp nhận. Việc đè giọng cũng chỉ nên ở một số đoạn nhất định, trong trường hợp ca sĩ không thể giữ giọng tốt, chứ không thể đè cả bài”, nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ. 

Hat de, hat nhep: Chuyen cu nhung khong cu
Những tiết mục nhạc EDM hoặc thiên về biểu diễn, ca sĩ thường sử dụng nhạc nền có thu giọng sẵn.

Anh cũng khẳng định rằng các thiết bị âm thanh, micro… hiện nay đều có thể đảm bảo tốt cho ca sĩ trình diễn live ở sân khấu, ngay cả ngoài trời. Vì thế, việc viện lý do để sử dụng những bản ghi âm có giọng hát bè lớn, át cả giọng thật là không thể chấp nhận.

“Việc âm thanh có vấn đề, điều kiện thời tiết không tốt dẫn đến màn trình diễn không như ý, không làm vừa lòng khán giả thì chính nhà tổ chức phải chịu trách nhiệm với khán giả. Điều này lại thuộc về văn hoá ứng xử, chúng ta có thành thật và nghiêm túc với công chúng hay không. Trong những trường hợp này, thường khán giả ít nhiều sẽ có sự thông cảm”, nhạc sĩ Dương Cầm nói.

Nhưng chính việc luật định chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng có những bản phối giọng nền lớn đến 70-80%. Mức xử phạt vẫn còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Chẳng hạn như trường hợp vừa qua của Bích Phương (kết hợp với sai phạm của ban tổ chức) chỉ bị phạt 9 triệu đồng. Cao Thái Sơn cũng từng bị phạt chỉ 4,5 triệu đồng cho việc hát nhép.

Khán giả vẫn là người quyết định?

Việc hát đè, hát nhép diễn ra không chỉ trong làng nhạc Việt mà còn ở cả những thị trường khác trên thế giới. Tại Hàn Quốc, nơi dòng nhạc điện tử lên ngôi và xu hướng âm nhạc kết hợp trình diễn vũ đạo được ưa chuộng thường xảy ra tình trạng này. Trong đó, liveshow hồi năm 2014 của EXO có đến 90% tiết mục là hát đè hoặc nhép hoàn toàn. Nhóm nhạc TWICE, SNSD hay Super Junior… đều từng sử dụng chiêu thức này để qua mắt khán giả.

Britney Spear từng bị vạch trần vụ hát nhép hồi năm 2017 trong liveshow tại Thái Lan. Hồi tháng 7/2018, diva hàng đầu thế giới Mariah Carey cũng bị phát hiện hát nhép khi micro rơi xuống đùi nhưng giọng hát vẫn vang lên. Đây cũng là lần thứ ba giọng ca này bị phát hiện dùng tiểu xảo khi biểu diễn. Danh sách này còn được nối dài bởi Justin Bieber, Lindsay Lohan…

Hat de, hat nhep: Chuyen cu nhung khong cu
Mariah Carey lộ việc hát nhép trong một đêm diễn vào tháng 7/2018.

Dễ thấy những cái tên này vẫn trụ vững trong làng nhạc sau những sự cố trên. Thậm chí, dẫu biết Britney Spear hát nhép nhưng mỗi đêm nhạc của cô vẫn thu hút đến hàng nghìn khán giả, với giá vé không hề rẻ. Lý giải về điều này, ca sĩ Hoàng Quyên cho biết quan trọng nhất vẫn là khán giả có đón nhận hay không.

Đồng quan điểm nhưng nhạc sĩ Dương Cầm nhấn mạnh thêm: “Khán giả bây giờ thông minh lắm, hát thật hay hát đè, hát nhép, họ nhận ra ngay. Nhưng có những đêm diễn, họ chỉ cần được ngắm thần tượng và xem trình diễn nên cho qua. Nhưng muốn làm nghề và đi dài lâu, tôi nghĩ cái thật nhất vẫn dễ kết nối mọi người với nhau. Việc tôn trọng giọng hát thật cũng là cách để ca sĩ rèn nghề tốt hơn”.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI