Gia tăng sự lây lan của HIV vì... bao cao su

31/07/2016 - 07:12

PNO - Cảnh sát Trung Quốc mới áp dụng rộng rãi nghiệp vụ tìm kiếm bao cao su (BCS) như là bằng chứng của hoạt động mại dâm bất hợp pháp.

Tuy nhiên, chính sách cứng nhắc này đã cản trở nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của HIV trong hoạt động mại dâm.

Gia tang su lay lan cua HIV vi... bao cao su
Gái mại dâm mời chào khách ở Đinh Sơn, tỉnh Giang Tô

Với dân số khoảng 1,4 tỷ người, trong đó gần nửa triệu người được xác nhận sống chung với HIV hay có AIDS tính đến cuối năm 2014, Trung Quốc được đánh giá là nước có tỷ lệ nhiễm HIV tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, báo cáo của chính phủ Trung Quốc cũng xác nhận đại dịch HIV tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, bao gồm người có quan hệ đồng tính nam và phụ nữ bán dâm, với phương thức lây truyền HIV chính thông qua quan hệ tình dục.

Nghiên cứu công bố năm 2015 của Asia Catalyst, một tổ chức thúc đẩy quyền sức khỏe của các nhóm yếu thế trong khu vực, cũng xác nhận có đến 92% trong số 104.000 ca chẩn đoán dương tính với HIV trong năm 2014 ở Trung Quốc là kết quả của quan hệ tình dục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức phi chính phủ Quan sát nhân quyền (HRW) đưa ra con số từ bố n đến sá u triệu người hoạt động mại dâm bất hợp pháp ở Trung Quốc vào năm 2012. Nhật báo South China Morning Post xuất bản ở Hồng Kông căn cứ theo nhiều nguồn, đã ước đoán khoảng 20 triệu người ở Trung Quốc hoạt động mại dâm và lực lượng này đóng góp đến 6% tổng thu nhập quốc dân GDP của nước này.

Gia tang su lay lan cua HIV vi... bao cao su
Cảnh sát Trung Quốc truy quét mại dâm ở thành phố Đông Quản (Quảng Đông)

Trung Quốc có chính sách cung cấp BCS miễn phí cho những người sống chung với HIV và phân bổ kinh phí mỗi năm để mua BCS cho các nhóm nguy cơ cao, trong đó có gái mại dâm. Trong khi đó, cảnh sát vẫn có thẩm quyền truy quét quan hệ mại dâm (bị coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc) và việc tịch thu BCS là “chiến thuật” chính của cơ quan an ninh.

Về vấn đề này, ông Tingting Shen, Giám đốc tuyên truyền, chính sách và nghiên cứu của Asia Catalyst, nói rằng khi cảnh sát bắt giữ gái mại dâm, họ sẽ lục tìm BCS để tìm chứng cứ. Việc này khiến gái mại dâm đối phó bằng cách tránh mang theo BCS, dẫn đến hậu quả là hoạt động mua bán dâm ít sử dụng BCS, đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm bệnh theo đường tình dục cao hơn. Từ Bắc Kinh, ông Shen xác nhận với phóng viên Reuters: “Năm 2015, tỷ lệ sử dụng BCS trong số những người bị cảnh sát thẩm vấn thấp hơn nhiều so với trước”.

Gia tang su lay lan cua HIV vi... bao cao su
Tổ chức phi chính phủ Asia Catalyst cho rằng việc căn cứ mang BCS trong người để bắt nghi phạm mại dâm sẽ phản tác dụng trong cuộc chiến chống HIV

Vướng mắc trong vấn đề sử dụng BCS ở Trung Quốc đầu tiên được đặt ra bởi pro bono, một chương trình nghiên cứu và tư vấn pháp lý miễn phí do Reuters tiến hành, dựa trên phỏng vấn người bán dâm nam giới, phụ nữ và người chuyển giới; chuyên gia y tế; cảnh sát; người quản lý các địa điểm nhạy cảm về hoạt động mại dâm (như điểm du lịch, cơ sở xông hơi, massage, bar, phòng karaoke, khách sạn).

Khảo sát cho thấy, 68% gái mại dâm nói rằng họ luôn luôn dùng BCS, con số này ở những người bị thẩm vấn trong năm 2015 chỉ là 48%. Cũng thông qua nghiên cứu được công bố, người ta biết rằng cảnh sát sử dụng hai biện pháp để xử lý các trường hợp mại dâm, đó là bắt quả tang mua bán dâm và kiểm tra, lục soát BCS các phụ nữ xuất hiện tại “điểm đen” hoạt động mại dâm. Việc sở hữu BCS là bằng chứng quyết định để cảnh sát đưa nghi phạm bán dâm về đồn thẩm vấn.

Chương trình phòng chống HIV/ AIDS của LHQ (UNAIDS) cho biết việc tịch thu BCS và chứng cứ sử dụng BCS làm bằng chứng pháp lý trong các trường hợp xử lý gái mại dâm là vấn đề khá phổ biến. Tuy nhiên, ở một nước đông dân như Trung Quốc, vấn đề này thực sự trở nên cấp thiết.

Ông Steve Kraus, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNAIDS khẳng định: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi BCS bị tịch thu làm vật chứng tội phạm, nó ngày càng ít được sử dụng hơn. Trong khi đó, hoạt động mua bán dâm thường diễn ra ở những địa điểm có nhiều nguy cơ, nơi phụ nữ bán dâm dễ bị bạo lực, tống tiền, cướp tài sản, hành hung hay hiếp dâm tập thể”. Nay họ còn phải đối diện với một nguy cơ rất lớn là lây nhiễm và lan truyền virus HIV!

Thanh Vân (Theo Reuters, Bangkok Post, SCMP, Sina Weibo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI