Ghép phổi tại Việt Nam: Hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân

23/05/2020 - 06:33

PNO - Tính đến nay, đã có gần 60 người Việt Nam từ khắp nơi đề nghị hiến phổi cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh. Tại Mỹ, mỗi ca ghép phổi mất khoảng 2 triệu USD, tại Việt Nam chi phí trung bình cho một ca ghép phổi khoảng 2 tỷ đồng.

Không phải mọi trường hợp mắc bệnh lý hô hấp đều cần ghép phổi 

Ghép phổi là một phẫu thuật lấy bỏ phổi bệnh và thay thế bằng phổi lành của người hiến, có thể từ người còn sống hoặc người chết. Tiến hành phẫu thuật ghép phổi có thể diễn ra ở một bên phổi hay cả hai bên. Có thể tiến hành ghép phổi trên người từ trẻ sơ sinh đến người lớn dưới 65 tuổi.

Đa số trường hợp ghép phổi đều lấy từ người đã chết. Một số ít trường hợp người sống có thể cho một thùy phổi khỏe mạnh, với điều kiện người cho không hút thuốc và phù hợp miễn dịch với người nhận.

Chỉ định ghép phổi được đặt ra khi bệnh phổi tiến triển nặng, không thể điều trị bằng cách nào khác hoặc cũng được cân nhắc đối với những trường hợp mà tình trạng suy hô hấp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Các bệnh có thể dẫn tới phải ghép phổi là: phổi tắc nghẽn mạn tính (bệnh khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính), xơ phổi vô căn, xơ nang phổi (cystic fibrosis - CF) - là một bệnh di truyền gây ra các vấn đề cho các tuyến tạo ra mồ hôi và chất nhầy; bệnh tiến triển, xấu đi theo thời gian và thường dẫn đến tử vong. Tăng áp phổi nguyên phát, làm tăng huyết áp ở các động mạch của hai phổi…

Giáo sư - tiến sĩ Trần Bình Giang và phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước chúc mừng người bệnh được ghép phổi xuất viện
Giáo sư - tiến sĩ Trần Bình Giang và phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước chúc mừng người bệnh được ghép phổi xuất viện

Ngoài ra, các bệnh gây tổn thương nặng cho phổi bao gồm: bệnh mô bào, bệnh sarcoid, bệnh bạch mạch cơ trơn… Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp mắc bệnh lý hô hấp đều cần ghép phổi. Rất hiếm trường hợp ung thư phổi được điều trị bằng ghép phổi.

Tại Việt Nam, chỉ tính riêng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đã có khoảng 1,5 triệu người mắc; nếu ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ có chỉ định ghép phổi. 

Ngay khi có phổi tương hợp từ người cho, người nhận sẽ được nhập viện khẩn để chuẩn bị phẫu thuật. Nếu tất cả các khám nghiệm cho phép phẫu thuật, cuộc mổ sẽ tiến hành nhanh chóng đồng thời với việc phẫu thuật lấy phổi từ người hiến và vận chuyển đến phòng mổ người nhận. 

Đường mổ của phẫu thuật ghép phổi sẽ là đường mổ dài một bên ngực nếu là ghép một phổi hoặc đường mổ ngang suốt chiều dài lồng ngực nếu ghép hai phổi hoặc ghép tim - phổi.

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật tùy theo cơ địa và tình trạng bệnh kèm theo. Một số có thể xuất viện sau một tuần nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn, nhất là khi có các biến chứng. Sau khi phẫu thuật ghép phổi thành công, người bệnh được hướng dẫn tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Người bệnh cũng được tư vấn kỹ về các loại thuốc sẽ được dùng sau khi ghép phổi cùng với lịch tái khám định kỳ. 

Một vài trung tâm ghép phổi khuyên người bệnh nên tạm thời cư trú ở gần nơi ghép trong thời gian khoảng 2-3 tháng sau ghép, để thuận tiện cho việc theo dõi tái khám hoặc xử trí kịp thời khi có biến chứng xảy ra.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), cho biết phẫu thuật ghép phổi là kỹ thuật vô cùng khó, đặc biệt là chăm sóc các diễn biến sau mổ.

Để thực hiện ghép phổi, các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Sau ghép, việc chăm sóc để phổi ghép đủ khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi ngay khi được cắt ra, phổi bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.

Thành công của các ca ghép phổi càng khẳng định năng lực của đội ngũ thầy thuốc trong lĩnh vực ghép tạng, có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, khích lệ đội ngũ thầy thuốc, mở ra cơ hội phát triển để đưa ghép phổi trở thành một phẫu thuật thường quy tại bệnh viện giống như ghép tim và các tạng khác.

Hàng loạt ca ghép phổi thành công tại Hà Nội

Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh sau ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não
Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh sau ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não

Hiện nay trên thế giới, ghép phổi đã phát triển mạnh, số ca ghép phổi liên tục tăng lên qua các năm. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ Việt Nam đã tiếp cận được kỹ thuật ghép phổi và thực hiện thành công năm ca ghép phổi tại Việt Nam, mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân mang bệnh lý về đường hô hấp.

Giáo sư - tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn  - Phó giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, kiêm Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia - người đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực ghép tạng cho biết, hơn 10 năm trước, Việt Nam mới chỉ ghép được thận rồi ghép gan (năm 2004), ghép tim (năm 2010) và gần đây ghép được phổi (năm 2017). 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thực hiện thành công năm ca ghép phổi, trong đó một ca ghép từ người hiến còn sống, bốn ca từ người chết não. Trong số này, Bệnh viện Việt - Đức thực hiện ba ca, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 mỗi nơi một ca. Các cuộc phẫu thuật đều diễn ra tại Hà Nội. 

Cụ thể, ngày 21/2/2017, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Người nhận phổi là bệnh nhi Ly Chương Bình, 7 tuổi. Trước đó bệnh nhi bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được ghép cả hai lá phổi từ người hiến là bố (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi). 

Trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả hai lá phổi cho trẻ. Cuộc mổ thành công sau 11 giờ. Sau phẫu thuật, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi đều ổn định. Hiện tại, bé Bình hoàn toàn khỏe mạnh.

Tiếp đến, ngày 26/2/2018, từ nguồn tạng hiến tặng của một người đàn ông (45 tuổi) bị chết não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép hai phổi cứu sống bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, 54 tuổi, bị bệnh phổi tắc nghẽn giai đoạn cuối. Đây là ca ghép phổi từ người cho chết não lần đầu tiên tại Việt Nam.

Trong vòng 8 giờ, 20 y bác sĩ tham gia ca ghép phổi với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của Pháp, Bỉ. Ca phẫu thuật thành công. Hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân phục hồi 70-80%, tự thở được… 

Các chuyên gia nhận định, thông thường, nếu lấy tạng từ người còn sống, các bác sĩ chủ động miếng ghép, tính toán được trước các thông số, đo đạc phổi, làm vệ sinh… Người nhận tạng ít bị các biến chứng nhiễm khuẩn. Khi ghép tạng từ người chết não, bác sĩ hoàn toàn bị động trong quy trình chuẩn bị. Nguy cơ nhiễm trùng vì vậy cao hơn và quá trình kiểm tra không thể chắc chắn hoàn toàn.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), ca ghép phổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 12/12/2018. Bệnh nhân được ghép hai phổi là Nguyễn Văn Đức, 17 tuổi, điều trị trong tình trạng gần như toàn bộ tổ chức phổi bị tiêu biến, không còn hoạt động. Nếu không được ghép phổi, bệnh nhân sẽ tử vong. Ca ghép phổi kết thúc sau 14 giờ. Gần một năm sau ghép, bệnh nhân được xuất viện, hiện đang sống khỏe mạnh tại quê nhà Hải Dương.

Tháng 8/2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp tục thực hiện thành công ca ghép hai phổi cho bệnh nhân Ngô Văn Khương, 33 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. Ca lấy và ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4g chiều 12/8 tới 6g30 sáng 13/8. Hai lá phổi đã thích nghi trong cơ thể anh Khương.

Mới đây nhất, ngày 25/12/2019, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật sửa tim và ghép phổi đồng thời từ nguồn tạng của một thanh niên 19 tuổi chết não.

Nữ bệnh nhân 30 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh giai đoạn cuối. Nếu không được ghép phổi, người bệnh sớm tử vong do suy chức năng tim - phổi. Ca mổ ghép phổi diễn ra trong 12 giờ, thành công. Đến tháng 2/2020, bệnh nhân có thể tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. 

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI