'Giang hồ trên mạng là mầm mống của tội phạm ngoài xã hội'

03/04/2019 - 06:20

PNO - Trào lưu “giang hồ mạng” không chỉ tác động đến các em nhỏ tức thời mà nó còn ảnh hưởng về lâu dài. Nó tác động rất xấu đến lối sống của giới trẻ.

Thời gian qua, sự xuất hiện của nhiều tên tuổi “giang hồ mạng” với các video quay cảnh xăm trổ đầy mình, ăn chơi thác loạn, văng tục, thách thức nhau giữa các băng đảng, nhóm cho vay nặng lãi... lan truyền chóng mặt, thu hút hàng triệu lượt người xem. Điều kỳ lạ là có một bộ phận giới trẻ đang xem những “giang hồ mạng” này như thần tượng, chào đón và tung hô mỗi khi họ xuất hiện ngoài đời. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về hiện tượng này, đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Viện Khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân - nhận định:

'Giang ho tren mang la mam mong cua toi pham ngoai xa hoi'
Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn

- Thời gian gần đây, có rất nhiều video được đăng tải lên Facebook, YouTube với nội dung văng tục, thách thức giữa các băng đảng, chửi bới nhau, thậm chí đốt xe... Theo tôi, đây là các video có tính khơi gợi, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa.

Có thể những người đăng tải video chỉ hám view (lượt xem), like (lượt thích), thích nổi tiếng nhưng nhìn chung, các video mà người ta gọi là “giang hồ mạng” đang tác động xấu đến đời sống. Như trường hợp Khá Bảnh lại trở thành một “hiện tượng mạng”, “trào lưu mạng” thì thật sự nó là một hiểm họa.

* Phóng viên: Căn cứ vào đâu để nhận định “giang hồ mạng” là một hiểm họa, thưa ông ?

Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Một biểu hiện tâm lý phổ biến ở những người chưa thành niên (từ 13 đến dưới 18 tuổi) là rất dễ bị ảnh hưởng bởi thần tượng. Trào lưu “giang hồ mạng” không chỉ tác động đến các em nhỏ tức thời mà nó còn ảnh hưởng về lâu dài. Vài năm gần đây, đã có các trào lưu như thích thì làm, rồi trào lưu đạt bao nhiêu like sẽ đốt trường, bao nhiêu like sẽ nhảy cầu... Nó tác động rất xấu đến lối sống của giới trẻ. Đã từng có nhiều bài học đau lòng về những trào lưu nói trên.

Phải nói thêm rằng, tôi không ngạc nhiên trước việc một bộ phận không nhỏ giới trẻ thần tượng “giang hồ mạng”, vì những người này xuất hiện có yếu tố mới mẻ trên mạng và nói những điều nghĩa hiệp. Đặc điểm tâm lý của giới trẻ là thích theo những trào lưu có tính tác động trên diện rộng. Họ thích phiêu lưu, làm theo cái mới, cái lạ nhưng hiểu biết về xã hội, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống lại hạn chế, nên dễ bị cuốn theo những trào lưu xấu. Nếu giới trẻ làm theo những điều được các video của “giang hồ mạng”, “định hướng”, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.

* Dưới góc độ tâm lý, ông lý giải thế nào về việc một lượng lớn thanh thiếu niên thần tượng, ái mộ “giang hồ mạng”?

- Theo tôi, các video của “giang hồ mạng” có tính mới lạ, cuốn hút giới trẻ. Như hiện tượng “Khá Bảnh”, anh ta quay các video thể hiện mình đang kiếm được thật nhiều tiền và cách kiếm tiền rất dễ dàng. Ở góc độ tâm lý thì trẻ vị thành niên rất thích như vậy. Ngoài ra, “giang hồ mạng” còn tạo cho mình phong cách bề ngoài khác lạ, như trang phục, kiểu tóc, xăm trổ... Đây cũng là cách để thu hút, người trẻ bị thu hút rồi thần tượng, bắt chước làm theo.

* Theo ông, trào lưu lập băng nhóm giang hồ trên mạng có lan truyền từ đời sống ảo ra đời sống thực không?

- Các băng nhóm tội phạm trong đời sống xã hội mà chúng ta đấu tranh, triệt phá trong những năm qua hầu hết bắt nguồn từ nhóm bạn bè. Sở dĩ tôi gọi là “nhóm bạn bè” vì ở giai đoạn đầu, họ chỉ tụ tập chơi với nhau như những người có cùng sở thích - có thể là lệch chuẩn - như thích uống rượu, thích hút thuốc, sau đó mới trở thành băng nhóm tội phạm. Một điểm nữa là giới trẻ thích tụ tập thành từng nhóm. Do vậy, băng nhóm giang hồ mạng là mầm mống của tội phạm ngoài xã hội. Kiểu định hướng trong các video băng nhóm giang hồ mạng là điều kiện thúc đẩy hành vi lệch chuẩn, thậm chí là hành vi phạm tội. 

'Giang ho tren mang la mam mong cua toi pham ngoai xa hoi'
“Giang hồ mạng” Khá Bảnh được giới trẻ chào đón như thần tượng

Đã từng có những cảnh báo về việc các băng đảng tội phạm sử dụng mạng xã hội để lan truyền hành vi bạo lực, phạm pháp. Như vụ vừa xả súng, vừa livestream (phát trực tiếp trên mạng) ở New Zealand hồi giữa tháng Ba vừa qua là một ví dụ. Từ đây có thể thấy, giang hồ trên mạng là ảo nhưng nó tác động ra đời sống xã hội ngay tức thì.

* Thưa ông, đã có nghiên cứu nào về tội phạm do bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội hay không?

- Có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với các hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, đối tượng khảo sát vẫn còn hạn chế, những con số chưa chuẩn xác nên mình không thể đưa ra một tỷ lệ chính xác. Tuy nhiên, từ góc độ xã hội, có thể thấy rằng, hiện nay, học sinh, sinh viên có thể tham gia trên môi trường mạng một cách rất dễ dàng qua điện thoại nên hiện tượng mạng sẽ tác động nhanh, tức thì tới các em. Các hiện tượng mạng, trào lưu ấy sẽ len lỏi trong hành vi của giới trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Các vụ bạo lực học đường, hành hạ, làm nhục người khác của học sinh xảy ra hiện nay chịu tác động rất lớn từ mạng xã hội.

Trên thực tế, đã từng có các băng nhóm trẻ vị thành niên do mâu thuẫn trên mạng xã hội mà vác hung khí hẹn nhau “huyết chiến”, hoặc gần đây, khi trên mạng xuất hiện clip về người nào đó có hành vi không chuẩn mực, người ta lại kéo đến “dạy dỗ” người đó, tạo nên hiệu ứng ở đời sống thực. 

* Theo ông, làm sao để ngăn chặn những trào lưu xấu như băng nhóm “giang hồ mạng”?

- Thật ra, chúng ta cũng không cần cấm đoán ngay tức thì, vì cấm ngay là rất khó. Chúng ta cần đồng hành, định hướng cho các em nhỏ chứ không để các em tự bơi trong ma trận thông tin tốt - xấu như hiện nay được. Ở lứa tuổi vị thành niên, các em sẵn sàng bỏ nhà đi, chơi ma túy, đánh nhau... để thể hiện cái tôi của mình, nhưng các em cũng sẵn sàng làm những việc rất nghĩa hiệp như trào lưu Challenge For Change (dọn rác). Nói vậy để thấy, vai trò định hướng của gia đình, nhà trường và truyền thông là rất quan trọng.

Với hiện tượng “giang hồ mạng”, theo tôi, ngay lúc này, các trường nên có các diễn đàn để các em tự nói lên suy nghĩ của mình về hiện tượng này, để các em tự lên án trào lưu đó. 

Hiện tượng giang hồ trên mạng đang “hái ra tiền”

Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook, xuất hiện hàng loạt video văng tục, chửi thề, cầm hàng nóng... gắn liền với những cái tên đình đám như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Quang Rambo, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng... Đáng nói, các video do đội ngũ “giang hồ mạng” này đăng tải lên YouTube đều có lượng người xem “khủng”, từ vài trăm ngàn đến vài triệu lượt truy cập. Như hiện tượng “giang hồ mạng” Khá Bảnh, hiện đang sở hữu tài khoản YouTube có tên “Khá Bảnh” với gần 2 triệu lượt người theo dõi và tài khoản “Đời sống Khá Bảnh” với hơn 66.000 lượt người theo dõi.

Theo nhiều youtuber, căn cứ vào lượng người xem và các tiêu chí khác, hiện chủ hai kênh nói trên có thể nhận được tiền từ Google khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng. Một số tài khoản khác như Dương Minh Tuyền, Ngân Trọc, Khánh Sky, Dũng Trọc cũng có vài trăm ngàn người theo dõi với hàng chục triệu lượt xem mỗi tháng. Điều này chứng tỏ hiện tượng giang hồ trên mạng đang tạo ra những tài khoản YouTube “hái ra tiền”.

'Giang ho tren mang la mam mong cua toi pham ngoai xa hoi'
 

"Giang hồ mạng" báo động sự băng hoại đạo đức xã hội

Học sinh, đặc biệt là các em ở độ tuổi từ lớp Chín trở đi, rất thích các trào lưu như “giang hồ mạng”. Nhiều em thích những bài nhạc của “giang hồ mạng” hoặc chơi theo phong cách giống như các “anh chị” trên YouTube. Việc tụ tập như trong các video của “giang hồ mạng” thu hút giới trẻ vì nó cho các em thấy được tự do, được thể hiện mình. Hiện nay, các em đang thiếu hình mẫu để làm theo, là vì những giá trị tốt đẹp hiện đang thay đổi và mất đi. Nguyên tắc cơ bản là khi nền tảng giá trị tốt đẹp bị mất thì cái xấu chiếm lĩnh.

Việc một bộ phận giới trẻ thần tượng “giang hồ mạng” là tín hiệu báo động về sự băng hoại đạo đức xã hội. Khi xã hội xuất hiện những trào lưu kiểu như “giang hồ mạng”, chúng ta cần xem đây là một hiện tượng xã hội. Khi hiện tượng này bùng phát thì ngành giáo dục, gia đình chưa có sự chuẩn bị để ứng phó. Nó giống như một loại dịch bệnh, đến khi con em mình bị nhiễm rồi, chúng ta không biết làm thế nào. Rõ ràng là chúng ta không có những đội ngũ tiên phong về mặt tâm lý hoặc nghiên cứu về mặt xã hội học để hiểu biết những trào lưu này và có chiến lược về mặt xã hội hoặc kế hoạch để giáo dục thanh thiếu niên. Nhìn sâu vào vấn đề, ngay với các thanh niên hư hỏng hoặc có biểu hiện hư hỏng, lỗi không phải hoàn toàn ở họ mà nó là báo động về một xã hội đang dần mất đi giá trị cốt lõi. Để giữ gìn giá trị cốt lõi, chúng ta phải xây dựng từ nền tảng gia đình và nhà trường.

✮ Ông Đặng Lê Anh - phụ trách giáo dục, Trường nội trú IVS

Sơn Vinh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI