Đừng để bệnh viện trở thành nguồn lây COVID-19

07/05/2021 - 07:26

PNO - Trong đợt dịch mới bùng phát, một số bệnh viện đã bộc lộ những lỗ hổng trong phòng ngừa dịch, từ đó đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh công tác quản lý khám, chữa bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Điểm nóng từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Chiều 6/5, chỉ một ngày sau khi Bộ Y tế công bố chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 liên tục gia tăng và hiện diện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Theo công bố của Bộ Y tế tối 6/5, cả nước ghi nhận 56 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), đã ghi nhận thêm 16 ca, gồm một nhân viên y tế, 13 người nhà và hai bệnh nhân đang điều trị. Tổng số bệnh nhân COVID-19 ở đây đã lên tới 38 người, tính tới tối 6/5. 

Công tác quản lý khám, chữa bệnh được siết chặ t tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 sau mộ t ngày đóng cửa ẢNH: BẢO KHANG
Công tác quản lý khám, chữa bệnh được siết chặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 sau một ngày đóng cửa - Ảnh: Bảo Khang

Còn tại các địa phương, sau khi truy vết đã phát hiện nhiều bệnh nhân liên quan tới ổ dịch này. Cụ thể, tỉnh Thái Bình ghi nhận năm trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 12 trường hợp dương tính ở năm huyện. Bước đầu, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã rà soát và xác minh được hơn 2.700 trường hợp F1 và F2 của các ca bệnh.

Tỉnh Hưng Yên cũng rà soát và xác định được hai trường hợp là mẹ con, từng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 điều trị…

Theo nhiều địa phương, số ca mắc bệnh có thể còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo ông Phạm Quang Hòa - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình - năm ca dương tính mà tỉnh này vừa phát hiện hầu hết là do người dân chủ động tới các cơ sở y tế để khai báo. Do đó, các trường hợp có nguy cơ khác đang được lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm và sẽ cho kết quả sau. 

Sở y tế các tỉnh, thành cũng đang ráo riết đăng thông tin tìm người đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong thời gian gần đây. Sở Y tế TP. Hà Nội ra thông báo khẩn đề nghị người dân tự cách ly tại nhà cho tới hết 21 ngày kể từ thời điểm có mặt tại bệnh viện trên, sau đó tiếp tục cách ly thêm bảy ngày để theo dõi sức khỏe. Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết, sẽ xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người đến “ổ dịch” này từ ngày 14/4-5/5 để sàng lọc, phát hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nơi điều trị thành nguồn lây nhiễm bệnh

Ngoài việc gia tăng số ca mắc COVID-19, một trong những điểm đáng lo ngại là trong đợt dịch này, chính cơ sở khám chữa bệnh lại là “ổ dịch” và buộc phải phong tỏa. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chính là nơi từng tiếp nhận hầu hết bệnh nhân ở khu vực miền Bắc, trong đó có những ca bệnh nặng, nguy kịch. 

Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM  luôn rất đông - Ảnh: HIẾU NGUYỄN
Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM luôn rất đông - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Khi xảy ra “sự cố” ở bệnh viện tuyến đầu này, nếu không sớm có kế hoạch đối phó, các địa phương sẽ gặp không ít khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 6/5, toàn bộ Bệnh viện Phổi tỉnh Lạng Sơn và hai khoa, phòng của Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình hiện cũng đang bị phong tỏa sau khi ghi nhận có bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Bệnh viện là nơi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm nên khả năng lây nhiễm tại đây rất cao”.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I (TPHCM) thẳng thắn phân tích: “Các bệnh viện đang có nguy cơ trở thành ổ dịch COVID-19 vì ba nguyên nhân: sự khai báo y tế không trung thực của người bệnh, người nhà; không tuân thủ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong bệnh viện; bác sĩ, nhân viên y tế chủ quan, mang virus vào bệnh viện”. 

Thực tế, tại TPHCM, trong đợt dịch hồi cuối tháng 4/2021, Bệnh viện Từ Dũ đã một phen “lao đao”. Đó là khi hai mẹ con người Việt từ Campuchia chèo xuồng qua sông về tỉnh An Giang, sau đó đón chuyến xe khách sớm nhất để đến Bệnh viện Từ Dũ vào ngày 20/4 do người con đang mang thai 32 tuần tuổi, bị chảy máu âm đạo bất thường. Thai phụ nằm lại Khoa Sản A và sáu ngày sau đó mới bị phát hiện là trường hợp nhập cảnh trái phép.

39 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Từ Dũ phải gấp rút lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. May mắn là hai mẹ con từ Campuchia về đã không mang theo virus SARS-CoV-2. Theo giải thích của bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - với báo chí, hai mẹ con đã không khai báo y tế trung thực, không hề khai từ Campuchia về. 

Trong lúc dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam  vẫn liên tục xảy ra. Mới đây, vào ngày 4/5, các chiến sĩ Đồn biên phòng Tân Phú (H.Tân Biên,  tỉnh Tây Ninh) phát hiện và bắt giữ sáu đối tượng đang băng rừng tìm đường vào Việt Nam. Qua điều tra, các đối tượng khai nhận trước đây sang Campuchia làm thuê, nay do dịch bệnh bùng phát mạnh, không có việc làm nên tìm đường về Việt Nam sinh sống - Ảnh: LÊ QUÂN
Trong lúc dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vẫn liên tục xảy ra. Mới đây, vào ngày 4/5, các chiến sĩ Đồn biên phòng Tân Phú (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) phát hiện và bắt giữ sáu đối tượng đang băng rừng tìm đường vào Việt Nam. Qua điều tra, các đối tượng khai nhận trước đây sang Campuchia làm thuê, nay do dịch bệnh bùng phát mạnh, không có việc làm nên tìm đường về Việt Nam sinh sống - Ảnh: Lê Quân

Hồi tháng 2/2021, Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng náo loạn khi hay tin có một người là F1 dẫn con vào khám trong bệnh viện rồi ung dung ra về. Ngay trong đêm, 20 bác sĩ, nhân viên y tế có tiếp xúc với trường hợp này đều phải xét nghiệm COVID-19 và tự cách ly tại bệnh viện.

Người dẫn con đến khám là vị bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai nhưng lại khai đến từ quận 10, TPHCM. Trong khi đó, bác sĩ này là trường hợp F1 do có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ này giải thích rằng không hề biết mình là F1, nhưng việc khai báo y tế không trung thực địa chỉ cư trú đã làm cho bao nhiêu người phải hoảng hốt. 

Bệnh viện tăng cường quản lý, bác sĩ làm gương

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, hoạt động trở lại sau một ngày đóng cửa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (quận Đống Đa, Hà Nội) đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Những người muốn vào bên trong phải khai báo y tế từ bên ngoài. Người nhà chăm sóc bệnh nhân phải có thẻ đăng ký mới được ra vào.

Lực lượng bảo vệ làm việc rất chặt, ngay cả nhóm phóng viên đến tác nghiệp cũng không được vào trong. Trước cửa ra vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, luôn có hai nhân viên bảo vệ phối hợp với y bác sĩ của bệnh viện đo thân nhiệt, sàng lọc người được vào bên trong. 

Trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, các nhân viên tiếp xúc với người có nguy cơ lây bệnh đều được trang bị đồ bảo hộ. Ba cổng chính của Bệnh viện Bạch Mai đều bố trí các chốt kiểm tra thân nhiệt và phun khử khuẩn đối với người và phương tiện đi qua. 

Tương tự, sau “sự cố” tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhiều bệnh viện cũng đã tăng cường công tác quản lý khám, chữa bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn. Bệnh viện E (TP. Hà Nội) ra thông báo khẩn tạm dừng các hoạt động thăm hỏi bệnh nhân, hạn chế người nhà đưa người bệnh đi khám, trừ trường hợp đi lại khó khăn hoặc cấp cứu. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K - cho biết đã tái khởi động các biện pháp phòng, chống dịch. Bệnh viện này vừa phối hợp với các đơn vị công an, y tế kiểm tra, xử phạt năm người nhà bệnh nhân với mức 2 triệu đồng/người do không đeo khẩu trang y tế. Giám đốc bệnh viện cũng yêu cầu cán bộ y tế “đi từng tầng, gõ từng khoa, rà từng người ra vào bệnh viện”.

Tại TPHCM, nhiều nơi tuân thủ nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Sở Y tế. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện hạng I và bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của thành phố đang rất đông bệnh nhân, rất khó để giữ khoảng cách an toàn.

Thừa nhận có những lỗ hổng trong công tác phòng, chống COVID-19, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - khẳng định sẽ có các biện pháp xử lý vấn đề này. 

 Ảnh: BẢO KHANG
Ảnh: Bảo Khang

Theo đó, sở yêu cầu các bệnh viện phải cảnh giác cao độ, phải thực hiện hai lớp sàng lọc: tại cổng bệnh viện (đo thân nhiệt, khai báo y tế) và tại khoa, phòng. Mỗi khoa, phòng có một buồng cách ly để xử lý nếu phát hiện ca nghi ngờ. Để kiểm soát những trường hợp khai báo không trung thực, Sở Y tế đã nhắc nhở y bác sĩ phải sàng lọc một lần nữa khi bệnh nhân nằm điều trị hay vào khám bệnh tại các khoa, phòng. 

Đối với các trường hợp không đeo khẩu trang, bảo vệ các bệnh viện sẽ kiểm tra và nhắc nhở. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng thừa nhận, việc giữ khoảng cách an toàn ở các bệnh viện có đông bệnh nhân là điều rất khó khăn. Do vậy, sở yêu cầu các bệnh viện có quá đông bệnh nhân tổ chức khám hẹn giờ, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người tại các bệnh viện.

Bên cạnh việc siết chặt nội quy ở các bệnh viện, bác sĩ Trương Hữu Khanh đề nghị, các nhân viên y tế phải nâng cao ý thức cá nhân để làm gương: “Cần hạn chế các hoạt động đông người, cái nào cần thì đến, không thì tạm dừng”.

Khoảng hai tháng trở lại đây, khi tình hình COVID-19 trở nên phức tạp hơn, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã nhận được nhiều lời mời đi giảng dạy tại các tỉnh, thành nhưng ông đều từ chối. 

Bác sĩ Khanh cố gắng hạn chế việc di chuyển bằng máy bay và các phương tiện công cộng. Ông giải thích, đây là lựa chọn của cá nhân mình, dựa trên phán đoán về khả năng lây lan là vô cùng khó lường của COVID-19. Chưa hết, nếu bị nhiễm bệnh, ông sẽ lây lan cho rất nhiều người do phải tiếp xúc nhiều bệnh nhân trong một ngày tại bệnh viện.

Cùng quan điểm trên, ông Tăng Chí Thượng lưu ý các bệnh viện nhắc nhở nhân viên y tế hạn chế đi chơi xa, du lịch hay ra khỏi thành phố trong thời gian này.

Ông Tăng Chí Thượng thông tin thêm: “Các bệnh viện tại TPHCM đang chủ động triển khai bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn của Bộ Y tế, đặt mục tiêu dứt khoát không để lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện. Bệnh viện phải tuân thủ nguyên tắc 5K và hướng đến tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho tất cả nhân viên.

Sắp tới, các bệnh viện sẽ diễn tập ứng phó với các tình huống giả định, ví dụ như ứng phó với tình huống xuất hiện 100-200 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng”. 

Nhiều địa phương kêu gọi người dân không ra khỏi nhà

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên cả nước đưa ra quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 12g ngày 6/5.

Theo đó, tỉnh dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, các hoạt động văn hóa, thể thao tại các địa điểm công cộng; yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự… 

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra công điện nâng cấp độ phòng, chống COVID-19. Theo đó, bắt đầu từ 17g ngày 6/5, toàn tỉnh tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng ăn uống. UBND tỉnh khuyến cáo người dân, học sinh không tụ tập đông người, không ra khỏi nhà, nơi cư trú.

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TP. Hà Nội đã họp, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và yêu cầu tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, bar, phòng gym.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng dẫn chứng, ngay tại Hồ Gươm, nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang và đi tập thể dục, thể thao đông người. Ông đề nghị, các đơn vị phải phối hợp kiểm tra, xử phạt để không tái diễn tình trạng tương tự.

Hiếu Nguyễn - Huyền Anh - Bảo Khang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI