Đồng quê xào xạc

12/07/2013 - 06:43

PNO - PNCN - Đêm. Ngôi nhà của vợ chồng Viết đang im lìm, bỗng vang lên tiếng ho sù sụ của bà Lãm ở gian nhà ngoài. Viết đang ngủ ở trong buồng với vợ, bị đánh thức bởi tiếng ho thì chửi đổng: “Lại ho, già mà sống dai thế!”.

Viết là nông dân, học chỉ hết lớp 7, không phải là nhà văn, cũng chẳng phải là nhà khoa học nên khái niệm lao động trí óc đối với Viết xa xôi như sao Kim, sao Hỏa, nhưng Viết lại rất khó ngủ. Chỉ cần một tiếng động nhẹ thì dù đang chìm trong giấc ngủ mê mệt cũng đủ làm cho Viết tỉnh giấc, mà đã tỉnh ngủ thì khó ngủ lại nên Viết càng cáu. Viết lấy chân sờ sẫm dép, thấy một chiếc còn một chiếc lăn trong gầm giường, Viết đành đi chân đất ra ngoài, đến bên giường bà Lãm, gắt gỏng:

- Khổ quá, tôi đã nói bao nhiêu lần với bà rồi, ho thì phải bịt mõm lại.

- Tôi vẫn nhớ nhưng mà tôi bịt tay không kịp, anh thông cảm!

Hụ hụ hụ, lại một tràng ho nữa được phát ra từ lồng ngực lép kẹp, nhưng lần này thì bà Lãm đã kịp lấy cái khăn mặt để ở đầu giường bịt chặt lấy miệng nên tiếng ho chỉ phát ra hụ hụ mà không thành tiếng. Viết bảo sao dạo này bà hay ho thế, sao không đi… nói đến đây, Viết kịp dừng lời. Viết định nói sao bà không đi khám, chữa bệnh ho đi nhưng chợt nhớ ra bà làm gì có tiền, mà vợ chồng Viết cũng chẳng bao giờ cho tiền bà đi khám bệnh.

Viết quay vào buồng, nằm sát vợ, hai đứa con nhỏ nằm phía bên kia. Hừ! Viết thở dài, thì đã bảo là Viết khó ngủ mà lại, hết trở mình qua phải rồi lại qua trái, nằm sấp rồi lại nằm ngửa, mãi mà chả ngủ được. Chỉ còn cách duy nhất là làm tình với vợ.

Bên giường ngoài, bà Lãm nghe thấy tất cả những âm thanh và lời thoại của vợ chồng Viết, hai hàng nước mắt bà tràn ra. Bà không ngờ, bà nhặt Viết bị bỏ rơi ngay sau khi đẻ ở nhà vệ sinh bệnh viện phụ sản, mang về nuôi nấng cho đến khi Viết 30 tuổi. Viết ăn chơi, lười lao động, lại còn trộm cắp, bà xấu hổ với xóm làng lắm nhưng con dại cái mang, bà đành cắn răng chịu đựng. Bà nghĩ có khi lấy vợ, Viết sẽ chí thú làm ăn, thế là bà đi tìm vợ cho Viết nhưng chẳng người con gái nào trong làng dám lấy Viết, vì Viết bị chột mắt, vì Viết lêu lổng. Tìm mãi cuối cùng cũng có cô gái mắt lé ở làng bên đồng ý làm vợ Viết. Thôi thì nồi nào úp vung nấy, bà Lãm vay mượn cưới vợ cấp tốc cho Viết. Tưởng vợ chồng Viết sẽ mang ơn bà, sống với bà tử tế, nào ngờ chúng coi bà còn thua đứa ở. Ngôi nhà của bà Lãm đứng tên bà, sợ khi chết đi bà không sang tên cho Viết nên hai vợ chồng đã lừa bán ngôi nhà của bà rồi mua ngôi nhà khác đứng tên Viết. Khi biết được âm mưu của vợ chồng Viết thì mọi việc đã xong xuôi, bà gọi Viết vào bảo, bà chết đi nhà này chả cho Viết thì cho ai, sao lại phải làm cái chuyện gian dối ấy? Viết vò đầu, gãi tai giải thích rằng, sợ bà tuổi cao sức yếu ra đi mà không kịp viết giấy sang tên thì dễ bị kẻ khác nhăm nhe chiếm nhà nên mới làm vậy.

Bao nhiêu lần khác, vợ chồng Viết đá thúng, đụng nia, bà Lãm đều nhẫn nhịn nhưng lần này chúng muốn đuổi bà ra khỏi nhà vì sợ lây bệnh lao của bà. Bà ít học nhưng bà biết mình không bị bệnh lao, nếu bị lao phải ho ra máu như ông Hán, mà bệnh lao bây giờ chữa khỏi chứ có như ngày xưa đâu. Nhưng bà không thiết sống nữa, rất nhiều lần bà ra cái miếu thờ ở đầu làng, cầu khấn thần linh hãy ban cho bà cái chết nhẹ nhàng nhưng thần linh giận bà không mang theo lễ vật hay sao mà chưa cho bà ra đi. Sáng sớm mai, mình mua nải chuối lại ra miếu cầu thần linh lần nữa xem sao. Biết đâu lần cuối cùng này, mình được toại nguyện, một cơn gió độc sẽ quật mình ngã lăn ra đất rồi đưa mình về với người chồng bạc mệnh. Bà Lãm nghĩ ngợi trong đêm cho đến tận khi gà gáy sáng.

Khi vợ chồng Viết chở hai đứa con đi học rồi đi làm đồng luôn, bà Lãm lấy bao diêm bỏ vào túi áo, đi ra chợ làng. Bà lấy mười ngàn được mừng tuổi hồi tết mua nải chuối, thẻ hương và tập tiền giấy rồi đi đến ngôi miếu ở đầu làng. Bà lấy bốn nén hương, bật diêm châm lửa, cắm vào các bát hương. Cắm xong nén hương cuối cùng, bà khấn thần linh:

- Con lạy thần linh hãy cho con về với các cụ tổ tiên, với chồng con nhanh nhanh lên, con không thiết sống thêm một ngày nào trên cõi trần gian nhọc nhằn này nữa.

Bà vái ba vái, hóa vàng rồi đi ra khỏi ngôi miếu. Bà không quay về nhà mà lụt cụt đi ra phía cánh đồng. Đã lâu lắm rồi bà mới có dịp ra cánh đồng làng, nơi cả đời bà lam lũ nhưng cũng là nơi quá đỗi thân thương với bà. Bà nhớ mùi bùn non, mùi hương lúa trổ bông, mùi mồ hôi mặn chát của chính mình. Từ ngày già yếu, hai sào ruộng của bà cho vợ chồng Viết cấy, coi như bà góp gạo thổi cơm chung. Vợ Viết bảo lỗ to, hai sào ruộng của bà một năm thu được tám tạ thóc, trừ tiền giống, phân đạm, thuốc sâu, công cày bừa, công cấy, công gặt đi may ra còn được bốn tạ. Một năm bà ăn dè xẻn cũng hết năm tạ thóc, vậy là lỗ một tạ.

Dong que xao xac

Minh họa: Khắc Hiếu

Bà đi xuyên qua cánh đồng đang vào thì con gái. Cánh đồng mênh mông, bà thì liêu xiêu bé nhỏ như cánh cò bay lả ngược chiều gió. Lên bờ mương, bà rẽ phải đi vào con đường chạy dọc bờ sông, bà đi xa, xa mãi cho đến khi phải leo lên một cái cầu để thoát hẳn khỏi làng thì dừng lại. Chiếc cầu bắc qua sông, nối hai xã, nó không dài nhưng khá cao, dòng sông chảy xiết. Thời con gái, nhà bà làm bún, bà vẫn gánh bún đi đổi, qua cái cầu này thoăn thoắt, bây giờ nó đang là vật cản để bà dừng bước. Không, bà không muốn dừng bước, bà không muốn quay về ngôi nhà của vợ chồng Viết, mà thật ra là của bà. Đứng thở một lúc, lấy lại sức, bà bắt đầu leo lên cầu, từng bước, từng bước. Lên được đến trên mặt cầu, bà hoa mắt, bước hụt xuống dòng sông. Dòng nước chảy mạnh cuốn bà đi. Ý nghĩ cuối cùng của bà trước khi ngất là thần linh ở miếu làng đã giải thoát cho bà. Nhưng thần linh chỉ thử thách bà mà không cho bà ra đi trong cô đơn, buồn đau, nên khi bà mở mắt tỉnh lại đã có tiếng reo lên sung sướng:

- Bà tỉnh rồi!

Bà Lãm tưởng đó là tiếng kêu của Viết nhưng không, tiếng kêu của anh Khảo - một người đàn ông trạc tuổi Viết. Vậy là bà hiểu người này đã cứu bà. Người đàn ông rối rít gọi vợ mang cháo đến. Từ dưới bếp, chị Lan bưng bát cháo lên. Người chồng bảo may quá, bà đã tai qua nạn khỏi. Cô vợ bê bát cháo lại cạnh chỗ bà dỗ dành:

- Bà ăn tí cháo cho lại người!

Chẳng đợi bà trả lời không hay có, chị Lan lấy muỗng xúc cháo, ghé vào miệng bà. Đôi mắt bà ứa lệ vì xúc động, chưa bao giờ bà được ai bón cháo, ngay cả những lần ốm tưởng chết, vợ chồng Viết cũng không bao giờ nấu cháo cho bà chứ đừng nói là bón cháo. Đến chiều thì bà có thể ngồi dậy được, anh Khảo hỏi nhà bà ở đâu để đến báo kẻo con cháu lo âu, đi tìm. Bà khẽ lắc đầu, nước mắt bà lại ứa ra, bà kể qua cho vợ chồng anh Khảo nghe về tình cảnh của mình. Cả hai vợ chồng Khảo lặng đi vì thương bà. Anh Khảo bảo:

- Cả hai vợ chồng cháu đều bị mất mẹ từ sớm, nhiều lúc thèm một tiếng gọi mẹ mà không được. Vậy bà ở lại nhà chúng cháu, vợ chồng cháu xin phép được coi bà là mẹ!

Bà nghĩ đến Viết, đứa con mà bà nuôi từ ngày bị bỏ rơi, bao mồ hôi nước mắt thế mà nó còn hắt hủi bà, thì sao bà có thể tin được lời nói của hai vợ chồng này, mặc dù họ đã cứu bà thoát chết. Bà bảo chả dám làm phiền hai vợ chồng, bà chỉ xin ở thêm một vài hôm cho khỏe rồi bà ra đi.

Anh Khảo kéo vợ ra một chỗ nói nhỏ điều gì đó. Chị Lan gật đầu, cả hai đi đến bên bà, quỳ xuống:

- Mẹ hãy tin vợ chồng chúng con, chúng con xin nhận mẹ làm mẹ nuôi từ tấm lòng, nếu có toan tính gì thì xin giời cao trừng phạt!

Nói xong, vợ chồng anh Khảo đi đến bàn thờ, thắp hương, khấn vái mẹ đẻ hãy cho phép hai vợ chồng được nhận người mẹ nuôi này cho vui cửa vui nhà, cho các cháu được gọi tiếng bà. Nếu hai vợ chồng ăn ở thất đức xin mẹ cứ ra tay xử phạt. Lời khấn của vợ chồng anh Khảo khiến bà Lãm cảm động, bà cảm nhận được tấm lòng chân thật của vợ chồng Khảo, bà xin nhận hai vợ chồng làm con nuôi.

Đêm ấy, bà Lãm ngủ riêng một phòng trên tầng hai. Bà lại ho, do bị ngấm nước lạnh nên bà càng ho nhiều hơn, to hơn. Bà cũng đã cố lấy khăn bịt mồm mỗi lần ho nhưng tiếng ho dù nhỏ vẫn vọng lên tầng ba nơi vợ chồng anh Khảo đang ngủ. Chị Lan đi xuống, vào phòng bà hỏi:

- Bà bị cảm lạnh rồi, để con đánh gió cho.

Chị Lan lấy lọ dầu gió đánh gió cho bà Lãm, bà bảo bị ho từ mấy hôm rồi. Chị Lan nói bà cố chịu đến sáng mai. Sáng hôm sau, anh Khảo đưa bà đến bệnh viện.

Bác sĩ khám, chụp X.quang, bà bị viêm phế quản, chỉ cần mua thuốc về uống mà không phải nằm viện. Bà uống thuốc được bảy ngày thì cơn ho bớt hẳn. Bà Lãm sung sướng lắm, vì đêm đêm bà không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác nữa. Bà ngày một khỏe ra. Vợ chồng anh Khảo chăm sóc bà như chăm sóc người mẹ đẻ ra mình. Nhiều lúc ngồi một mình, bà hay thẩn thơ nghĩ ngợi, cũng là con nuôi, sao Viết được bà cưu mang, nuôi nấng vất vả từ bé mà lại sống tệ bạc với bà. Ngay cả khi nghe tin có một người đàn bà bị ngã xuống sông được một người đàn ông đi đường vớt lên, tối ấy không thấy bà trở về nhà, vợ chồng Viết cũng không đi tìm. Bà không hiểu được lòng người, không giải thích được bản tính con người bằng những suy tính, so bì, bà chỉ một điều tâm tâm niệm niệm trong đầu, bà ăn ở hiền lành nên được thần linh ở miếu làng che chở.

VŨ ĐẢM

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa