Đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian đầu không tiếp cận được vắc xin COVID-19

11/04/2023 - 13:48

PNO - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian đầu không tiếp cận được vắc xin, có hay chăng do thủ tục không cho phép?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi, có hay chăng chuyện doanh nghiệp đề nghị nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin nhưng thủ tục không cho phép
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi, có hay chăng chuyện doanh nghiệp đề nghị nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin nhưng thủ tục không cho phép

Doanh nghiệp đề nghị nhập 5 triệu liều nhưng thủ tục không cho phép?

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ, điều kiện tiên quyết để kiểm soát dịch là sau khi có vắc xin. 

Theo đó, khi thực hiện chiến dịch ngoại giao vắc xin tại các chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ luôn tranh thủ mọi cơ hội. Nhờ đó, chiến dịch ngoại giao vắc xin đã rất thành công. Trong báo cáo của Đoàn giám sát, có hơn 150 triệu liều vắc xin, đáp ứng 60% tổng số nguồn. Sau khi có vắc xin mới triển khai tiêm phòng rất thành công, bước đầu đã kiểm soát được dịch và giúp cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả trong năm 2022.

Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian đầu chúng ta không tiếp cận được vắc xin. “Có hay không có câu chuyện doanh nghiệp đề nghị nhập 5 triệu liều nhưng thủ tục không cho phép?” - ông Vũ Hồng Thanh cho rằng đoàn giám sát có thể có báo cáo giải trình thêm về vấn đề này.

Ông cũng đặt câu hỏi, việc nghiên cứu vắc xin đạt kết quả như thế nào, đạt đến đâu, dự án gặp khó khăn vướng mắc nào và nguyên nhân trách nhiệm thế nào.

Tại phiên họp, lý giải vì sao gặp khó về vắc xin trong thời gian đầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã khẳng định, dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện, chưa bao giờ có tiền lệ dịch xảy ra trên toàn thế giới và lớn như vậy, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, có cả các nước lớn như Mỹ, còn lúng túng khi ứng phó với COVID-19. Việt Nam rất lắng nghe các thông tin, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhưng WHO cũng khuyến cáo dè dặt.

“Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tại thời điểm dịch bùng phát, các sinh phẩm thuốc, vắc xin đều là hàng hóa mới, nhiều mặt hàng muốn cũng không mua được. Việt Nam chưa sản xuất được vắc xin, giai đoạn đầu ít nước chia sẻ vì họ còn dành nguồn lực cho đất nước của mình. Vì vậy, thời gian đầu chúng ta gặp khó khăn về vắc xin” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, không chỉ Việt Nam mà cả các nước lớn như Mỹ cũng lúng túng khi lần đầu tiên đối phó với COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, không chỉ Việt Nam mà cả các nước lớn như Mỹ cũng lúng túng khi lần đầu tiên đối phó với COVID-19

Bài học đào tạo nhân lực y tế

Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra. Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, không chỉ riêng đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng mà trong thời điểm đại dịch COVID-19 đã bộc lộ các vấn đề trong tổ chức nhân lực. Đây là dịch bệnh đặc biệt, trong thời kỳ đầu, do yếu tố khách quan, chúng ta đối phó bị động. Tuy nhiên, qua đó cho thấy, hệ thống y tế chưa có nhiều chuyên gia, bác sĩ chuyên sâu. Trong bối cảnh đó, trình độ của các bác sĩ đầu ngành để đưa ra phác đồ, định hướng điều trị rất quan trọng. Việc các giáo sư phát biểu trên truyền hình cũng đem lại sự yên tâm cho người dân.

Ông cho rằng, cần chú ý trong khâu đào tạo nhân lực để khi có thảm họa hay dịch bệnh khác thì có thể chủ động đối phó.

Ngoài ra, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời bổ sung ý kiến về chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Cụ thể, chương trình đặt ra chỉ tiêu tương đối cao, quá trình thực hiện chưa thực hiện hết được các chỉ tiêu, một số địa phương nhận nguồn lực nhưng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nên chưa thể triển khai hiệu quả. Ông đề nghị cần đánh giá kỹ hơn vấn đề này.

Minh Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI