Đi chợ đầu mối để tiết kiệm chi tiêu

18/04/2022 - 07:02

PNO - Giá thực phẩm tăng trong khi thu nhập không tăng, thậm chí giảm khiến nhiều người ở TPHCM chọn cách đến tận chợ đầu mối mua thực phẩm thay vì mua ở chợ nhỏ, nhằm tiết kiệm tiền.

Đi chợ sỉ để... mua lẻ 

4g sáng, khu nhà lồng F chuyên bán thủy hải sản trong chợ đầu mối Bình Điền, Q.8 vắng bớt các xe đẩy cá giao cho khách sỉ. Nhân viên khu này bắt đầu bày biện các khay, thùng chứa thủy hải sản dọc các lối đi chính để khách mua lẻ dễ lựa chọn. 

Giá hầu hết các mặt hàng ở chợ đầu mối chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng một nửa giá ở các chợ lẻ. Giá cá thu loại 1 là 110.000 đồng/kg, các loại khác chỉ 85.000 đồng/kg, giá cá bạc má loại nhỏ 30.000 đồng/kg, cá nục 18.000 đồng/kg, giá mực ống tươi chỉ khoảng 200.000 - 330.000 đồng/kg (7 - 15 con). 

Anh Phú Vinh (Q.3) cho biết, gia đình anh sắp có tiệc nên anh đến chợ đầu mối mua thực phẩm cho rẻ. Chị Oanh (Q.5) cho biết, tuần nào chị cũng đi đò từ bến Phú Định sang chợ Bình Điền mua thịt, cá về để dành ăn trong một tuần. “Mùa dịch vừa qua, gia đình tôi sắm tủ đông để trữ thực phẩm, nay hết dịch, tôi đi chợ đầu mối mua thực phẩm để dành ăn cả tuần cho lợi giá. Thực phẩm ở chợ đầu mối rẻ bằng 1/3 hoặc bằng phân nửa so với ở các cửa hàng và chợ sỉ” - chị Oanh nói. 

Thương nhân chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền bày bán hàng ở sân chợ - ẢNH: THANH HOA
Thương nhân chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền bày bán hàng ở sân chợ - Ảnh: Thanh Hoa

Theo chị Võ Kim Phương - chủ vựa cá Diễm - sau khi giao sỉ, mỗi đêm, vựa còn dư khoảng vài chục đến 100 khay cá (khoảng 10 - 20kg/khay). Nhân viên của vựa sẽ ngồi bán lẻ từ 4 - 5g sáng, nếu không hết thì đem ướp đá để hôm sau bán tiếp. Khách lẻ đến đây thường mua cá từ 10kg trở lên. “Trước đây, vào khung giờ này, lượng khách mua sỉ rất đông nhưng nay, giờ này chỉ còn khách lẻ. Lượng cá từ vựa này cung ứng ra thị trường giảm phân nửa so với trước dịch COVID-19 do các đầu mối ở chợ lẻ, cửa hàng lấy cá cũng ít hơn trước” - chị Phương thông tin. 

Lúc 5g sáng, khu nhà lồng D chuyên bán cá đồng và hải sản cao cấp của chợ Bình Điền cũng tấp nập khách mua lẻ. Tại đây, giá cua biển 190.000 đồng/kg, bào ngư sống loại 50 con có giá 300.000 đồng/kg, ốc giác sống khổng lồ giá 320.000 đồng/kg (mỗi con từ 2 - 4kg), tôm hùm xanh tươi giá 800.000 đồng/kg (loại 4 con/kg). Anh Tùng - chủ vựa hải sản Tùng Vân - cho biết, khách đãi tiệc tại nhà hoặc đi cắm trại thường đến chợ sỉ mua hải sản cho rẻ, mỗi lần từ 5 - 10kg mỗi loại, nhiều nhất là cua, mực, bạch tuộc và các loại ốc. 

Ở chợ Bình Điền, các chủ sạp rau củ quả được bày hàng ra ngoài sân chợ từ 6 - 12g trưa. Tại đây, đa phần khách chạy xe vào mua trực tiếp, trên xe treo đủ thứ thực phẩm đã mua trước đó từ các nhà lồng khác. Các loại rau củ ở đây chỉ có giá khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg, 
rẻ bằng phân nửa so với giá ở chợ truyền thống. Khách mua 1kg, tiểu thương vẫn niềm nở bán.

"Khách thường mua chung cho 2 - 3 nhà nên mỗi lần mua từ 3 - 10kg mỗi loại. Hiện mỗi ngày, vựa chỉ cung ứng khoảng 2 tấn rau, giảm 1/3 so với trước khi có dịch COVID-19 do nhu cầu lấy sỉ của tiểu thương chợ truyền thống giảm mạnh” - anh Trần Văn Chính, chủ vựa này, nói. 

Hoạt động mua bán lẻ rau củ, trái cây ở các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức cũng sôi động không kém. Chị Thêm - chủ sạp Mười Nhớ - cho biết, từ khi chợ mở lại sau thời gian giãn cách xã hội, sức tiêu thụ giảm hơn 50% so với trước nên chị giảm 50% lượng hàng nhập về và đẩy mạnh bán lẻ thêm. Dù mua lẻ nhưng đa số khách mua từ 3 - 4kg trở lên, giá giảm khoảng 15 - 20% so với giá bán sỉ do đây là hàng được bán xổ sau 5g.

Vừa mua xong 10kg cam, 10kg rau củ các loại, chị Trần Hải (TP.Thủ Đức) cho biết, chị mua về chia cho 2 - 3 nhà. Mỗi tuần, chị đi chợ đầu mối mua hàng một lần để dùng cho cả tuần, rất lợi về giá. Tuy nhiên, theo chị Hải, chất lượng trái cây ở đây tốt hơn rau, củ vì hàng bán lẻ lúc gần sáng thường bị dập úng, khi mua về, phải lựa lá úng bỏ đi gần 1/5. Dù vậy, so với chợ lẻ thì giá vẫn rẻ hơn khoảng 30 - 40%. 

Ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức - cho biết, sau 5g sáng, thương nhân mới được chuyển hàng ra khu vực bán lẻ và phải kết thúc lúc 10g để vệ sinh chợ. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 600 - 700 ô vựa trong lồng chợ chuyển hàng ra khu bán lẻ. Các công ty, bếp ăn, quán ăn và hộ gia đình thường mua hàng sỉ theo giá lẻ với số lượng từ 5 - 10kg trở lên. Công nhân ở các khu nhà trọ cũng luân phiên đến chợ mua hàng về chia nhau để tiết kiệm chi phí. 

Khách mua lẻ thủy hải sản ở chợ đầu mối Bình Điền - ẢNH: THANH HOA
Khách mua lẻ thủy hải sản ở chợ đầu mối Bình Điền - Ảnh: Thanh Hoa

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết, dù đã hoạt động 100% công suất nhưng lượng hàng hóa nhập về chợ và còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa giải tỏa các chợ trái phép trên đường Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh và các khu dân cư xung quanh chợ. 

Thói quen tiêu dùng thay đổi 

Ngoài đi chợ sỉ, nhiều người vẫn giữ thói quen đặt mua thức ăn từ quê như khi còn giãn cách xã hội. Chị Nguyễn Thị Bình - ở chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân - cho biết, trong đợt dịch vừa qua, chị đặt mua hàng ở tỉnh. Đến nay, chị vẫn duy trì thói quen này bởi thực phẩm vừa tươi, giá lại rẻ. Ví dụ, giá ốc hương mua từ tỉnh Phú Yên là 190.000 - 290.000 đồng/kg khoảng 50 - 60 con/kg, trong khi cùng loại này nếu mua ở TP.HCM thì giá khoảng 400.000 đồng/kg. Cá dìa bông tươi đặt mua từ Phú Yên có giá 90.000 đồng/kg, trong khi giá mua ở TP.HCM khoảng 150.000 đồng/kg. Chị Bình cũng đặt mua từ 10kg trở lên để ăn dần trong 1 - 2 tuần. 

Ông Ngô Đình Dũng - Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quản trị tổng thể ISM, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ - nhận định, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa kết thúc, giá xăng dầu không giảm, giá hàng hóa tiếp tục tăng, thu nhập của người dân không tăng nên người dân chọn cách tiêu dùng như trên để giảm áp lực về tài chính. Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người dân vẫn cố gắng duy trì các hoạt động bình thường nhưng giữ ở mức chi phí tối thiểu, tránh các khoản chi phí lớn để dự phòng cho lúc cần thiết. Trong đó, có khoảng 61% cắt giảm chi tiêu vào việc ăn ngoài, 60% cắt giảm khoản mua sắm, 54% cắt giảm khoản giải trí, 43% cắt giảm khoản làm đẹp và quan tâm nhiều hơn đến các đợt giảm giá, khuyến mãi. 

Theo ông Ngô Đình Dũng, hiện nay, người tiêu dùng vẫn đang chọn giải trí, ăn uống, tập thể dục, giao lưu với bạn bè tại nhà, ngoài trời chứ không mua dịch vụ. Thói quen này được hình thành trong đại dịch và sẽ không sớm mất đi. Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hành vi, tư duy của người tiêu dùng theo hướng tăng ý thức phòng ngừa rủi ro. Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp cần nắm bắt kịp những thay đổi này để chủ động điều chỉnh, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam - đánh giá, có những mặt hàng tăng giá đến 20 - 30% nên người tiêu dùng phải thay đổi hành vi mua sắm, như chuyển sang mua hàng số lượng nhiều để dùng trong cả tuần, chọn sản phẩm ở phân khúc giá thấp, sản phẩm có dung tích lớn. Các nhà sản xuất cũng đã cập nhật xu hướng tiêu dùng và tung nhiều sản phẩm ở phân khúc trung, thấp cấp nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tiết kiệm của người tiêu dùng. Để bán hàng hiệu quả, các đơn vị, cá nhân kinh doanh cần kịp thời nắm bắt xu hướng mua sắm và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng. Phần lớn người tiêu dùng quan tâm giá sản phẩm, hàng giảm giá và đẩy mạnh mua hàng qua mạng, qua điện thoại.

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI