Để cá tra mạnh mẽ bơi ra “biển lớn”

12/12/2022 - 06:54

PNO - Trong 11 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2,2 tỉ USD, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo cả năm sẽ đạt 2,4-2,5 tỉ USD.

Cá tra được giá, người nuôi có lãi

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2022, việc sản xuất, kinh doanh cá tra khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khá thành công nhờ giá cá duy trì ở mức cao. Nếu như những tháng cuối năm 2021, giá cá tra thương phẩm chỉ 25.000-26.000 đồng/kg thì từ đầu năm 2022 trở đi, giá tăng vọt lên 29.500-30.000 đồng/kg, có lúc lên 32.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - cho hay: “Sau mấy năm thua lỗ, từ đầu năm 2022 đến nay, hầu hết hộ nuôi cá tra đều có lợi nhuận, yên tâm để đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi”. 

Chế biến sản phẩm cá tra phục vụ xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long ẢNH: H.L.
Chế biến sản phẩm cá tra phục vụ xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: H.L.

Là một trong những hộ nuôi cá lâu năm ở huyện Châu Thành, ông Nguyễn Hữu Trí - thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành - phấn khởi: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi bán được 2 đợt, gần 900 tấn cá tra với giá bình quân 30.000-31.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lời 3.000-4.000 đồng/kg”. 

Ông Nguyễn Trạng Sư - người có hơn 30 năm nuôi cá tra ở TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - cho biết, trong năm 2022, cơ sở nuôi cá của gia đình ông đã cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu khoảng 3.000 tấn cá nguyên liệu với giá tương đối tốt. Nhờ đó, ông duy trì được nghề và chăm lo tốt cho nhân công trại cá. 

Nuôi cá tra ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Tính kể, ông vừa xuất bán 2 ao, được gần 1.000 tấn cá tra, mức lãi ròng khoảng 3.000 đồng/kg. Dù nghề nuôi cá tra chưa hồi phục hoàn toàn sau mấy năm đại dịch, nhưng về cơ bản, các hộ nuôi cá đã dễ thở hơn, yên tâm hơn. 

Giá cá tra trong nước duy trì mức giá cao là nhờ các doanh nghiệp nỗ lực tiếp thị, quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2021, doanh thu từ xuất khẩu cá tra trên cả nước đạt khoảng 1,62 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm 2000 nên ngành chức năng đặt ra mục tiêu xuất khẩu hơn 1,6 tỉ USD trong năm 2022. Thế nhưng, kết quả xuất khẩu năm nay dự báo vượt xa so với kế hoạch đề ra. Các thị trường chính tiêu thụ cá tra nước ta là Trung Quốc (chiếm gần 30%), Mỹ (gần 23%), các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hơn 13%, EU 8,2%, Brazil 3,7%.

“Sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, công ty chúng tôi chủ động nguồn cá nguyên liệu, thiết kế lại các dây chuyền sản xuất và huy động công nhân trở lại để tăng cường chế biến ngay từ đầu năm 2022. Do đó, khi các nước có nhu cầu nhập khẩu, công ty có sẵn sản phẩm chất lượng để cung ứng” - lãnh đạo Công ty cổ phần Nam Việt (tỉnh An Giang) cho hay. 

Thăng trầm nghề cá

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nếu so với đầu năm 2022 thì hiện nay, do tác động của lạm phát, nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường Mỹ, EU, Anh giảm dần qua từng tháng. Tốc độ xuất khẩu chậm lại đã khiến giá cá tra trong nước giảm còn 28.000 đồng/kg. 

Đưa cá tra vào nhà máy chế biến
Đưa cá tra vào nhà máy chế biến

Giá cá tra lên xuống thất thường từng diễn ra trong nhiều năm trước. Là người sống với nghề này mấy chục năm, ông Sáu Nghiệp (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) từng có những năm thu cả chục tỉ đồng nhờ trúng cá tra. Thế nhưng, việc chỉ một thời gian sau, giá cá tra bỗng sụt thê thảm.

Những người nuôi cá tra ở ĐBSCL kể, những năm 2006-2007, chuyện nuôi cá tra “nóng” lên từng ngày khi giá cá tra lên mức 15.500-16.000 đồng/kg, nông dân liên tục trúng lớn khiến nhà nhà đào ao nuôi cá, đẩy giá đất ven sông Tiền, sông Hậu tăng chóng mặt. Nhưng sang năm 2008, nhiều hộ nuôi cá tra trắng tay do giá giảm mạnh, khó tiêu thụ. 

“Nghề cá nó lạ lùng vậy đó. Năm nào trúng lớn thì năm sau, nhiều nơi ùn ùn mở rộng diện tích, tăng sản lượng dẫn tới “cung vượt cầu” khiến giá cá bị đè xuống. Tui cũng thường thua lỗ 3-5 tỉ đồng/năm, trong khi khoảng 5-6 năm mới trúng giá lại được một lần” - ông Sáu Nghiệp nói.

Ông kể thêm, vào năm 2018, giá cá tra lập kỷ lục mới 34.000-36.000 đồng/kg, một số chủ doanh nghiệp đề nghị các địa phương thận trọng với việc mở rộng diện tích. Quả nhiên, từ giữa năm 2019 đến cuối năm 2021, cá tra vùng ĐBSCL bị ùn ứ, rớt giá.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL không tăng sản lượng, chỉ nên dừng ở mức 1,3-1,5 triệu tấn/năm, tập trung nâng cao chất lượng cá và giá trị xuất khẩu. Để làm được điều này, cần các doanh nghiệp chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, người dân phải có hợp đồng tiêu thụ, tránh tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. 

Thay đổi để phát triển bền vững

Cá tra là sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước Cửu Long. Đến nay, sản phẩm cá tra đã xuất khẩu sang khoảng 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về hàng tỉ USD mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người. 

Công nhân Công ty cổ phần Nam Việt (tỉnh An Giang) đóng gói cá tra để đưa đi xuất khẩu
Công nhân Công ty cổ phần Nam Việt (tỉnh An Giang) đóng gói cá tra để đưa đi xuất khẩu

Xác định cá tra là sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế nên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực hỗ trợ để hoàn thiện quy trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu. Chính quyền các địa phương cũng quy hoạch vùng nuôi, thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện nuôi cá tra, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm rủi ro, giảm giá thành sản xuất; nuôi cá có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 350 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 3.119ha được cấp giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch VINAPA - cho rằng, ngành cá tra đang dần hoạt động bài bản hơn. Cụ thể, tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ dần chấm dứt; thay vào đó, có khoảng 90% sản lượng cá nguyên liệu được các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư nuôi theo hình thức tự nuôi hoặc liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có bản hướng dẫn về vùng nuôi theo đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường, nguồn nước; khuyến cáo các doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường chế biến để nâng giá trị gia tăng, thâm nhập các thị trường khó tính để tăng giá trị xuất khẩu. 

“Trước đây, sau khi lấy 2 miếng phi lê, người ta bỏ hết những phần còn lại của con cá tra. Còn hiện nay, các doanh nghiệp đã tận dụng toàn bộ con cá tra để chế biến hàng trăm sản phẩm khác nhau, vừa bán trong nước, vừa xuất khẩu ra thế giới. Điển hình như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tận dụng da cá tra để chiết xuất collagen và gelatin, mang lại giá trị kinh tế cao. Gần đây, Công ty cổ phần Nam Việt cũng đầu tư xây nhà máy chế biến collagen và gelatin với công suất 780 tấn/năm” - ông Dương Nghĩa Quốc nói về những biến chuyển tích cực trong ngành cá. 

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho hay, 7 năm qua, UBND tỉnh đã quyết tâm tái cơ cấu ngành cá tra nhằm khắc phục các hạn chế, hướng đến sự phát triển bài bản và bền vững bằng cách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ vậy, năm 2022 này, kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh vượt 1 tỉ USD. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tiềm năng và lợi thế về thủy sản của vùng ĐBSCL là rất lớn, nhưng vẫn chưa được khai thác hết. Việc phát triển nghề cá tra ở ĐBSCL tới đây cần theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín để đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Lễ hội tôn vinh người nuôi cá tra 

UBND tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan chuẩn bị các khâu để tổ chức lễ hội cá tra lần thứ nhất, với chủ đề “Cá tra - Vươn ra biển lớn” trong 2 ngày 16 và 17/12. Đây là lễ hội cá tra lần đầu được tổ chức với quy mô lớn ở vùng ĐBSCL.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - lễ hội cá tra là sự kiện nhằm ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp tích cực của những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đối với ngành cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực ĐBSCL; giới thiệu hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương và ĐBSCL; khẳng định giá trị, nguồn gốc và thương hiệu cá tra Việt Nam trên thương trường quốc tế. Trong lễ hội, ngoài trưng bày các sản phẩm từ cá tra và các đặc sản của địa phương (mỗi xã một sản phẩm - OCOP), còn có các diễn đàn, hội thảo về nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra, ký kết hợp tác. 

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch VINAPA - thông tin thêm, ở ĐBSCL, 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp được xem là cái nôi của nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp hiện có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng, khoảng 2.400ha nên các ngành chức năng nhất trí chọn Đồng Tháp là nơi tổ chức lễ hội cá tra lần đầu tiên này. 


Huỳnh Lợi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI