Đừng để nếm trải rồi mới nhận ra

30/08/2023 - 18:40

PNO - Để hiểu và thương cha mẹ, người con cần phải lắng nghe, đặt mình vào vị trí ba mẹ. Có hiểu biết mới thương đúng, thương sâu và không báo hiếu... sai lầm.

Tôi vẫn thường đến các chùa dự lễ cài hoa hồng trong dịp tháng Bảy Vu lan. Buổi lễ nào cũng vậy, hình ảnh dễ nhận thấy nhất chính là sự xúc động và nước mắt của những người tham dự.

Có những cụ già run run đôi tay, tóc trắng, lưng còng nhưng giây phút cài hoa hồng cũng rưng rưng. Có những em bé, khi chưa vào lễ thì chạy nhảy, vô lo nhưng đến lúc nghe các sư thầy giảng về ơn cha, nghĩa mẹ cũng không nén được nước mắt. Hình như, tình thương dành cho đấng sinh thành có sức lay động sâu lắng nhất, khiến người già người trẻ, thanh niên, phụ nữ… tuổi nào cũng dễ rơi nước mắt một cách chân thành.

Sao cụ khóc khi dự lễ? Có lần tôi hỏi một bà cụ ngoài 80. “Tại thương mẹ quá, giờ mẹ không còn, cha cũng đã thành người quá vãng. Nhưng ký ức về cha mẹ thì vẫn còn hoài, dẫu lúc nhớ lúc quên” - cụ móm mém kể.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi biết, có những bà mẹ quê, gần 70 tuổi vẫn còn lo cho con bằng cách giữ cháu. Có khi lặn lội vào Nam hay ra Bắc để lo cho cháu nội, cháu ngoại còn nhỏ. “Tội nghiệp, tụi nó đi làm, không ai lo cho cháu. Gửi nhà trẻ thì không yên tâm”.

Tôi từng nghe cô Ba, mợ Bảy, dì Hai… chia sẻ: “Đến thành phố, tuy ăn uống đầy đủ hơn, nhưng con cái sáng ra đi hết, ở nhà phải đóng cửa kín mít, chăm cháu cả ngày cũng mệt mỏi lắm”. Rồi thì: “Chừ chân đau, cái tay nhức chịu không nổi nhưng cũng ráng ẵm bồng cháu đi quanh quanh khu trọ, chạy theo canh khi cháu chạy dọc hành lang chung cư, nhiều lúc thở muốn hết hơi”…

Vậy đó, có một cuộc “di cư” mà người già phải tiếp tục “lựa chọn” vì con cháu nhưng đôi khi con cái không hề hay biết hoặc nghĩ như vậy tốt hơn cho ba mẹ mình.

Tôi có dịp trò chuyện với đại đức Thích Nguyên Huấn - Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP Buôn Ma Thuột - thầy có nói ý này: nhiều khi con cái muốn ba mẹ có điều kiện vật chất tốt hơn, gần gũi để dễ chăm sóc hay dễ chăm con mình rồi đón lên thành phố. Nhưng nào biết, ông bà đâu có vui thích bằng ở quê, đâu có hiểu nỗi cô đơn của ba mẹ khi ở một mình giữa những bức tường lạnh giá khi chờ đợi con cái đi làm về. Tất cả những sự lạ lẫm ấy người già khó thích nghi.

Tôi nghe chạnh lòng và nghĩ đúng quá. Có nhiều mâu thuẫn trong đời sống hiện đại. Khoảng cách thế hệ ngày xưa nói dài nhưng cũng không dài bằng thời đại ngày nay. Có những người bạn của tôi, mới 40 tuổi đã cảm thấy hoang mang không hiểu con, không biết dạy con sao cho đúng. Hẳn, hồi xưa ba mẹ mình cũng hoang mang như vậy.

Cũng trong cuộc trò chuyện tháng Bảy, chị Hoàng Tuyết Mai - một chuyên gia trị liệu bằng chuông xoay, doanh nhân tại TPHCM - bày tỏ: “Khi là mẹ của 3 đứa con, đặt mình vào vai ba mẹ của mình một cách trọn vẹn, tôi mới hiểu hết lo lắng của ba mẹ ngày xưa, nhất là với con gái”.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

Hiểu và thương cha mẹ, vì thế, luôn là vấn đề những người con cần phải lắng nghe, đặt mình vào vị trí ba mẹ. Có khi, đó là việc phụng dưỡng, có lúc là đối diện với sự giáo dục nghiêm cẩn của gia đình. Có thể, ông bà không cần nhiều vật chất như mình tưởng mà cần một môi trường sống thân thuộc, là quê hương, là bà con chòm xóm chứ không phải căn hộ chung cư “đầy đủ tiện nghi” của mình.

Và, đó có thể là câu chuyện dạy con đừng quá buông thả, đừng coi thường bản thân mà vội vàng trong các mối quan hệ… Những khó khăn của ba mẹ, nếu hiểu, ta có thể thương rất nhiều.

Quan trọng, không phải đợi đến khi nếm trải rồi mới nhận ra. Con người, ngoài trải nghiệm thì quan sát, tư duy cũng là cách để có thể chạm vào tình thương. Có hiểu biết, để thương đúng, thương sâu và để báo hiếu không sai lầm. 

Lưu Đình Long

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI