Giấc mơ xe điện của Nguyễn Bá Cảnh Sơn

21/12/2021 - 15:35

PNO - Sơn không giấu tham vọng trở thành nhà sản xuất xe máy điện Việt Nam dẫn đầu trong khát vọng “xanh hóa” thị trường xe hai bánh - trị giá 8 tỷ USD tại Việt Nam và 25 tỷ USD tại khu vực.

Tháng 11 năm nay, Dat Bike vừa trình làng Weaver 200, phiên bản nâng cấp của Weaver - chiếc xe điện đang kết nối và tạo dựng một cộng đồng những người trẻ yêu môi trường. Với nụ cười thật hiền, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập và điều hành Dat Bike tự hào giới thiệu Weaver 200 “nhanh hơn, xa hơn”, mang lại cho người dùng nhiều trải nghiệm tiện ích chứ không đơn thuần là một phương tiện để di chuyển.

Người về từ thung lũng Silicon

Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập và điều hành Dat Bike
Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập và điều hành Dat Bike (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi ta yêu một điều gì đó đủ lớn, tình yêu ấy sẽ dẫn đường và tiếp thêm cho ta sự can đảm để vượt qua mọi thử thách. Ngày nay, chuyện những người trẻ tài năng, có vị trí tốt tại các công ty nước ngoài, thậm chí là cơ hội định cư, vẫn chấp nhận trở về để “làm một điều gì đó cho quê hương” đã dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, phía sau mỗi câu chuyện ấy đều là những giấc mơ đẹp và hành trình họ nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ, không chỉ truyền cảm hứng đến nhiều cá nhân mà còn tạo nên một diện mạo Việt Nam mới: trẻ trung, năng động, hòa nhập với dòng chảy quốc tế.

Câu chuyện của Nguyễn Bá Cảnh Sơn cũng không ngoại lệ.

Sinh năm 1990 tại Đà Nẵng, Sơn sang Mỹ theo học ngành công nghệ thông tin. Tại đây, Sơn gặt hái nhiều thành tựu nổi bật và được nhận vào làm việc tại một công ty công nghệ ở thung lũng Silicon. Đó cũng là giai đoạn những chiếc xe điện của Tesla chính thức ra mắt trên toàn thế giới và phổ biến tại Mỹ. Nhìn những chiếc xe điện lao vun vút với hiệu suất chẳng kém xe dùng xăng, Sơn nghĩ đến Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội luôn ken đặc xe máy chạy xăng.

“Nếu thị trường có xe máy sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch với công suất mạnh mẽ ngang xe xăng, người tiêu dùng vừa được đáp ứng nhu cầu, vừa hình thành lối sống xanh hiện đại thì điều đó sẽ mang lại thật nhiều giá trị cho xã hội”, ý nghĩ đó lóe lên trong Sơn.

Ấp ủ sản xuất những chiếc xe máy điện cho người Việt dần thành hình. Sơn muốn góp sức và trở thành người tiên phong tìm ra giải pháp “xanh hóa giao thông” ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á trong tương lai.

Từ một thạc sĩ về khoa học máy tính, suốt một năm sau đó, Sơn bắt đầu học về cơ khí, điện tử, thiết kế, lập chuỗi cung ứng… Hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Với người không chuyên, hành trình ấy lại càng khó khăn hơn. Cũng trong khoảng thời gian này, Sơn tập hợp được đội ngũ kỹ sư trẻ cùng chí hướng, mày mò tạo ra một chiếc xe máy điện tại Mỹ.

Bao nhiêu vốn liếng tích lũy trong những ngày làm việc ở xứ người Sơn đều dồn cho Dat Bike. Khó khăn chồng chất khó khăn, có những thời điểm Dat Bike chỉ còn mười mấy triệu đồng trong tài khoản.

Năm 2018, nghe tin con trai quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước đối với hàng triệu người, ba mẹ Sơn phản đối kịch liệt. Sơn tâm sự, đến thời điểm này, mặc dù Dat Bike đã gặt hái được thành công bước đầu, ba mẹ anh vẫn chưa tán đồng quyết định của con trai. “Với tôi, sự trở về này là tất yếu. Từ lúc quyết định trở về, tôi đã xác định con đường này nhiều chông gai nhưng cũng lắm cơ hội. Mình phải thử mới biết được” - Sơn nói.

Những dấu ấn đầu tiên

Ban đầu, Sơn xây dựng cơ ngơi Dat Bike tại Đà Nẵng. Thế nhưng, nhận thấy TPHCM và các tỉnh lân cận mới là tiềm năng, Sơn đã dời nhà máy vào Bình Dương. Sơn cho biết, nếu không có hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng như ở Việt Nam, Dat Bike sẽ khó có cơ hội tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Trên hành trình đó, bên cạnh sự chung vai sát cánh đầy tin tưởng của các cộng sự, Sơn còn nhận được sự giúp sức của nhiều cá nhân, tập thể.

Tại TPHCM, Hà Nội, một cộng đồng yêu xe điện đã ra đời (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tại TPHCM, Hà Nội, một cộng đồng yêu xe điện đã ra đời (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà máy Dat Bike đặt trong khuôn viên Trường đại học Quốc tế Bình Dương (EIU). Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Becamex (BBI) đã tạo điều kiện cho Dat Bike từ việc giảm chi phí thuê mặt bằng đến thủ tục hành chính. Các chương trình khoa học - công nghệ của Nhà nước cũng đã hỗ trợ Dat Bike về mặt công nghệ và ưu đãi về thuế.

Mẫu xe máy đầu tiên của Dat Bike ra đời vào năm 2019, mang tên Weaver. Ưu điểm của mẫu xe này, cũng là sự khác biệt so với các dòng xe điện trên thị trường, là ở thời gian di chuyển dài và sạc pin nhanh. Pin lắp trong xe Weaver dùng công nghệ của LG, tương tự hệ thống pin lắp trên ô tô điện Tesla. Đặc biệt, thời gian sử dụng pin lên tới mười năm trong điều kiện sử dụng thường xuyên và dễ dàng tái chế, không gây tác động xấu tới môi trường. 

Việt Nam là vùng đất giàu tiềm năng với dân số gần 100 triệu người và xe điện chưa phát triển. Xe điện đang trở thành xu hướng toàn cầu, trên thế giới, doanh thu từ thị trường xe điện đang tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%. Theo dự đoán của các chuyên gia, doanh thu từ thị trường xe điện đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 60 tỷ USD. 

Về mẫu mã, Weaver thoát khỏi kiểu dáng thô kệch, cồng kềnh. Thay vào đó là thiết kế cực kỳ phong cách và năng động, phù hợp với người trẻ hiện đại. Cho nên, không mấy ngạc nhiên khi tại TPHCM, Hà Nội, một cộng đồng yêu xe điện Weaver đã ra đời. Họ không chỉ là khách hàng mà còn là những người bạn của Dat Bike, khi đưa ra nhiều góp ý thiết thực để Dat Bike hoàn thiện kỹ thuật hay cải tiến hiệu suất.

Một lợi thế khác của Dat Bike là hầu hết đơn vị cung cấp linh kiện đều là nhà sản xuất địa phương. Điều này không chỉ giúp Dat Bike chủ động được trong dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng mà còn kéo theo sự phát triển của kinh tế địa phương.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Sơn và các cộng sự đã nâng năng lực sản xuất của Dat Bike từ một chiếc xe xuất xưởng mỗi tuần trong thời gian đầu lên hàng trăm chiếc mỗi tháng. Dat Bike đạt kiểm định của Bộ Giao thông Vận tải và bắt đầu giao xe đến người dùng từ đầu năm 2020, doanh thu đạt 4.000% và sản lượng bán tăng trưởng 35% mỗi tháng. Đây là mẫu xe duy nhất trên thị trường có hiệu năng tương đương với xe máy xăng truyền thống.

Đầu năm 2021, Dat Bike gọi vốn thành công 2,6 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures. Điều này cho phép Dat Bike tiếp tục nghiên cứu và cải tiến công nghệ cho những dòng xe điện mới, trong đó có Weaver 200.

“Thực tế cho thấy dịch COVID-19 khiến nhiều người sống chậm lại, quan tâm đến sức khỏe và môi trường nhiều hơn. Đây là giai đoạn thích hợp để “kích cầu” người dùng, giúp họ thay đổi thói quen sử dụng xe máy xăng sang xe máy điện. Nếu được lựa chọn giữa một chiếc xe điện và một chiếc xe xăng, mọi yếu tố khác đều ngang nhau, tôi tin mọi người sẽ chọn xe điện vì xe điện tốt hơn cho môi trường và ai cũng muốn trở thành một người tốt hơn cho xã hội từ những hành động nhỏ nhất” - Sơn nêu quan điểm.

Tesla hiện đã có chỗ đứng trong thị trường ô tô điện nhưng những dự án khởi nghiệp về xe máy điện thường thất bại và đóng cửa sau vòng gọi vốn đầu tiên vì không có thị trường, dù bài toán về công nghệ đã được giải quyết. Trong khi đó, Việt Nam và Đông Nam Á là những vùng đất giàu tiềm năng do tỷ lệ xe máy xăng hiện chiếm gần 100% trên tổng số xe máy. Sơn không giấu tham vọng trở thành nhà sản xuất xe máy điện Việt Nam dẫn đầu trong khát vọng “xanh hóa” thị trường xe hai bánh - trị giá 8 tỷ USD tại Việt Nam và 25 tỷ USD tại khu vực. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI