Đêm Sài Gòn, nhọc nhằn mưu sinh

17/12/2017 - 17:06

PNO - Về khuya, những người làm nghề bán dạo đến nghỉ chân ở lề đường càng đông. Trong phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, họ kể cho nhau nghe về đủ thứ chuyện vui buồn trong một đêm, rồi hồ hởi bàn về những ngày sắp tới.

Sài Gòn, khuya, những con đường lấp lóa ánh đèn, dập dìu xe cộ. Dạt bên dòng ngược xuôi, có những mảnh đời khép nép mưu sinh ven vỉa hè, có những số phận lắt lay kiếm sống, trông đêm qua mau…

Rong ruổi xuyên đêm

19g, tối mùa đông se lạnh, chị Hồ Thị Chín, 43 tuổi, dắt chiếc xe đạp treo lỉnh kỉnh những bao những túi đứng cạnh ba thùng rác xếp dọc cạnh vỉa hè đường Điện Biên Phủ (P.4, Q.3, TP.HCM). Mấy thùng đầy rác to đùng, cao ngang vai chị. Nhón chân, chị Chín với đôi tay trần xé toạc những cái bịch ni-lông trong thùng, tỉ mẩn lựa từng chai nhựa, lon nhôm, thanh kim loại… quăng vào chiếc bao to treo sẵn sau xe.

Dem Sai Gon, nhoc nhan muu sinh
Một phụ nữ làm nghề nhặt ve chai trên đường Nguyễn Văn Cừ

Một mảnh gương bể va vào thành thùng rác vang lên thanh âm khô khốc, vỡ vụn. Mùi hôi thối bốc lên, quánh đặc không gian. Từng vệt nước đen ngòm rịn đẫm đôi tay trần chi chít vết ngang vết dọc của chị. Bắt đầu hành trình từ đầu đường Điện Biên Phủ phía ngã sáu, đêm mưu sinh của chị Chín đã được hơn nửa tiếng đồng hồ. Phía đối diện, trên cao, dàn đèn trang trí của quán cà phê - bar sang trọng vừa được mở, lấp lóa sắc màu.

Chồng mất khi hai con còn nhỏ dại, chị Chín rời quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào Sài Gòn thuê trọ ở đường Lê Đức Thọ (P.5, Q. Gò Vấp) được gần bốn năm nay. Mỗi đêm, dù mưa dù gió, chị lặn lội dọc các tuyến đường khu vực Q.3, Q. Phú Nhuận lượm ve chai. Chị phải chạy đua với thời gian ở từng con đường quen thuộc, vì trễ thì xe rác lấy đi hết. Công việc tuy vất vả, dơ bẩn nhưng tạm đủ cho chị gói ghém ít tiền gửi về quê lo hai con đang học cấp III. 

Dưới mái hiên trên đường Ngô Gia Tự (Q.10), chị Trương Thị Lan (47 tuổi, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngồi lim dim bên chiếc xe đạp cũ mèm chở theo chiếc thúng đậu phộng đầy ắp gá trên vành khung bao cánh quạt.

Đêm nào cũng vậy, cứ gần 12 giờ đêm, chị Lan và các “đồng nghiệp” lại quần tụ về đây nghỉ chân chốc lát rồi tiếp tục hành trình cho đến rạng sáng. “Quán nhậu còn sáng đèn là tụi tui còn thức. Có hôm may mắn đắt hàng thì tầm 1-2g về sớm, hôm nào ế thì “hái sao” cho tới gần sáng luôn”, chị Lan chia sẻ.

Đang dở câu chuyện, một người phụ nữ chạy xe trờ tới, hỏi rổn rảng, đặc sệt giọng Quảng: “Dzô mánh hay sao mà nghỉ sớm vậy? Hôm nay ế quá tui chỉ gọt được bốn bịch xoài nè”. Chị Lan đáp, giọng buồn buồn: “Mánh lới gì đâu, hôm nay chuyển trời, bệnh đau khớp lại tái phát, ngồi xuống đứng lên đau nhức khắp người”.

Người phụ nữ vừa đến là Lê Thị Hòa (45 tuổi, đồng hương với chị Lan). Kè chiếc xe đạp vào vách tường cho khỏi ngã, chị Hòa vội trải tấm bìa các-ton dưới mái hiên, nằm gác tay lên trán trong một đống hỗn độn, xoay quanh gánh nặng mưu sinh.

Về khuya, những người làm nghề bán dạo đến nghỉ chân ở lề đường càng đông. Trong phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, họ kể cho nhau nghe về đủ thứ chuyện vui buồn trong một đêm, rồi hồ hởi bàn về những ngày sắp tới.

Dem Sai Gon, nhoc nhan muu sinh
Quán hủ tíu đêm của vợ chồng chị Tâm Thùy (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã hoạt động hơn 20 năm tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cầu, Q.1

“Hình như hết năm nay là con Thảo vào đại học đúng không?”, chị Lan quay sang hỏi chị Trần Thị Thái (42 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi). “Nó muốn vào đây học trường Kinh tế nhưng không biết vợ chồng em nuôi nổi không. Năm nay, ngoài đó lụt lội, mấy sào hoa tết coi nhưng mất trắng. Bây giờ mình em xoay học phí cho ba đứa cũng đủ mệt”, giọng chị Thái nặng trĩu lo âu. 

Nhắc đến con, mắt chị Trần Thị Thái (Quảng Ngãi) lại ánh lên hy vọng. Chị khoe, tuy từ nhỏ đã sống xa mẹ, ở nhà với cha, nhưng ba đứa con của chị đều chăm ngoan học giỏi. Năm ngoái Thảo - con gái lớn của chị Thái - còn đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp huyện. Hai đứa em năm nào cũng được giấy khen của trường. “Sợ mình không đủ sức khỏe để làm nuôi tụi nó đến khi trưởng thành, chứ còn làm được thì sức mấy tôi cũng nuôi cho tụi nó học nên người”, chị Thái nói chắc nịch. 

Chuyện đang rôm rả, một chiếc ôtô quay đầu chiếu đèn sáng rực vỉa hè, mọi người choàng dậy. Nhìn chiếc thúng đầy, chị Lan ái ngại: “Chắc hôm nay lại tới sáng nữa rồi”. Mọi người vội đứng dậy lấy xe tỏa đi. Bóng những người đàn bà mờ dần trong ánh đèn đêm…

Bạc đầu thấp thỏm kiếm cơm

Bên lề đường Châu Văn Liêm (P.14, Q.5) đã 12 giờ đêm, bà Nguyễn Thị Tiền, 67 tuổi, vẫn ngồi trên chiếc xe điện, khung lái tròn có gắn mảnh ván kẹp vài tấm vé số cuối cùng còn sót lại trong ngày. Bà Tiền ngồi đây từ sáng sớm, với 100 tờ vé số. Mái tóc bạc phơ, bà dõi nhìn về phía ngược chiều xe như trông đợi điều gì.

Dem Sai Gon, nhoc nhan muu sinh
Bà Nguyễn Thị Tiền nhận quà của nhóm thiện nguyện Báo Phụ Nữ

Đều đặn mỗi ngày, bà Tiền từ nhà (ngụ tại 166 Phong Phú, P.13, Q.8 cùng hai người chị cũng độc thân như bà) chạy xe sang Q.5 bán vé số. Mấy năm trước, bà cũng thử bán vé số trước nhà. Hai tuần liền ngồi từ sáng đến 13g chỉ bán được mươi tờ, bà đành đi bán dạo, rồi dạt qua đây, cũng được gần bốn năm. Biết hoàn cảnh của bà, không ít khách quen thương tình mua giúp, nhưng hiếm có bữa nào được gọi là nhiều…

Bị sốt lúc sơ sinh, đôi chân liệt từ nhỏ, lớn lên bà Tiền may gia công kiếm sống. Tay yếu nên bà cũng chỉ gượng được một thời gian, rồi chuyển qua bán vé số. Mấy hôm trước bà bị sốt, nghỉ bán hai ngày. Tiền nợ đại lý vé số chưa trả hết. Một đôi tình nhân bách bộ ngang qua, mua giùm bà cả thảy bảy tờ. Bà cười, cảm ơn không hết. Chiếc xe lăn bánh dần lên dốc cầu Chà Và, mang theo bịch thuốc cảm và chai dầu xanh với nụ cười móm mém. 

Vỉa hè đường An Dương Vương (P.9, Q.5) đêm đã chuyển sang ngày mới, bà Nguyễn Thị Sáu, 79 tuổi, loay hoay gắn khoanh nhang muỗi thoảng hương vừa đốt. Chiếc chăn xỉn màu đắp chân rơi hờ hững dưới chiếc ghế bố cũ kỹ. Vỉa hè loáng nước sau cơn mưa nặng hạt lúc ban chiều.

Tiếng muỗi vo ve. Tiếng ho sụt sùi. Mấy mươi năm rồi bà Sáu sống ở đây, với chiếc xe đẩy bán “cà phê bưng”. Khách hàng thân thiết của bà là chú bảo vệ, anh taxi, là chị tiểu thương bên chợ An Đông, là ông xe ôm trông giữ hộ mỗi khi bà bận việc…

Có với nhau năm người con, chồng bà là cán bộ đã nghỉ hưu. Ông mất bốn năm trước, vào một ngày cuối năm. Cả nhà tao tác chuyển ông về quê bà ở Tiền Giang chôn cất. Bà ở cùng con trong căn nhà thuê trong hẻm đầu đường Lê Hồng Phong. Mấy tháng qua, bà phải ngủ lại vỉa hè này để trông giữ chiếc xe đẩy “cơm gạo”, đẩy cả thuốc men.

Nếu gửi xe, hằng tháng bà mất mấy trăm ngàn. Hỏi tuổi này sao không chịu nghỉ ngơi, bà nhỏ giọng: “Con trai thì còn dâu, con gái thì có rể. Tao không chịu được cái ngó cái nghiêng đâu”. Gió lạnh tràn, quầng khói nhang muỗi cuộn tan nhanh sau ghế. Một tiếng thở dài. Bà Sáu kéo chăn, co ro, những mong được một giấc an lành. Chúng tôi rời đi, bà nói vọng theo: “Tụi con đừng có nói gì nghe, bên phường biết được họ đuổi, tội nghiệp bà”.  

Nuôi giấc mơ ngày mai

Nghe tiếng chúng tôi hỏi thăm, ông Dương Thái Bình, 65 tuổi, chậm rãi lấy tay kéo bàn chân co quắp nối dưới cẳng chân tong teo ra khỏi tấm bạt che kín, nhổm mình dậy trên chiếc xe lăn đậu trước hiên nhà 193 Lý Chính Thắng (P.7, Q.3). Cơn tai biến hơn mười năm trước khiến ông không đi lại được.

Dem Sai Gon, nhoc nhan muu sinh
23g, ông Dương Thái Bình cẩn thận xếp vé số trước khi cất tận vào lớp áo trong, do sợ bị móc túi khi ngủ

Ngày ông bán vé số ở nhà thờ, bệnh viện quanh khu vực, đêm đậu xe trước hàng hiên dọc tuyến đường này nghỉ ngơi. Mỗi ngày bán được ba mươi tờ, tiền lời đủ cho ông bữa cơm chiều. Cơm trưa thì đã có một tổ chức từ thiện đặt cố định tại quán ăn gần đó tặng ông. Chuyện tắm giặt, vệ sinh thì đến nhà vệ sinh công cộng sau Bệnh viện Mắt TP.HCM, có người dìu giúp, giá 5.000 đồng, ông Minh tiếc hùi hụi. 

Quanh vành che chiếc xe lăn cũ của ông treo lủng lẳng hàng chục túi ni-lông. Cái đựng bánh sữa, mấy vỉ thuốc, gói quần áo, đựng các thứ vặt vãnh chẳng thể gọi tên, chứa luôn cả mấy cục pin to dự phòng dùng lắp cho chiếc radio đang lanh lảnh câu vọng cổ.

Mang máng nhớ quên, ông Minh lần kể tên vài địa danh ở Sài Gòn mình từng thuê trọ: ngã tư Bờ Băng (Nhà Bè), Cầu Tre (Q.11)… Ông kể thêm tên cái xóm nhỏ gần chợ Bình Dương ở tận Phù Mỹ, Bình Định mà mười mấy năm qua chưa trở lại. Giọt nước mắt rơi. Nơi đó, vợ con ông từng ở. Từng, bởi ông nhiều lần dò hỏi, nghe nói căn nhà bị trôi trong cơn lũ, người nhà đi đâu chẳng ai rõ. Mất liên lạc từ đó, sau đợt lũ lớn, sau cơn tai biến, sau một trận say.

Ông Minh chợt đưa tay lên ngực, lần từ trong túi áo khoác chiếc bịch ni-lông gói kỹ, đựng 30 tờ vé số cho buổi bán ngày mai. Một lần bị sốt, nằm mê man, ai đó lấy của ông xấp vé số chưa bán, từ đó ông tập tính cẩn thận. Giữa mang máng nhớ quên, ông tiếc cho sức khỏe một thời hoang phí. Rồi mong, trong những đêm lạnh thế này, có một mái ấm bên cạnh người thân.  

Đêm 5/12, thành phố oằn mình gánh trận mưa gió tơi bời. Ngã tư Nguyễn Thông - Võ Thị Sáu (Q.3), một cụ già ngoài 70 tuổi vận chiếc áo mỏng tanh, quần đen đứt chun buộc túm, chân đi dép lê mòn nửa gót, run rẩy nép mình trên góc vỉa vè. Cạnh bà, một đứa bé dáng người nhỏ thó, đen nhẻm, ngồi vuốt ve hai con chó lông vàng.

Dem Sai Gon, nhoc nhan muu sinh
Bà Ba ve chai và cháu ngoại đang phân loại ve chai sau một ngày làm việc

Không ai biết tên thật của bà, chỉ quen gọi “bà Ba ve chai nuôi chó”. Chẳng biết bà vui hay buồn với cái tên đó. Góc đường này đã thành nhà của bà hơn 30 năm qua. Thấy người lạ đến, hai chú chó sủa inh ỏi. “Sống chỗ nào quen chỗ đó. Ở đây, mấy bà vé số, ông xe ôm thấy tui khổ nên ai cũng thương. Những hôm đau yếu, không làm ra tiền thì họ tới cho mình ổ bánh mì, chai nước, tạm qua ngày”, bà cho biết.

Lấy cho chúng tôi xem một tấm ảnh ố màu ghi tên Trần Thị Sinh, quê Trà Vinh, bà nói đây là minh chứng duy nhất về xuất thân của mình. Mồ côi từ nhỏ, bảy anh chị em của bà Sinh cũng lần lượt ra đi. Mười bảy tuổi, bà theo người bà con lên Sài Gòn kiếm sống.

Lấy chồng sớm rồi sinh đứa con gái duy nhất. Giấy tờ tùy thân mất hết sau đợt vợ chồng bà đi kinh tế mới ở Bình Phước. Rồi người con gái cũng bỏ bà “đi”. Bỏ lại ba đứa cháu ngoại côi cút. Lớn lên, một đứa lấy chồng, một đứa còn trong mái ấm; một đứa đủ tuổi lao động rời mái ấm ra ở với bà, đi giúp việc quán cơm. 

Bà thui thủi sống ở lề đường này, bằng nghề lượm ve chai. Mấy ông “áo xanh” (lực lượng trật tự đô thị) đến bên kia thì bà dạt qua bên này. Bị tịch thu hai chiếc xe đẩy bà không tiếc, vậy mà khi Mặt Bự (tên bà đặt cho con chó) mất, bà khóc mấy ngày. Bầu bạn với bà giờ có con chó Na, được sáu năm, rồi đến Ni, cũng bốn năm có lẻ.

Sợ người ta bắt mất nên bà xích hai con chó lại, dưới chiếc ghế bà nằm mỗi tối. Trời mưa thì chiếc ghế là góc ấm cúng cho cả ba. Trên chiếc xe đẩy là chỗ cháu gái bà nằm, trùm bạt kín mít. Mỗi lần đi xa lượm ve chai giữa khuya, đôi mắt nhập nhèm nhưng nghe có tiếng chó vẳng, bà mới an tâm đi lượm tiếp.

Thương bà, chủ mấy quán ăn gần đó cho đồ thải loại hằng đêm. Tiền bán được, bà dùng để thuốc men, ăn uống, một phần dè xẻn dành mua thức ăn cho Ni, Na. “Hết đời người, chỉ mong đứa cháu út học xong ở mái ấm, tụi nhỏ có nghề làm ăn tự nuôi sống bản thân là tôi mãn nguyện lắm rồi”, bà Sinh rơm rớm. 

Dem Sai Gon, nhoc nhan muu sinh
Một xe đẩy quà rong phục vụ thâu đêm tại khu vực chợ Tân Định

Đêm cuối năm, Sài Gòn về khuya càng lạnh. Những con đường vẫn dập dìu xe cộ, đèn vẫn sáng choang phố xá. Vài tia sáng yếu ớt hắt lên vỉa hè, góc phố, nơi có những mảnh đời khép nép mưu sinh. 

Dem Sai Gon, nhoc nhan muu sinh
Hơn 23g, một điểm sửa xe tại góc đường Nguyễn Thông - Võ Thị Sáu, Q.3 vẫn phục vụ khách

Từ Nhân - Sơn Vinh
 Ảnh: Phùng Huy - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI