Diễn viên trẻ sân khấu kịch TPHCM thử sức ở sân chơi lớn

23/08/2023 - 08:01

PNO - Cuộc thi Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc 2023 đang diễn ra tại Hà Nội nhận được sự quan tâm từ giới làm nghề. Nhiều diễn viên trẻ của TPHCM đã đầu tư dự thi, góp mặt ở cơ hội thử sức lớn này.

Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 60 diễn viên từ 17 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập và 8 đơn vị xã hội hóa. 7 đơn vị từ TPHCM góp mặt. 

So với các loại hình sân khấu truyền thống, kịch nói khá thiệt thòi khi gần như chỉ có 1 sân chơi lớn từ các kỳ liên hoan, hội diễn. Mãi đến năm 2020, cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc mới được tổ chức, tạo cơ hội cho các diễn viên trẻ (dưới 35 tuổi) thể hiện khả năng. Năm nay, cuộc thi mở rộng đối tượng dành cho mọi cá nhân đang làm nghề, không giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, thực tế, các nơi vẫn xem đây là sân chơi “rèn nghề” cho lực lượng trẻ.

Tiết mục khai màn cuộc thi Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc 2023 - Ảnh: Ban tổ chức.
Tiết mục khai màn cuộc thi Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc 2023 - Ảnh: Ban tổ chức

Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - cho biết, Hội đã triển khai nội dung cuộc thi đến toàn thể hội viên, các sân khấu đang hoạt động. Đối với các đơn vị đang mở lớp đào tạo diễn viên, đây là cơ hội cho các diễn viên trẻ cọ xát, có thêm kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng diễn xuất. Chị cũng khuyến khích học viên, diễn viên tại sân khấu của mình mạnh dạn thử sức.

Đạo diễn Quốc Thảo cũng đã đưa học trò “ứng thí” từ năm 2020, đạt được 1 huy chương Bạc và 1 giải triển vọng. Năm nay, sân khấu này sẽ có 4 thí sinh dự thi. Theo anh, với thị trường sân khấu sôi động và rất nhiều bạn trẻ đam mê, theo đuổi diễn xuất như hiện nay, những sân chơi chuyên nghiệp, chất lượng cao lẫn có tính học thuật cho người trẻ cọ xát, học hỏi là rất cần thiết.

Thực tế là các tiết mục từ sân khấu xã hội hóa khó so bì về đầu tư, dàn dựng, hiệu ứng hỗ trợ như các đồng nghiệp ở sân khấu công lập. Điều này đòi hỏi năng lực, khả năng biểu diễn của người diễn viên phải càng cao. Cả 4 bạn trẻ của sân khấu Quốc Thảo đều chọn các vai diễn rất nặng về thể hiện tâm lý là: Tạ Thanh (Bí mật vườn Lệ Chi), thằng gù (Thằng gù nhà thờ Đức Bà), Nina (Thiên nga đen), ông Chín “văn nghệ” (Nắng chiều).

Ngoài 2 sân khấu trên, từ TPHCM còn có thí sinh từ Công ty Sử Việt, Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á, Công ty truyền thông GODI, Trung tâm Nghệ thuật Việt Star, và Khang Entertainment dự thi. Nhìn lại, ngoài Tây Phong từng để lại dấu ấn trên sân khấu nhà hát Thế Giới Trẻ và kịch Hồng Hạc hay Quỳnh Thư khá quen mặt với khán giả truyền hình còn lại những Trần Phong, Văn Ngọc, Trường Phúc, Thụy Lam, Hữu Nhân… đều là những gương mặt trẻ đang nỗ lực theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.

Với các sân khấu xã hội hóa “tự thu tự chi”, việc phải “cơm ghe bè bạn” đi thi ở xa là một khó khăn không nhỏ. Vì thế, một số đơn vị có lực lượng trẻ khá mạnh như sân khấu Thế Giới Trẻ, kịch Hồng Vân, kịch 5B… lần này vắng bóng. “Tôi biết nhiều bạn trẻ đã cân nhắc chuyện đi thi nhưng vì nhiều lý do chưa sắp xếp được. Tôi luôn ủng hộ các em thử sức ở các cơ hội như thế này. Tôi tin, nếu TPHCM đăng cai cuộc thi thì các sân khấu xã hội hóa và rất nhiều nghệ sĩ tự do sẽ tích cực hưởng ứng” - Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên chia sẻ.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI