Đeo khẩu trang phòng dịch cách nào vẫn bảo vệ được làn da?

28/05/2021 - 07:12

PNO - Nhiều người nảy sinh các bệnh lý trên da đến mức phải đi khám do sự cọ xát, tỳ đè của khẩu trang y tế gây ra. Tình hình dịch diễn ra ngày càng phức tạp và dự kiến sẽ còn kéo dài. Làm cách nào để vẫn tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch nhưng hạn chế được tối đa những tổn thương cho làn da?

Ngày 25/5, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, khám trực tiếp ba trường hợp bị tổn thương vùng da do khẩu trang y tế tỳ đè gây ra. Trường hợp ấn tượng nhất là nam bệnh nhân P.V.H., 48 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình (TPHCM).

Anh H. làm nhân viên chăm sóc khách hàng tại một công ty điện máy, thường xuyên giao tiếp với khách nên mỗi ngày đều đeo khẩu trang ít nhất tám tiếng. Anh đến bệnh viện khám trong tình trạng vùng da cọ xát với khẩu trang như phần dưới cằm, dưới quai hàm, vùng mọc râu quai nón nổi lên nhiều cục viêm gây đau và ngứa. Khi thăm khám, bác sĩ xác định các nang lông ở vùng da tổn thương trên mặt bệnh nhân bị viêm nhiễm rất sâu.


Trước đó, ngày 26/5, cũng tại khoa trên, bác sĩ Thạch Văn Toàn đã khám cho trường hợp ảnh hưởng từ việc đeo khẩu trang y tế liên tục trong thời gian dài. Bệnh nhân là chị N.T.Y., 36 tuổi, giao dịch viên ngân hàng. Vùng cọ xát với khẩu trang như sống mũi, phần má thấp, quanh miệng của chị Y. nổi những cục thương tổn viêm đỏ gây đau nhức. Bệnh nhân tự nhận biết, cứ mỗi đợt dịch bùng lên, phải thực hiện đeo khẩu trang liên tục là da chị bị tình trạng như trên. 

Vì đang mùa dịch nên tâm lý chung của người dân rất hạn chế đi bệnh viện. Thế mà mỗi ngày, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da vẫn ghi nhận 5 - 6 ca tới khám do liên quan da bị bít tắc, tỳ đè, cọ xát do khẩu trang gây ra.

Từ đó, bác sĩ Vân Thanh khuyên rằng, đối với người dân khi đeo khẩu trang y tế có thể dán thêm lớp băng gạc mềm mỏng ở vị trí hay tỳ đè, tiếp xúc với da mặt miễn sao vẫn đảm bảo khẩu trang khi đeo lên che khít được vùng cần bảo vệ. Còn đối với nhân viên y tế phải thường xuyên mặc đồ bảo hộ hãy quan tâm hơn tới bộ đồ mặc bên trong. Không nên mặc trang phục bên trong làm từ chất liệu cứng, thô ráp như quần jeans, áo sơ mi nhiều sợi ni-lông. Nên mặc trang phục bên trong làm từ sợi vải bông mềm, cotton để hỗ trợ thấm hút mồ hôi, giảm thiểu tổn thương cho da do bít tắc mồ hôi và cọ xát. 

Trong trường hợp thấy đợt phát ban da vừa khởi phát có liên quan tới đồ bảo hộ thì nên dùng thuốc giảm ngứa kèm theo thuốc bôi hỗ trợ dưỡng da mang tính chất kháng viêm. Nổi mề đay, phát ban trên da không nguy hiểm nhưng sẽ gây ngứa, khi cào gãi khiến da trầy xước dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm. Mặt khác, vùng da đó bị yếu, sức đề kháng giảm cũng dễ làm bùng phát các vi khuẩn thường trú sẵn trên da. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI