ĐBQH trăn trở vì tỉ lệ lao động thất nghiệp ngày càng tăng

31/05/2023 - 10:34

PNO - Nhiều ĐBQH bày tỏ trăn trở khi tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, trong khi đó, còn thiếu các chính sách về an sinh, xã hội.

 

ĐBQH Tô Ái Vang

ĐBQH Tô Ái Vang nêu thách thức khi tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng

Cần hoàn chỉnh dữ liệu thống kê lao động thất nghiệp

Quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam, ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho biết, trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỉ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát cũng tăng theo và ngược lại. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.

Vì thế, ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị, năm 2023 được Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam. Các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành 3 loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường. Ngoài ra, thất nghiệp được phân theo giới tính, lứa tuổi, ngành nghề, đồng thời thực hiện kết nối dữ liệu dọc ngang, thông suốt...

ĐBQH đề xuất trên cơ sở này, các bộ ngành rà soát các chính sách đã ban hành liên quan tới lao động, việc làm, vướng mắc bất cập đặt ra, đề xuất có chỉnh sửa, thay thế hay tích hợp lại các chính sách để phù hợp với thực tế hiện nay.

Đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho lao động mất việc

ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung đề xuất có các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng

ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung đề xuất có các chính sách an sinh xã hội để đảm bảo đời sống của người lao động trong trường hợp bị mất việc

Đóng góp tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho biết, từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính…

Nữ ĐBQH cho rằng, điều này đã gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất. Bởi khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm…

Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, người lao động còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…

ĐBQH băn khoăn, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Việc đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa?

Do đó, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI