Hàng lậu nườm nượp tràn qua biên giới - Bài 2: 'Đề lô' án ngữ vùng biên

24/01/2018 - 12:09

PNO - Ở vùng biên, “đề lô” được xem là “nghề” hái ra tiền và dễ làm nhất. “Đề lô” là những người được các đối tượng buôn lậu thuê làm “tai mắt” cho mình,có nhiệm vụ cảnh giới, trông chừng lực lượng chức năng để...

Bất cứ nơi nào có thể tuồn được hàng lậu vào trong nước, đều có sự xuất hiện dày đặc của “đề lô”. 

“Đề lô” cắm chốt dọc đường biên

Hang lau nuom nuop tran qua bien gioi - Bai 2: 'De lo' an ngu vung bien
“Đề lô” thường xuất hiện gần các điểm tập kết hàng lậu

Trong vai trò cảnh giới, “đề lô” không chỉ theo dõi, nắm “động tĩnh” của lực lượng biên phòng mà còn tìm mọi cách cản trở hoạt động chống buôn lậu của lực lượng này. “Trước cửa bất cứ đồn biên phòng nào cũng có "đề lô" cắm chốt, ai ra vô, chúng đều nắm rõ và thông báo cho nhau” - thiếu tá Phạm Văn Xá, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) - cho biết. Từ cửa đồn, “đề lô” rải quân theo lộ trình hàng lậu vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam. 

Ngày 11/1, chạy xe máy theo tuyến Quốc lộ 22A từ TP.HCM về Mộc Bài, khi đến cách cửa Đồn biên phòng CKQT Mộc Bài tầm 3km, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông chạy xe máy bám theo. Hễ chúng tôi cố tình chạy chậm, người này cũng giảm ga và ngược lại. Chúng tôi quyết định ghé vào một quán nước ven đường, người này cũng bất ngờ dừng xe, vào quán ngồi cách bàn chúng tôi dăm bước chân.

Sau chừng mười phút “săm soi” chúng tôi từ đầu đến chân, người này hất hàm: “Đi đâu mà theo đường này? Qua Campuchia đánh bài à?”. Chúng tôi vờ rụt rè: “Bọn em định qua bên kia mua ít đồ về bán tết”. Đôi mắt ông ta bỗng sáng rực: “Mua gì? Nhiều không? Mà qua đó vác hàng về không dễ đâu, tết nhất, biên phòng làm dữ lắm”. “Vậy phải làm sao anh?” - chúng tôi vờ hỏi. Hất hàm cười khẩy, ông ta nói: “Phải có người dẫn đường chứ làm sao! Mà đường khác chứ không phải qua cửa khẩu đâu nha”.  

Hang lau nuom nuop tran qua bien gioi - Bai 2: 'De lo' an ngu vung bien
“Đề lô” tên Hòa nghe ngóng tình hình ở khu chợ vùng biên gần cửa khẩu quốc tế Mộc Bài

Ông Hòa - người bám theo chúng tôi - tiết lộ, dẫn đường nghĩa là thông báo con đường mà cửu vạn hoặc người chuyển hàng về có bị tuần tra, mật phục hay không. “Nếu muốn đưa hàng nhẹ (hàng mua bán không bị truy tố hình sự) qua biên giới thì nói tôi chỉ cho người dẫn đường, chứ hàng nặng là không chơi. Họ chỉ dẫn thôi, chứ không có trách nhiệm gì đến hàng hóa đâu nhen” - ông Hòa nói. Đang dang dở câu chuyện, ông Hòa bất ngờ đứng dậy, phóng xe theo một vài cán bộ biên phòng đang chạy về hướng chốt 172 thuộc Đồn biên phòng CKQT Mộc Bài.

(*) Detachement de liaison et d'observation - viết tắt D.L.O, tiền sát pháo binh, thường do một sĩ quan cấp úy phụ trách có nhiệm vụ điều chỉnh tác xạ.

Kể lại cuộc gặp gỡ này, chúng tôi được thiếu tá Phạm Văn Xá khẳng định, nhiều khả năng người đàn ông đó là một “đề lô”. Làm sao “đánh án” được với mạng lưới “đề lô” dày đặc? Thiếu tá Xá mỉm cười: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, mình cũng phải có chiêu để trị buôn lậu chứ”.

Thiếu tá Xá cho biết, nếu đánh án công khai (ra đường chặn bắt) thì tỷ lệ thành công là… 0%. Rất nhiều vụ, các trinh sát biên phòng phải đóng giả, ăn vận tinh tươm, thuê một chiếc ô tô vờ như đi đám cưới để qua mắt “đề lô”. Ô tô đi đám cưới tiếp tục di chuyển cách xa điểm buôn lậu hàng chục cây số để tránh tiếp các “đề lô” dọc đường. Khi xác định không còn khả năng bị “đề lô” nghi ngờ, các trinh sát sẽ thay quân phục, sau đó chạy vòng đường khác đến địa điểm buôn lậu đang chuyển hàng để “đánh án”. 

Có nhiều vụ, theo nguồn tin, “hàng” sẽ tập kết lúc 5g, các trinh sát đã phải “xuất quân” từ lúc 1g, nằm mật phục trong bụi cây, dưới bùn lầy để chờ. Thậm chí, có trường hợp một, hai cán bộ khi biết có “đề lô” bám theo mình, giả vờ bị lộ rồi ra về để “đề lô” an tâm, thông báo cho đồng bọn, trong khi nhiều cán bộ khác vẫn nằm im mật phục.

Theo lực lượng biên phòng, không chỉ đeo bám, “đề lô” còn cố tình cho các trinh sát biết rằng họ đã phát hiện ra lực lượng biên phòng, để các trinh sát biết mình bị lộ, bỏ kế hoạch tuần tra.

Đủ mọi chiêu trò

Ngày 18/1, sau chuyến công tác tại Đồn biên phòng CKQT Bình Hiệp (tỉnh Long An), chúng tôi rời đồn đi về hướng Quốc lộ 62 thì phát hiện có người lạ bám theo mình. Thấy chúng tôi tấp vào một quán nước ở xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, thanh niên này cũng tấp vào ngồi sát bên. Anh ta bắt chuyện: “Ở đâu mà đến đây, lại đi từ đồn biên phòng ra vậy?”.

Biết chúng tôi từ TP.HCM đến đồn thăm người thân đang làm nghĩa vụ, thanh niên này bỗng thở phào, móc điện thoại ra gọi cho ai đó: “Khách ở xa thăm người thân thôi”. Nói xong, anh ta nhìn chúng tôi cười bí ẩn: “Thấy trong đồn có vắng vẻ không?”.

Thấy chúng tôi ngơ ngác, anh ta cười lớn: “Hỏi vậy thôi, chứ ông nào làm trong đó ra vô cổng mà tôi không biết”. Nói xong, anh ta lên xe phóng đi. Một người đàn ông trong quán cho hay: “Thằng đó ngày nào cũng cắm chốt ở ngã tư gần Đồn biên phòng CKQT Bình Hiệp, thấy người lạ nào vào đồn là bám theo”.

Thiếu tá Lê Nhật Hùng - Đồn trưởng Đồn biên phòng CKQT Bình Hiệp - phân tích: “Mình biết họ làm “đề lô” cho đầu nậu nhưng vì họ chỉ ngồi một chỗ nhìn ngó hoặc bám theo mình nên anh em không có căn cứ gì để xử lý hay buộc họ tránh xa” - thiếu tá Hùng chia sẻ.

Chẳng những hành nghề công khai, dân “đề lô” ở khu vực biên giới còn giở đủ các chiêu trò “tác nghiệp”. Ban ngày, chúng nhập vai làm xe ôm, bán hàng rong; tối đến, chúng giả làm dân đi soi ếch nhái, đi giăng câu, bắt rắn, giăng lưới để theo dõi các trinh sát đi tuần tra, mật phục. Thậm chí, chúng ngang nhiên cầm đèn pin công suất lớn quét trên khắp cánh đồng nội biên, nếu thấy lực lượng chức năng mật phục, sẽ gọi điện báo cho chủ hàng. Không ít “đề lô” cố tình chọc tức các trinh sát bằng cách bám theo rất sát. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn “đề lô” đều là người địa phương, có hoàn cảnh khó khăn nên được đầu nậu thuê để làm cảnh giới. Nhiều người biết việc làm của mình không đúng, góp tay cho các đối tượng buôn lậu nhưng vẫn chấp nhận, bởi thu nhập khấm khá.

Nóng bỏng “vùng tứ băng”

Ở Đồn biên phòng CKQT Bình Hiệp, “tứ băng” là mật danh về bốn con đường mà bọn buôn lậu thường sử dụng để tuồn hàng về Việt Nam. Trung úy Lê Văn Phúc lý giải, tuyến biên giới do đồn Bình Hiệp quản lý trải dài 9,8km. Không chỉ cửa khẩu mà mọi nơi đều trở thành lối đi của cánh buôn lậu. Trong số đó, chúng đặc biệt thích vận chuyển hàng lậu qua bốn đường có mật danh là KT1, KT2, KT3, KT4.

Theo trung úy Lê Văn Phúc - Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng CKQT Bình Hiệp - ngoài lý do vận chuyển hàng dễ do địa hình bằng phẳng, việc vận chuyển hàng lậu qua các con đường này còn giúp cánh “đề lô” dễ dàng phát hiện các trinh sát mật phục, tuần tra. Hàng vận chuyển trót lọt sẽ được đưa về tập kết tại thị xã Kiến Tường, sau đó đưa đến TP.HCM và rải đi các tỉnh.

Ở chiều ngược lại, nổi lên tình trạng vận chuyển xe gian, xe trộm cắp từ Việt Nam qua Campuchia. Xe gian chủ yếu từ TP.HCM đưa lên cửa khẩu, sau đó đưa qua biên giới bằng các tuyến đường mòn. Nếu tiêu thụ trong nước, các đối tượng chủ yếu rã xe bán phụ tùng, giá rất thấp; còn nếu mang sang Campuchia, sẽ bán được nguyên chiếc, giá cao hơn.

Hang lau nuom nuop tran qua bien gioi - Bai 2: 'De lo' an ngu vung bien
 

Chỉ riêng đợt cao điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, Đồn biên phòng CKQT Bình Hiệp đã bắt ba vụ vận chuyển xe gian qua biên giới. Hầu hết các phương tiện này đều bị bẻ khóa, không có nguồn gốc rõ ràng. Các đối tượng vận chuyển xe gian thường đối phó bằng cách vứt lại phương tiện, bỏ chạy qua biên giới khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Tối 30/11/2017, nhận được thông báo của Công an H. Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh về một vụ trộm cắp xe máy, Đồn biên phòng CKQT Mộc Bài đã nhanh chóng triển khai lực lượng đón lỏng đối tượng. Đến gần khuya, các trinh sát chốt cảnh giới Tà Peng phát hiện một đối tượng điều khiển chiếc xe máy giống như lời trình báo của nạn nhân, chạy về hướng Campuchia.

Tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra thì đối tượng này tăng ga vọt đi. Các trinh sát liền khép vòng vây, tóm gọn đối tượng Trần Văn Dễ - sinh năm 1988, ngụ tại H. Gò Dầu. Dễ khai, trộm xe máy, định mang sang Campuchia bán thì bị bắt giữ.

Trong năm 2017, Đồn biên phòng CKQT Mộc Bài đã triệt phá 11 vụ vận chuyển xe gian qua biên giới, bắt giữ 14 đối tượng liên quan, thu giữ 11 xe máy tang vật.

Phá nhiều vụ chuyển tiền trái phép qua biên giới

Trong năm 2017, Đồn biên phòng CKQT Mộc Bài đã phát hiện bốn vụ với năm đối tượng chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, thu giữ 455.200 USD và 586,5 triệu đồng. Trong số này, có Trần Đức Long - sinh năm 1985, ngụ tại tỉnh Bình Phước và Nguyễn Công Vương - sinh năm 1982, quê Phú Thọ - được các đối tượng ở Campuchia nhờ vận chuyển USD trái phép về Việt Nam. 

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân không nên nhận lời chuyển tiền qua biên giới giúp các đối tượng xấu vì hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới sẽ bị xử lý hình sự.

Sơn Vinh - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI