Kỳ họp thứ mười HĐND TPHCM khóa X:

Đẩy mạnh khai thác giao thông đường thủy, phát triển du lịch

12/07/2023 - 06:51

PNO - Ngày 11/7, kỳ họp thứ mười HĐND TPHCM khóa X bước vào ngày thứ hai với phiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Sở Du lịch và Chủ tịch UBND quận 1. Các đại biểu tập trung chất vấn về giao thông đường thủy, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm...

TPHCM nhiều sông nhưng vắng đò

Đại biểu Lê Minh Đức (quận 4) nhận xét, TPHCM đã có quy hoạch phát triển giao thông vận tải nhưng việc đầu tư xây dựng còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số, chưa tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. TPHCM có hệ thống đường thủy chằng chịt nhưng du lịch đường thủy lại khá im ắng, nhiều sông nhưng vắng đò. Ông đặt câu hỏi: “Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch có kế hoạch gì để thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tàu thuyền để phục vụ du khách, xây dựng những địa điểm trên bến dưới thuyền tấp nập?”. 

TPHCM có hệ thống đường thủy dày đặc, nhiều sông nhưng vắng đò (trong ảnh: Tàu cao tốc TPHCM đi Vũng Tàu vẫn chưa thu hút khách như kỳ vọng) Ảnh: Nguyễn Văn
TPHCM có hệ thống đường thủy dày đặc, nhiều sông nhưng vắng đò (trong ảnh: Tàu cao tốc TPHCM đi Vũng Tàu vẫn chưa thu hút khách như kỳ vọng) - Ảnh: Nguyễn Văn

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết (quận 5) chất vấn: “Sở Giao thông Vận tải có kế hoạch gì để phát triển, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong bối cảnh phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng?”. Bà cũng phàn nàn về tình trạng rác thải trên các tuyến đường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây mất thiện cảm cho du khách, làm tắc nghẽn cống thoát nước, gây ngập nặng hơn: “Những điều này đã được phản ánh, đã có xử lý nhưng chưa dứt điểm. Sắp tới, ngành giao thông sẽ làm gì để xử lý triệt để tình trạng này?”.

Đại biểu Lê Thị Trúc Lâm (quận 12) phản ánh, hiện nay, TPHCM có rất nhiều xe buýt cũ, xuống cấp, xả khói gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn. Bà chất vấn về kế hoạch phát triển, thay thế xe buýt cũ theo xu hướng chung của thế giới là thân thiện môi trường. Bà cũng chỉ ra thực trạng đầu tư hạ tầng không đồng bộ, cùng một con đường nhưng có đoạn được mở rộng, có đoạn lại quá nhỏ, thường xuyên quá tải xe cộ.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết, UBND TPHCM đang ưu tiên bổ sung quy hoạch giao thông kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là với các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Ông thừa nhận, việc triển khai quy hoạch giao thông có chậm trễ. Để triển khai các dự án về hạ tầng giao thông, cần có nguồn lực và thời gian. 

Ông nói: “Vừa rồi, UBND thành phố sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thì thấy nguồn vốn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu các dự án. Điều này có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn không được tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố như kỳ vọng. Bên cạnh đó việc triển khai các dự án theo hình thức hợp tác công tư không dễ dàng. Nguồn lực cho giao thông hạn chế dẫn đến đầu tư, triển khai quy hoạch chậm”. Theo ông, thời gian tới, với cơ chế đặc thù được ban hành kèm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, việc thu hút vốn tư nhân sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, sở cũng sẽ lấy kinh nghiệm từ việc làm đường Vành Đai 3 để áp dụng, đẩy nhanh tiến độ các dự án khác.

Đối với việc phát triển giao thông công cộng và kéo giảm xe cá nhân, ông Trần Quang Lâm cho biết, sở đang triển khai nhóm giải pháp bài bản và đồng bộ, như từng bước cho đấu thầu, thay thế các phương tiện công cộng hiện có bằng phương tiện xanh, sạch; tái cấu trúc luồng tuyến; hiện đại hóa khâu thẻ, vé để thu hút người dân đi xe buýt. Năm nay, sở sẽ cho đấu thầu ít nhất 7 tuyến xe buýt để đổi phương tiện mới và nâng cao chất lượng xe, tuyến. 

Cũng theo ông, phải phát triển nhanh hệ thống đường sắt trung chuyển nhanh, tàu điện ngầm (metro) có sức chở lớn mới giải quyết được tình trạng quá tải xe cộ ở TPHCM. Về việc giữ vệ sinh đường bộ, đường thủy, ngành giao thông cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thu gom, xử lý rác thải, dẹp các chợ tự phát, thí điểm vớt rác trên sông bằng phương tiện và thiết bị hiện đại.

Đừng để du khách “một đi không trở lại”

Đại biểu Lê Minh Đức (quận 4) nhận định, TPHCM có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm, du lịch đường sông nhưng chưa tận dụng được; du lịch phát triển chưa bền vững, nhiều du khách đến một lần rồi không quay lại do sản phẩm đơn điệu, không đa dạng, không hấp dẫn. Ông chất vấn: “Ngành du lịch có giải pháp gì để nâng chất lượng du lịch, để khách quay lại nhiều lần?”.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - muốn phát triển giao thông đường thủy, cần có cơ chế sử dụng hiệu quả quỹ đất ven và trên kênh rạch
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - muốn phát triển giao thông đường thủy, cần có cơ chế sử dụng hiệu quả quỹ đất ven và trên kênh rạch

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Nga (huyện Hóc Môn) nêu con số: du khách nước ngoài chi tiêu trung bình 3 triệu đồng/người/ngày, du khách nội địa chi tiêu 1,6 triệu đồng/người/ngày, nhưng nhiều khách chỉ lưu trú ở TPHCM 1 ngày, thậm chí nửa ngày. Do đó, Sở Du lịch cần có giải pháp để nâng mức chi tiêu, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến TPHCM.

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt (huyện Hóc Môn) cho rằng, du lịch và di sản có mối quan hệ mật thiết. Di sản góp phần thu hút khách du lịch, du lịch góp phần quảng bá di sản. Ông thắc mắc: “Ngành du lịch có kế hoạch gì để tạo chuỗi sản phẩm văn hóa có giá trị tiêu biểu, có kế hoạch gì để xây dựng lộ trình du lịch phủ kín các di sản tiêu biểu của TPHCM?”.

Các đại biểu cũng cho rằng, TPHCM có mạng lưới sông, kênh chằng chịt, kết nối với đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi nhưng giao thông thủy lại kém phát triển. Các huyện ngoại thành của TPHCM không thiếu những địa điểm tiềm năng để làm du lịch nhưng chưa được khai thác.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, từ khi đón khách trở lại sau các đợt dịch COVID-19, sở đã triển khai các chuỗi sự kiện mới để hút du khách, như chương trình TPHCM chào đón bạn, chương trình Mỗi quận huyện phát triển một sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc chưa làm được và chưa làm tốt. 

Theo bà, phát triển sản phẩm du lịch đường thủy là vấn đề được nhiều ngành quan tâm, trong đó có ngành du lịch. Nhưng để làm được, cần có cơ chế sử dụng hiệu quả quỹ đất ven và trên kênh rạch. Hiện ngành giao thông đang điều chỉnh quy định về quản lý hành lang kênh rạch, ngành tài nguyên môi trường đang tham mưu cơ chế để sử dụng hiệu quả quỹ đất ven sông, kêu gọi xã hội hóa đầu tư bến đón trả khách và các hạng mục bổ trợ.

Bà cho rằng, cũng cần nhiều thời gian để hình thành thói quen chọn đường thủy. Hiện nay, mỗi năm, chỉ có 300.000 lượt khách đi đường thủy, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Ngành du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nâng chất lượng hạ tầng giao thông đường thủy, đầu tư các điểm dừng chân, điểm đầu, điểm cuối của tuyến giao thông thủy, phát triển các loại hình thể thao, nghệ thuật trên bờ, dưới nước, để phục vụ du khách.

Bà Ánh Hoa cho hay, ngành du lịch cũng quan tâm, khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm để tăng mức chi tiêu của du khách, bởi trong chi tiêu của du khách, 70% là chi cho ban đêm. Trước mắt, các quận 1 và 3 đang tập trung thực hiện các đề án xây dựng tuyến phố đi bộ, khu thể thao, mua sắm, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Sở Du lịch sẽ phối hợp các địa phương phát huy hiệu quả mô hình tuyến đường đi bộ. Bên cạnh đó, sở cũng triển khai các giải pháp để tăng tính tương tác, tạo sức hút cho các địa điểm di tích, di sản. 

Bà cho rằng, việc Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày là cơ hội lớn để ngành du lịch thu hút khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Do đó, sở sẽ chủ động phát triển các sản phẩm du lịch dài ngày, các sản phẩm mang tính liên kết vùng. 

Phải cam kết hoàn thành tuyến metro 1 vào cuối năm nay

Đó là chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - đối với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải sau phiên chất vấn. Theo bà, sở cần khẩn trương tham mưu để sớm hoàn thành công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch chung, dự báo nhu cầu vận tải, nghiên cứu giải pháp phát triển giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Bà yêu cầu Sở Giao thông Vận tải giữ đúng cam kết với cử tri là hoàn thành tuyến metro số 1 trong quý IV/2023, đưa vào vận hành đầu năm 2024. UBND TPHCM cần chỉ đạo đẩy nhanh các phần việc còn lại, bổ sung vốn hoạt động cho công ty vận hành tuyến metro số 1 để tiếp nhận, vận hành dự án.

Cơ hội mới để phát triển kinh tế giao thông

Đại biểu Đặng Trần Trúc Dao (huyện Hóc Môn) đặt ra vấn đề về kinh tế giao thông trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo đại biểu này, với vai trò tham mưu, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cần quyết liệt tham mưu làm kinh tế giao thông đối với các dự án trọng điểm, như tuyến metro số 1, số 2, đường Vành Đai 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Nghị quyết 98 đã cho phép chính quyền TPHCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) nên ngành giao thông cần hiện thực hóa cơ hội này để tạo động lực phát triển hạ tầng.

Ông Trần Quang Lâm đánh giá, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông là rất lớn. Để đầu tư hạ tầng giao thông, nếu cứ ngồi chờ ngân sách như lâu nay thì rất chậm, thậm chí ngay cả khi đã áp dụng hình thức hợp tác công tư (PPP). Muốn có vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, bắt buộc phải làm kinh tế giao thông. Theo ông, UBND TPHCM đã thành lập tổ nghiên cứu TOD. Kinh tế giao thông được hiểu nôm na là tạo ra các nguồn thu từ giao thông để phát triển kinh tế, tạo nguồn thu từ khai thác quỹ đất để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông. Hiện nay, UBND thành phố đang triển khai nhiều dự án để tiến tới tạo quỹ đất hiệu quả. 

Ngành giao thông sử dụng nguồn thu như thế nào?

Trong phiên chất vấn, các đại biểu cũng nêu thắc mắc về việc sử dụng các nguồn thu phí đậu xe trên lòng đường, phí hạ tầng cảng biển thời gian qua. Theo ông Trần Quang Lâm, đến nay, việc thu phí đậu xe ở lòng đường đem lại doanh thu 15 tỉ đồng. Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM đang đề xuất phương án thu mới để có sự giám sát tốt hơn, không để thất thoát nguồn thu.

Đến nay, việc thu phí hạ tầng cảng biển đã mang lại doanh thu hơn 3.000 tỉ đồng. Số tiền này đã được nộp vào ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng kết nối cảng biển, như dự án nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, nút giao thông An Phú và sắp tới, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các trục đường kết nối với hạ tầng cảng biển của thành phố.

Chấn chỉnh các hoạt động văn hóa tự phát ở quận 1

Chất vấn Chủ tịch UBND quận 1, các đại biểu HĐND TPHCM nêu thực trạng mất trật tự ở một số nơi, tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, thiếu chỗ đậu xe. Theo đại biểu Phạm Đăng Khoa (quận 3), khu đường Bùi Viện có rất đông khách du lịch và người nước ngoài, có nguy cơ mất an ninh trật tự và có khả năng sử dụng chất kích thích. Quận 1 thiếu chỗ để xe, dẫn đến tình trạng đậu xe trên vỉa hè, lòng đường, tạo hình ảnh nhếch nhác, ảnh hưởng đến giao thông. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú nhận xét, phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi tập trung rất đông người, đặc biệt là giới trẻ, vào buổi tối, dịp cuối tuần. Ở đây, rất dễ phát sinh các hoạt động văn hóa tự phát, lệch chuẩn, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố, bởi nơi đây cũng tập trung lượng lớn khách du lịch. Ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND quận 1 - cho hay, để giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh ở khu trung tâm, vừa qua, UBND quận đã cho cải tạo 18 khu nhà vệ sinh công cộng, đầu tư 4 nhà vệ sinh mới và vận động 130 nhà hàng, quán ăn cho khách sử dụng nhà vệ sinh khi có nhu cầu. Ông khẳng định, sẽ có các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với an ninh, trật tự ở các điểm vui chơi như đường Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Vừa qua, lực lượng chức năng quận đã kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh cho khách sử dụng shisha hoặc dùng các hình thức phản cảm để thu hút du khách. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng đậu xe sai quy định. Sắp tới, UBND quận sẽ đề xuất cho đậu xe ở lòng đường, vỉa hè trên một số tuyến đường nhánh kết nối với đường Nguyễn Huệ.

Sẽ thông qua nhiều tờ trình, dự án quan trọng

Hôm nay (12/7), kỳ họp thứ mười HĐND TPHCM khóa X bước vào ngày cuối cùng. Dự kiến, HĐND TPHCM sẽ thông qua nhiều tờ trình, dự án quan trọng tạo động lực phát triển cho TPHCM. 

Trong đó, các đại biểu sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng cuối năm 2023, đồng thời xem xét chủ trương điều chỉnh quy mô và vốn cho dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; danh mục dự án thu hồi đất năm 2023 để phát triển kinh tế, xã hội; chủ trương đầu tư đối với dự án xây trường học, công viên cây xanh trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 3; chủ trương đổi tên xa lộ Hà Nội thành đường Võ Văn Kiệt; danh mục các khoản thu dịch vụ trong trường học công lập... 

Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp (10/7), 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Minh Linh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI