Cải thiện môi trường đầu tư TPHCM - một yêu cầu cấp thiết

Để TP. Thủ Đức trở thành “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư

10/06/2021 - 07:32

PNO - TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ “hút” các nhà đầu tư nhờ những lợi thế về vị trí địa lý, các hạ tầng dịch vụ sẵn có cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính đang hoàn thiện.

 

Loạt bài nhiều kỳ về cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM khởi đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM từ ngày 18/3 đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp về vấn đề này và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Bài 1: Xem nhà đầu tư là khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất

Bài 2: Thủ tục định giá, cho thuê đất làm khó doanh nghiệp

Bài 3: Nhà đầu tư bất động sản nản lòng, Nhà nước thất thu

Bài 4: Doanh nghiệp "đốt đuốc" tìm vốn rẻ

Bài 5: Gỡ nút thắt cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Bài 6: Doanh nghiệp Việt vẫn “đứng bên lề” ngành công nghiệp hỗ trợ

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng, muốn tận dụng các ưu thế sẵn có để phát triển thành một đô thị hạt nhân sáng tạo, liên kết và hỗ trợ các đô thị khác trong vùng, TP. Thủ Đức đang rất cần các chính sách, mô hình thật sự đột phá. 

* Phóng viên: Theo ông, cần làm gì để TP. Thủ Đức trở thành một đô thị đặc biệt, là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư (NĐT)?

- Ông Huỳnh Thế Du: Cần xác định TP. Thủ Đức giống như một đặc khu, nhằm tạo ra cơ chế, chính sách mới thu hút đầu tư, kể cả xây dựng tốt hạ tầng cứng, mềm. Hiện nay, dường như chúng ta vẫn theo mô hình phát triển thông thường với TP. Thủ Đức là một tầng nấc hành chính, như vậy thì chỉ làm khó thêm cho NĐT vì sẽ nảy sinh sự rắc rối về cấp chính quyền phê duyệt. Như tôi hiểu, chúng ta chưa phân cấp rõ về quyền hạn khi thành lập TP. Thủ Đức.

Với TP. Thủ Đức, điều mà tôi kỳ vọng là một mô hình đặc biệt với quyền tự chủ cao, ưu tiên cao về chính sách, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để nó bứt phá hẳn so với các phần còn lại. Được như vậy, việc triển khai mới có những thay đổi nổi bật.

* Có nghĩa là, trước hết, cần xây dựng một chính quyền đô thị (CQĐT) thực thụ cho TP. Thủ Đức?

- Đúng vậy. Điều quan trọng phải xác định là, lập ra TP. Thủ Đức để làm gì? Tôi nghĩ, từ tỷ lệ ngân sách 18% để lại cho TPHCM, rồi sắp tới là 23%, thậm chí phải giữ lại 100% nếu chúng ta xác định cụ thể trong vòng 10-30 năm tới, Thủ Đức sẽ như một Singapore mới hay như Phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc).

Với mục tiêu đó, cần dùng toàn bộ nguồn lực được giữ lại để xây dựng đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ cho một đô thị mới. Đồng thời, chính quyền TP. Thủ Đức phải có một quyền tự chủ rất lớn để quyết định các chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp… Mấu chốt vấn đề nằm ở mô hình quản trị của chính quyền TP. Thủ Đức.

Các chuyên gia cho rằng, để TP.Thủ Đức trở thành “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư,  cần một cơ chế quản lý đặc biệt - Ảnh: Đông Quân
Các chuyên gia cho rằng, để TP.Thủ Đức trở thành “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư, cần một cơ chế quản lý đặc biệt - Ảnh: Đông Quân

* Ông có thể cho một vài ví dụ cụ thể về mô hình Phố Đông của Thượng Hải?
- Người ta quyết tâm xây dựng một Thượng Hải với tầm nhìn “Trung Quốc cạnh tranh với quốc tế”. Nghĩa là, việc tạo ra một đô thị mới có sức cạnh tranh thu hút đầu tư quốc tế được xác định là vấn đề của Trung Quốc chứ không phải của Thượng Hải nữa. Do đó, Thượng Hải được liệt vào dự án đặc biệt mang tầm chiến lược quốc gia, có mọi nguồn lực, cơ chế, chính sách ưu tiên từ chính quyền Trung ương. 

Khi Phố Đông có được sự bảo đảm về mặt chính trị rất lớn như thế, các NĐT cực kỳ yên tâm. Cơ chế đặc khu có những ưu tiên cho TP. Thượng Hải huy động vốn để xây dựng hạ tầng. Ví dụ, họ lập ra bốn công ty phát triển Thượng Hải, mỗi công ty được giao đất để làm vốn chủ sở hữu. Sau đó, họ định giá đất, chẳng hạn 1 tỷ USD/công ty. Từng công ty mang vốn ấy góp vào liên doanh 50-50 để thành 2 tỷ USD rồi tiếp tục thế chấp ngân hàng vay vốn và huy động tiếp để từ 2 tỷ USD vay thêm bốn lần nữa, tạo ra 8 tỷ USD. Như vậy, với mảnh đất trị giá 1 tỷ USD, họ đã tạo ra được cơ chế giúp nó tăng vốn lên gấp tám lần.

Thủ Đức cũng vậy. Muốn huy động một lượng vốn rất lớn, phải có những cơ chế khác biệt. Muốn mời gọi các NĐT nước ngoài và tư nhân thì phải có sự bảo đảm từ phía Trung ương. Nếu vẫn cứ theo quy định chung như hiện nay, chậm là đương nhiên. Muốn làm được như Thượng Hải hay Gangnam của Nam Seoul (Hàn Quốc), cách làm phải rất khác so với hiện tại.

* Với Thủ Đức, bước đầu tiên nên làm là gì, thưa ông?

- Như đã nói, cần xác định mô hình CQĐT và mục tiêu thực sự của Thủ Đức là gì. Tôi cho rằng, việc đầu tiên là chính quyền TPHCM cần vận động Trung ương coi Thủ Đức là dự án trọng điểm quốc gia gắn với một mô hình CQĐT khác biệt. Hiểu một cách đơn giản, ý tưởng đặc khu nên được áp dụng vào TP. Thủ Đức, bởi những gì chúng ta muốn có từ Thủ Đức (trung tâm tài chính, trung tâm khoa học - công nghệ, trung tâm khởi nghiệp…) đều ở tầm quốc gia. TPHCM chỉ có thể tập trung vào phát triển hạ tầng cứng và tạo ra một số hạ tầng mềm nhất định nào đó thôi, còn các chính sách thu hút đầu tư vẫn thuộc tầm Trung ương.

CQĐT ở đây được hiểu đơn giản là phải quản trị TP. Thủ Đức tương tự mô hình một doanh nghiệp. Quản trị tư chứ không phải quản trị công nữa. Lúc đó, TP. Thủ Đức có thể thuê những người cực kỳ giỏi làm công tác quản lý nhà nước quan trọng như xúc tiến đầu tư, thiết kế quy hoạch, triển khai xây dựng hạ tầng, đưa ra những định hướng chiến lược… Khi TP. Thủ Đức được quản trị bởi những con người có tư duy, tầm nhìn như những nhà lãnh đạo tập đoàn hàng đầu xuyên quốc gia, ta mới nghĩ đến cạnh tranh quốc tế được.

Nếu bản thiết kế ban đầu đã khiêm tốn thì làm sao thành hình kỳ vỹ được. Đó là điều căn bản. Tôi vẫn chỉ nhấn mạnh hai vấn đề, mô hình chính quyền địa phương theo truyền thống hiện nay sẽ rất khó để TP. Thủ Đức phát triển như mong đợi. Còn mô hình CQĐT như của Thượng Hải là vấn đề của cả quốc gia.

* Xin cảm ơn ông. 

Tiến sĩ Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM): Cần ưu tiên chính sách thu hút đầu tư hạ tầng 

Với các lợi thế của mình, TP. Thủ Đức có tính tương tác cao, trong đó có các nhà sản xuất, nhà đào tạo, nên khả năng sinh lợi cao. Ngoài nối kết trung tâm TPHCM qua metro, Thủ Đức còn đóng vai trò kết nối TPHCM với sân bay Long Thành, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương - những khu vực đang có nhiều tiềm năng phát triển. Hai con sông Đồng Nai, Sài Gòn bao bọc tạo ra hệ sinh thái khá thuận lợi. Đó là những ưu điểm lớn mà ai cũng thấy.

Thế nhưng, hạ tầng của TP. Thủ Đức hiện nay vẫn thiếu đồng bộ. Do đó, tôi nghĩ, trước tiên, phải làm cho nó định hình trước đã. Muốn định hình thì phải ưu tiên chính sách thu hút đầu tư hạ tầng trước, chấp nhận thu lợi nhuận khi hạ tầng đã hoàn thiện. Hiện tiềm năng của Thủ Đức lớn nhưng cần phải chuẩn bị các ưu đãi cho NĐT để hoàn thiện hạ tầng.

Tiến sĩ Burkhard Schrage (Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị, Trường đại học RMIT): Cần tư duy mới và khác biệt để thu hút “tầng lớp sáng tạo”

TP. Thủ Đức hứa hẹn là trung tâm trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang hoạt động kinh tế giá trị cao. Sự kết hợp giữa các công ty công nghệ cao, các tổ chức giáo dục và các khu phức hợp với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới hứa hẹn sẽ thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài không tìm kiếm “lợi thế” nhân công rẻ của Việt Nam. NĐT trực tiếp nước ngoài vào Thủ Đức được dự đoán sẽ là các công ty sử dụng nhiều lao động nghiên cứu phát triển. Nếu làm đúng, đô thị này sẽ trở thành một cụm nghiên cứu phát triển, sản xuất giá trị cao cùng các hoạt động sáng tạo có tầm ảnh hưởng trong khu vực và toàn thế giới.

Các thành phố đang phát triển trên thế giới rất thu hút những người lao động tri thức, gọi là “tầng lớp sáng tạo”. Đó là các kiến trúc sư, nhà khoa học, lãnh đạo cấp cao ngân hàng, nhà tư vấn, giảng viên đại học và các chuyên gia sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. “Tầng lớp sáng tạo” này thích sống ở các thành phố hội tụ ba yếu tố tài năng (dân số tài năng, học thức, kỹ năng cao), tôn trọng - thấu hiểu (tức một cộng đồng đa dạng) và công nghệ (cơ sở hạ tầng công nghệ cần thiết để thúc đẩy văn hóa doanh nhân).

Do đó, “cơ sở hạ tầng cứng” như internet nhanh, các giải pháp di động tốt hoặc các tòa nhà văn phòng lớn là không đủ để thành công trong việc chuyển đổi hướng tới một “cụm sáng tạo” và thu hút các tập đoàn quốc tế đến Thủ Đức. Ngoài ra, cũng cần có yêu cầu thiết lập các điều kiện “mềm” để thu hút những người đang làm những công việc này. Ví dụ, “tầng lớp sáng tạo” thích đến thăm viện bảo tàng, tham dự các buổi hòa nhạc hoặc đi dạo trong công viên.

Khi các điều kiện trên được đáp ứng, Thủ Đức sẽ là điểm đến tuyệt vời cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới để phát triển các sản phẩm mới, như lập trình máy tính hoặc theo đuổi nghiên cứu y học. Các công ty trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng sẽ thấy Thủ Đức là nơi hấp dẫn để tìm đến. Để Thủ Đức thành công, việc thu hút tài năng sáng tạo là chìa khóa. Điều này đòi hỏi tư duy mới và khác biệt.

Nam Anh (ghi)

Quốc Ngọc (thực hiện)

* Bài cuối: Kỳ vọng những chính sách đúng đắn sẽ tạo nên sự đột phá

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI