Đối mặt với Diêm vương: Ứng xử của con người trước bệnh tật và cái chết

02/03/2020 - 07:43

PNO - Đối mặt với Diêm vương, sự kỳ thị, sự hỗn loạn, và sự vô trách nhiệm đối với cộng đồng không bao giờ là một giải pháp đáng để lựa chọn.

Đối mặt với cái chết gây ra bởi dịch bệnh, con người đã hành xử như thế nào với tư cách là một cá nhân, một cộng đồng, một thiết chế, một nhà nước và một nền văn hóa? Sự ích kỷ, nhu cầu sống còn của cá nhân sẽ lên ngôi hay tình thương và sự đồng cảm giống loài? Và làm thế nào để con người và xã hội loài người tiếp tục cuộc hành trình qua bệnh dịch, cũng như thiên tai, chiến tranh, hay bất cứ thử thách khắc nghiệt nào khác?

Giữa cái nóng của mùa hè Avignon (đông nam nước Pháp), vị giáo hoàng quyền uy Clement VI (1291-1352) vào phòng kín và đốt hai đống lửa lớn, theo lời chỉ dẫn của bác sĩ riêng Guy de Chauliac. Ông sẽ ngồi vào giữa và chờ đợi. Bên ngoài căn phòng, 1/3 số Hồng y của ông đã ra đi vì dịch hạch. Tại thành phố Avignon đông đúc, ghi chép cho thấy có 400 người chết một ngày. Hơn 7.000 ngôi nhà bỏ hoang và chỉ một ngôi mộ tập thể đã chứa tới 11.000 người chỉ trong vòng sáu tuần. Một nửa dân số thành phố chết vì bệnh dịch. Và khi các ngôi mộ đã bị lấp đầy, người ta bắt đầu ném xác chết xuống sông Rhone. 

Avignon không phải là một ngoại lệ. Tại Paris, tỷ lệ chết của dân chúng là 800 người/ngày. Con số này ở Pisa (Italia) là 500 và Vienna (Áo) là 500-600. Sau cùng, một nửa dân số Paris (50.000 người), 3-4/5 dân số Florence, 2/3 dân số Venice, Hamburg và Bremen đã ra đi. Tính tổng thể, khoảng 1/3 dân số từ Ấn Độ tới Iceland chết vì dịch. 

Thu gom xác người chết trong trận dịch hạch ở London, năm 1665
Thu gom xác người chết trong trận dịch hạch ở London, năm 1665

Nhưng đó chưa phải là lần cuối. Riêng trận dịch tiếp theo vào năm 1665-1666 ở London đã giết chết khoảng 100.000 người (25% dân số thành phố) trong vòng 18 tháng. Đứng trước sự sống và cái chết, con người đã hành động như thế nào và xã hội đã vận hành ra sao? Liệu chúng ta, các xã hội hiện đại có thể học được gì từ quá khứ đau thương của nhân loại? 

Cái chết Đen gây ra những mất mát khủng khiếp đối với con người, nhưng lâu dài và nặng nề hơn là nỗi ám ảnh về tâm lý, và sự phá vỡ các mối quan hệ giữa con người, gia đình, cộng đồng, xã hội, và con người với thánh thần. Bác sĩ người Pháp Simon de Covino mô tả rằng, chỉ cần một người mắc bệnh “có thể lan truyền cho cả thế gian”. 

Chỉ khi xã hội bị ốm và cá nhân đối diện với cái chết, con người mới tìm thấy điểm yếu và sự bất lực của mình. Liệu xã hội thấy sự yếu kém, bạc nhược, dễ đổ vỡ hay vẻ đẹp, lòng nhân ái, sự quả cảm và tinh thần giống loài? 

Tin đồn về một dịch bệnh khủng khiếp lan tràn ở Trung Quốc, Trung Á, Ấn Độ, Ba Tư, Lưỡng Hà, Syria, Ai Cập và toàn bộ Trung Đông tới châu Âu năm 1346. Theo đó thì dịch bệnh này đã tàn phá Ấn Độ, đất đai ngập xác chết và các khu vực khác không còn ai sống sót. Nhưng rõ ràng việc thiếu vắng khái niệm về sự   “lây lan” của dịch bệnh đã làm cho các xã hội này không có bất cứ ý tưởng nào về việc đề phòng hay chuẩn bị đối phó cho tới khi các tàu thuyền chở theo người bị bệnh cập cảng Genoa hay Venice.

Rõ ràng xã hội tiền hiện đại không hề được chuẩn bị để đối phó với bệnh dịch. Và con người cũng thế. Lấy các tu viện làm ví dụ. Không phải ngẫu nhiên mà đây là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất. Lý do ở đời sống khép kín và các hoạt động tập thể thường xuyên của họ. Tất cả các tu sĩ dòng Franciscans ở Carcassonne và Marseille đã chết, chỉ trừ một người. 140 tu sĩ dòng Dominicans ở Montpellier cũng thế. Chỉ có 7 người sống sót. Những người tham gia giáo phái Tân Thiên Địa tại Hàn Quốc rõ ràng đã quên câu chuyện này. Và chính phủ Hàn Quốc có vẻ như không nhận ra bài học của hơn 600 năm trước. 

Sự hỗn loạn đẩy con người tới bi kịch. Tới năm 1350, giá lúa mì tại Pháp đã tăng 4 lần. Thành phố Florentine của Italia hoàn toàn sụp đổ. Nạn đói và bệnh dịch đẩy Rome vào tình trạng vô chính phủ. Tại các vùng nông thôn, người ta kéo xác chết ra đường hay bỏ lại trên cánh đồng. Mùa vụ bị bỏ hoang và gia súc không được chăn dắt. Bản thân chúng cũng biến thành nạn nhân của bệnh dịch. Nhà viết sử người Anh Henry Knighton viết về 5.000 con cừu chết trên cánh đồng và các vết bệnh trên cơ thể chúng tồi tệ đến mức thú hoang hay chim chóc cũng không dám đụng tới. Sói trên dãy Alps của Áo bắt đầu tràn xuống để săn cừu và nhiều gia súc khác, thậm chí bắt cả người tại nhiều khu vực. 

Bản đồ phân bố bệnh lao trên thế giới (Trung tâm Lịch sử y học, Đại học Harvard)
Bản đồ phân bố bệnh lao trên thế giới (Trung tâm Lịch sử y học, Đại học Harvard)

Giữa bệnh dịch, số phận con người bị bỏ rơi, lãng quên, và đơn độc đối mặt cái chết. Agnolo di Tura, nhà viết sử ở Siena, chép về nỗi sợ hãi, “cha bỏ rơi con, vợ bỏ chồng và anh em [rời bỏ nhau]… Dịch này dường như tấn công qua hơi thở và ánh mắt. Và người ta chết. Không tìm được ai để chôn cất cho người chết vì tiền bạc hay tình bằng hữu… và tôi, Agnolo di Tura, gọi là Fat, tự tay mai táng 5 người con của mình, cũng như nhiều người khác từng làm”. Tại Sicily, kể cả các giáo sĩ cũng không tới để nghe con chiên xưng tội. Giám mục Canterbury thì nói rằng các giáo sĩ “không màng tới tài sản của mình nữa vì sợ chết”. Bác sĩ của Giáo hoàng Clement VI thì viết rằng “cha không thăm viếng con và ngược lại. Tình thương tức là chết chóc”.

Khi con người bỏ rơi con người, nhà nước bị vô hiệu và các chức năng của xã hội sụp đổ. Người giàu tìm cách tự cô lập, về các nông trang; còn người nghèo, trong cơn khủng hoảng và bất lực tột độ tìm tới các giải pháp cực đoan. Một trong số đó đã thúc đẩy gia tăng bạo lực xã hội, kỳ thị chủng tộc và các hình thức mê tín dị đoan. Việc nạn nhân hóa người Do Thái là ví dụ. Họ được cho là những kẻ đầy oán thù, muốn tiêu diệt xã hội châu Âu, vì thế bỏ thuốc độc vào nguồn nước để gây ra dịch bệnh. Và họ đã bị tàn sát, đánh đuổi trên khắp châu Âu. 

Số phận của người Do Thái chỉ là một phần của cơn bão bạo lực xã hội sinh ra từ tin đồn và sự cuồng tín đằng sau bệnh dịch. Nhưng ở một góc khác, giữa các trận dịch cũng là lúc con người tìm kiếm sức mạnh từ niềm tin và từ đồng loại. Nhà viết sử biên niên Jean de Venette ghi lại việc các bà xơ ở Hôtel Dieu (bệnh viện của chính quyền Paris) “không sợ cái chết, chăm sóc người ốm với tất cả sự dịu dàng và nhân văn”. Những người mới nối tiếp thay thế những người cũ qua đời vì bệnh dịch. 

Và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Con người với nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đã làm tròn bổn phận tới giây phút cuối cùng. Sử gia nổi tiếng của Florence là Giovanni Villani chết ở tuổi 68, bỏ lại công trình đang soạn ở một câu dở dang, “… e dure questo pistolenza fino a…” [Giữa trận dịch hạch này sự kết thúc đã đến…]. 

Các bác sĩ là nhóm người chắc chắn chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh. Tại Venice, 20 trong số 24 bác sĩ đã thiệt mạng, dù có ghi chép nói rằng nhiều người trong số họ ra đi hoặc tự nhốt mình trong nhà. Ở Montpellier, một trung tâm đào tạo y học thời trung đại, người ta nói rằng “hầu như không có bác sĩ nào thoát được”. Nhưng sự quả cảm của nhiều người đã mang lại hy vọng, không chỉ trong cuộc chiến chống bệnh tật, mà cao hơn là niềm tin vào con người, vào đồng loại. 

Cuối cùng, khi dịch Covid-19 bùng nổ, người Trung Quốc bị kỳ thị, rồi người  “chủng” Á bị xa lánh ở châu Âu. Giờ tới lượt người Italia. Người biểu tình tại một ngôi làng ở Ukraine đụng độ với cảnh sát, ngăn chặn việc đưa người cách ly tới khu vực này. Sự kiện đã làm tổng thống Ukraine lên truyền hình, tuyên bố rằng những người này không phải là những kẻ xa lạ, họ không có sừng trên đầu. Họ là đồng bào của các bạn. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Ukraine luôn coi mình thuộc về châu Âu, nhưng những gì diễn ra “giống như là châu Âu thời trung cổ”.

Việc yêu cầu cách ly 20 người Hàn Quốc tại Việt Nam vừa rồi cũng đã gây ra nhiều ứng xử văn hóa đáng tiếc. Có thể đó chỉ là những phản ứng đơn lẻ có tính chất cá nhân, nhưng nhìn rộng ra, đó là câu chuyện về bệnh dịch và ứng xử của con người với con người. Đối mặt với Diêm vương, sự kỳ thị, sự hỗn loạn, và sự vô trách nhiệm đối với cộng đồng không bao giờ là một giải pháp đáng để lựa chọn. 

Vũ Đức Liêm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI