"Đời "bất thường" của một đứa “bềnh thường”: Nếu con nhà mình không giỏi giang như con nhà người ta?

13/04/2023 - 13:25

PNO - Chọn đề tài thiếu nhi, Khương Diệp Anh cho biết chị muốn đứng về phía những đứa trẻ và được kể lại câu chuyện của chính các cô bé, cậu bé...

Việc con cái không được giỏi giang hoặc không đạt được kỳ vọng như cha mẹ mong muốn, hẳn phụ huynh sẽ rất phiền lòng. Tuy nhiên, cuốn sách này cho độc giả một góc nhìn khác, là thông điệp mà cha mẹ cần nghe từ chính những đứa trẻ bình thường, không có gì nổi bật.

Đời "bất thường" của một đứa “bềnh thường” là tập truyện thiếu nhi viết cho tuổi dậy thì của nhà văn Khương Diệp Anh. Đây là cuốn sách thứ 3 được xuất bản của nữ tác giả 8x, cũng là tác phẩm thứ 2 viết cho trẻ em sau cuốn Nhật ký Bông Bủm xuất bản năm 2020.

Nhà văn Khương Diệp Anh và tác phẩm thứ 2 viết về trẻ em - Đời bất thường của một đứa bềnh thương
Nhà văn Khương Diệp Anh và tác phẩm thứ 2 viết về trẻ em - Đời "bất thường" của một đứa "bềnh thường"

Lựa chọn đề tài thiếu nhi, Khương Diệp Anh cho biết chị rất muốn đứng về phía những đứa trẻ và được kể lại câu chuyện của chính các cô bé, cậu bé đang ở độ tuổi dậy thì, với nhiều biến đổi về tâm sinh lý, ẩm ương nhưng cũng rất dễ thương.

Chọn ngôi kể thứ nhất thông qua nhân vật Bí - một cô bé hướng nội đang ở tuổi dậy thì có thói quen viết nhật ký, coi nhật ký là một người bạn thân và chia sẻ những câu chuyện vui buồn hàng ngày, nữ nhà văn 8x đi sâu vào từng diễn biến tâm lý của cô bé nhân vật chính một cách chân thật và tinh tế nhất.

Kể mà như không kể, không nêu đạo lý nhưng lại làm nổi bật những bài học có tính giáo dục cao của cha mẹ với con cái, và thông qua những câu chuyện trong gia đình Bí, người đọc ai cũng thấy có bóng dáng mình trong đó.

Từ câu chuyện bà nội thích cháu trai, cho đến bà ngoại hay chê bố, bố đôi khi vô tâm với mẹ, và mẹ thì mê tiền, mấy bà hàng xóm lắm lời, chuyện cờ-rớt tuổi mới lớn, những bí mật vừa muốn giấu kín vừa muốn kể với ai đó... là những câu chuyện bề mặt mà ai cũng thấy xung quanh mỗi chúng ta.

Nhưng không chỉ thế, tác giả để Bí tự nhìn ra điểm tiêu cực xung quanh mình, và cũng tự nhìn ra điểm tích cực của mỗi thành viên mà Bí kết nối. Ví dụ dù bà nội thường so sánh Bí học không giỏi bằng các em họ, hoặc bà ngoại hay chê bố, nhưng cả bà nội và bà ngoại đều rất yêu thương bố mẹ của Bí (cũng chính là con của hai bà) và yêu Bí, dù cách thể hiện của mỗi thế hệ là khác nhau.

Hoặc Bí vẫn thường nghĩ mẹ rất mê tiền, nhưng khi Bí thấy mẹ phải lo toan cho gia đình với những khoản thu nhập ít ỏi, thì Bí hiểu được giá trị của đồng tiền; Bí thường nghĩ Bố không yêu mình bằng mẹ hoặc bố vô tâm, nhưng khi Bí bị bắt nạt ở cổng trường, thì bố của Bí đã xuất hiện như một siêu nhân để giải cứu Bí.

Bản thân cô bé là một đứa trẻ học hành trung bình, các môn nghệ thuật cũng làng nhàng, thể thao cũng không có gì xuất sắc, ngoại ngữ càng học càng "xoắn não". Dù Bí đã cố gắng rất nhiều và luôn so sánh bản thân với các "con nhà người ta" trên TV, nhưng cô bé cũng hiểu dù cố gắng bao nhiêu, mình cũng không thể đạt được điều đó.

Chính cô bé cũng nhìn thấy cha mẹ mình cũng là những người lớn bình thường, có công việc ổn định và cố gắng chăm lo cho tổ ấm, hoàn toàn không phải như "bố mẹ nhà người ta" giám đốc này, chủ tịch nọ.

Tuy nhiên, không vì thế mà Bí không yêu cha mẹ mình, ngược lại, cô bé vẫn luôn gần gũi và yêu thương mẹ, bằng khả năng của mình, để làm những điều tốt nhất cho cha mẹ yên tâm.

Mở đầu cuốn nhật ký Đời bất thường của một đứa "bềnh thường” chính là việc Bí thấy bản thân cô bé bình thường như bao cô bé, cậu bé cùng trang lứa, nhưng cuộc đời cứ tỏ ra "bất thường" khi mọi người cư xử với nhau bằng những tiêu chuẩn mà chính bản thân họ cũng không đạt được, những kỳ vọng quá lớn, những so sánh dễ gây tổn thương, những lời ác ý, những thái độ vô tâm với người mình yêu... khiến cô bé cảm thấy cuộc sống "bất thường" chứ không phải cô bé "bất thường".

Đời bất thường của một đứa “bềnh thường" được viết theo lối kể hàng ngày của một cô bé kể cho bạn mình nghe, vì thế ngôn ngữ cũng rất "teen code", cập nhật xu hướng của thế giới tuổi nổi loạn.

Để có giọng kể của Bí, nữ nhà văn đã phải lắng nghe các câu chuyện của cô con gái ruột ở ngoài đời, với những cô bé, cậu bé là bạn thân của con gái tác giả, sao cho có một giọng kể "thuần teen Gen Z" nhất. Viết xong cuốn này, tác giả hài hước chia sẻ mình cũng bị "nhiễm" kiểu nói chuyện của tuổi teen, thấy mình trẻ ra rất nhiều dù tác giả cách thế hệ này đến gần 30 năm.

Lựa chọn xây dựng một nhân vật không có gì nổi bật về tính cách, hành vi, thành tích, nhà văn Khương Diệp Anh chia sẻ: "Người lớn chúng ta ám ảnh với các hình mẫu thành công, thành đạt, coi việc "con hơn cha, nhà có phúc", "Hổ phụ sinh hổ tử" là cái ngưỡng để đạt tới, nhằm thỏa mãn thói hư vinh của chính mình.

Việc mong con cái học hành giỏi giang, xuất sắc không có gì sai trái, nhưng sẽ không đúng nếu như vì kỳ vọng, vì bệnh thành tích của chính mình từ trong ý niệm, mà quàng lên vai con mình kỳ vọng quá lớn. Mà thường thì kỳ vọng càng lớn, thất vọng càng cao".

Thông qua Đời bất thường của một đứa “bềnh thường", nữ tác giả muốn mang đến thông điệp đơn giản, đó là trẻ em ở độ tuổi dậy thì vốn rất nhạy cảm và nhiều biến động không ngờ về tâm lý. Do đó, thay vì áp đặt, cha mẹ hãy đồng hành. Thay vì kỳ vọng, cha mẹ hãy kết nối với con nhiều hơn, thấu hiểu và chia sẻ, yêu thương, dù con là đứa trẻ bình thường. Hãy tập để con tự lớn và chia sẻ với con về sợi dây lương thiện, cùng tính tự chịu trách nhiệm, đó mới là sợi chỉ đỏ để con vượt qua thời kỳ nổi loạn này.

Hoàng Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI