Giúp nữ tù nhân hòa nhập cuộc sống

20/04/2024 - 11:11

PNO - Vào một ngày tháng Mười lạnh lẽo, tại trại cải tạo ở bang Ohio, Mỹ, Heather C. Jarvis gói đồ đạc của mình vào chiếc túi vải, chuẩn bị trở về với cuộc sống tự do sau 10 năm quanh quẩn sau song sắt cùng sự lo lắng về việc tái hòa nhập của mình.

Cô Laila Abu Hassan trò chuyện với các nữ tù nhân trong một buổi tư vấn - Nguồn ảnh: Singapore Prison Service
Cô Laila Abu Hassan trò chuyện với các nữ tù nhân trong một buổi tư vấn - Nguồn ảnh: Singapore Prison Service

Ngồi trong sảnh của trung tâm cải tạo phụ nữ Ohio ở bang Ohio, Jarvis khẽ mỉm cười khi bác sĩ trị liệu lâu năm trấn an rằng cô sẽ ổn. 10 năm ngồi sau song sắt, Jarvis đã trải qua quá trình điều trị lạm dụng chất gây nghiện, phát triển chuyên môn, thậm chí lấy bằng tốt nghiệp cao đẳng. Jarvis cho biết: “Đôi khi, tôi sợ mình không thể thích nghi với cuộc sống bên ngoài”.

Theo báo cáo năm 2023, khoảng 25% phụ nữ bị giam giữ tại Mỹ do các tội danh liên quan đến ma túy - cao hơn nhiều so với mức 12% ở nam giới. Ohio là một trong những nơi tăng mạnh nhất về số lượng tù nhân nữ. Wendy Sawyer - Giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn Sáng kiến chính sách nhà tù (Mỹ) - cho biết: “Việc giam giữ phụ nữ tăng rất nhanh vào đầu những năm 2000. Dù vậy, phải mất khoảng 1 thập niên để chính quyền nhìn nhận khoảng cách ngày càng lớn giữa các chương trình tái hòa nhập sẵn có và số lượng nữ tù nhân cần chúng”.

Việc thiếu sự trợ giúp khiến hành trình tái hòa nhập trở nên khó khăn hơn đối với nữ tù nhân, bởi hơn một nửa trong số họ có con ở tuổi vị thành niên. Cô Sawyer giải thích: “Phụ nữ phải đối mặt với tất cả rào cản giống như nam giới khi tái hòa nhập, bao gồm đảm bảo việc làm, nhà ở và phương tiện đi lại, cũng như thiết lập các mối quan hệ gia đình nhưng với mức độ khó khăn cao hơn”. Linda Janes - Giám đốc điều hành của Alvis, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ nhà ở và việc làm cho cựu tù nhân tái hòa nhập - nói thêm: “So với nam giới, sự kỳ thị từ xã hội đối với việc phụ nữ dính líu đến tội phạm hoặc sử dụng ma túy có phần nghiêm trọng hơn”.

Jarvis là một trong những người may mắn. Vào tháng 10/2023, cô tham gia chương trình hỗ trợ chuyển tiếp của Alvis và theo học tại Đại học bang Ohio để lấy bằng về công tác xã hội. Gần đây, cô đã được trao toàn quyền nuôi con gái lớn là Adessa (17 tuổi). Không chỉ vậy, người mẹ 2 con cũng tìm được công việc phục vụ nhà hàng. Vào ngày 20/4 tới, cô sẽ chuyển đến căn hộ mới với 2 phòng ngủ và chuẩn bị đón cô con gái út 11 tuổi - Anna - đến chơi. Cô bé chỉ mới 5 tháng tuổi khi Jarvis bị bắt giam và hiện đang sống cùng cha ruột.

Tại Singapore, Clara Yap từ Hiệp hội Phục hồi tái hòa nhập Singapore (SACA) đã tư vấn cho tù nhân trong hơn 25 năm. Thành lập vào năm 1956, SACA là tổ chức từ thiện hỗ trợ các tù nhân và gia đình của họ. Các buổi tư vấn được tổ chức 3-4 lần mỗi tuần tại nhà tù Changi. Cô Yap (60 tuổi) - có công việc chính là tư vấn viên trường học - chia sẻ: “Những gì họ cần là một người lắng nghe và niềm tin rằng họ có cơ hội thứ hai. Tôi muốn đem đến cho họ điều đó, bất kể họ là sinh viên hay tù nhân”.

Một tư vấn viên nhà tù khác tại Singapore với hơn 20 năm kinh nghiệm là cô Laila Abu Hassan. Hằng tuần, người phụ nữ 66 tuổi phải đi một chặng đường dài để đến gặp các tù nhân tại nhà tù nữ Changi. Cô Laila dạy các tù nhân về đạo Hồi, lắng nghe những mối quan tâm và vấn đề của họ. Theo cô, điều quan trọng trong các buổi học là tính tương tác và khuyến khích phụ nữ đặt câu hỏi, qua đó giúp họ xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng.

Cô Laila cho biết: “Tôi từng nghĩ mọi người trong tù đều xấu. Nhưng thực tế hầu hết họ chỉ là những người rơi vào hoàn cảnh tồi tệ và có thể đã đưa ra những quyết định sai lầm. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều từng trải qua".

Linh La (theo AP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI