Dạy học bằng đòn roi trong trường phổ thông

13/11/2017 - 08:22

PNO - Biện pháp đó có thể khiến các em sợ nhưng không phục, và hoàn toàn không mang lại hiệu quả đích thực.

Dù ngành giáo dục bắt đầu "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" từ năm 2008, nhưng việc đối xử "mạnh tay" với học trò ở nhiều trường phổ thông vẫn còn phổ biến. Có trường vẫn dùng đòn roi như biện pháp để buộc học sinh phải chăm hơn, đạt thành tích trong thi cử. 

Day hoc bang don roi trong truong pho thong
Một lớp học tại một trường phổ thông dân lập

Đòn roi tàn phá tâm hồn, nhân cách

Trong luật Sa di của Phật học có câu: “Phương tiện thiện xảo từ bi lợi tế dã bất phạm”. Nghĩa là cái cách mình làm xuất phát từ động cơ trong sáng, yêu thương thì không thể coi là vi phạm được. Cho nên từ bao đời nay, trong các gia đình Việt Nam có đứa trẻ nào lớn lên mà không bị cha mẹ cho vài roi vào mông.

Cha ông ta chẳng đã tuyên ngôn rằng “thương cho roi cho vọt”. Và bước vào học đường, không ít học sinh (HS) cũng được thầy cô “điêu khắc” cho những đường cong hình học lên mông. Ấy vậy mà chẳng có đứa trẻ nào lớn lên oán trách thầy cô, hận thù cha mẹ.

Ngược lại, đòn roi ở khía cạnh nào đó còn là những kỷ niệm thân thương của một thời thơ dại. Vài roi thì đủ đau. Nhưng nếu cứ roi vọt ngày này qua tháng nọ thì không còn là “kỷ niệm thân thương” mà trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn, góp phần xô lệch nhân cách học trò trong thực tại và cả hành trình về tương lai phía trước.

Trong quá trình dạy học ở trường dân lập/tư thục, tôi từng đánh học trò vài lần. Nhưng trước khi bị “ăn đòn”, các em phải đọc hai câu mà tôi đã trao đổi chung với lớp trước đó:

- Mẹ cha lao động chân chính, vất vả để có tiền nuôi ta đi học. Nếu ta trốn giờ, lười học thì cha mẹ đau lòng. Đó là bất hiếu. 

- Hôm nay chúng ta có hòa bình, đó là cơ hội lớn nhất trong mọi cơ hội để chúng ta học tập. Cơ hội này, phải đánh đổi bằng xương máu của hàng vạn liệt sĩ. Nếu chúng ta không trau dồi để hoàn thiện bản thân thì chúng ta là kẻ vô ơn. 

Một lần, tôi lỡ tay đánh một nữ sinh lớp Mười vào bắp chân. Hôm sau, khi em lên bảng làm bài, tôi vô tình thấy bắp chân em còn hằn vết bầm. “Nếu con gái bé bỏng của mình đi học cũng bị đánh đau như vậy…” - suy nghĩ ấy khiến tôi mất ngủ mấy đêm liền. Đến lần vào lớp sau đó, tôi gọi em lên tặng một cuốn sách rồi xin lỗi em và xin lỗi cả lớp.

Kể từ đó, tôi không bao giờ đánh học trò nữa. Nhưng phải suy nghĩ để tìm giải pháp thân thiện, cảm thông và hết lòng giải đáp bài vở. Tôi khuyến khích các em hỏi bài và hỏi thật nhiều. 

Trong các trường dân lập/tư thục mỗi lớp đều có quản nhiệm. Quản nhiệm không có nhiệm vụ đứng lớp giảng bài và thường thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, nhưng “uy quyền” thì hơn cả giáo viên với gương mặt lạnh lùng và trên tay lúc nào cũng sẵn cây gậy. HS dân lập phần lớn xa nhà và học lực chỉ ở mức trung bình và yếu nên “phép đòn roi” như là chỉ đạo ngầm của chủ đầu tư để nhanh chóng thiết lập nền nếp.

Không phủ nhận, khi HS xa nhà, thiếu vắng tình thương cha mẹ, thì thầy cô quản nhiệm là người gần gũi chăm sóc, điều chỉnh cho các em nhiều nhất trong hành vi ứng xử và học tập. Không thiếu những thầy cô quản nhiệm được HS tin yêu gọi bằng “mẹ”, bằng “bố”. Nhưng chứng kiến cảnh học trò, cả nam lẫn nữ, xếp hàng chờ đến lượt mình chịu đòn, thì bất kỳ ai cũng phải nhói đau.

Day hoc bang don roi trong truong pho thong
 

Biện pháp đó có thể khiến các em sợ nhưng không phục, và hoàn toàn không mang lại hiệu quả đích thực. Điều tối quan trọng trong giáo dục là thầy cô giáo, cả những thầy cô làm công tác quản lý HS, là phải gieo được niềm cảm hứng tích cực, để giúp các em tìm thấy niềm vui trong học tập và ý thức tu dưỡng bản thân. 

Quyền con người chưa được bảo đảm

Không phải ngẫu nhiên khi ra đường ta gặp những đứa trẻ với gương mặt luôn câng câng; hành vi thì hung hăng, manh động và lời xin lỗi, nụ cười khoan dung trong giao tiếp thiếu vắng dần. Ngay cả nhiều người lớn cũng thường hằn học với cuộc sống xung quanh; thích phóng đại, khoe khoang nhưng lại dửng dưng, vô cảm trước những hoàn cảnh cần phải thể hiện xúc cảm.

Không khó để các nhà xã hội học và giáo dục học giải mã hiện tượng đáng buồn này, vì ở ngay trong học đường quyền con người của các em HS chưa thật sự được bảo đảm, khiến các em (của hiện tại và sau này lớn lên) hoài nghi tất cả. Hệ lụy cho xã hội thật là ghê gớm.

Trên thực tế, ở một góc độ nhất định nào đó, quyền con người đã được xác lập qua những bài giáo dục công dân. Nhưng ở nhiều trường phổ thông, điều này chỉ là lý thuyết suông khi thực tế HS bị rẻ rúng về nhân phẩm. Nhẹ thì các em bị cho là “dở tệ, dốt, ngu, quậy phá”. Nặng thì lấy đòn roi làm phương tiện để đạt được mục đích. Khi sự dối trá bao trùm qua từng con điểm cao ngất, hoàn toàn không tương xứng với năng lực học tập, thì nhân phẩm trở thành thứ xa xỉ! 

Học trò tuổi THCS bước sang THPT là khoảng thời gian “nổi loạn” để từ giã tuổi thơ và hình thành dần nhân cách, cho nên việc làm gương và hướng dẫn xây dựng nhân cách cho HS cần phải được xem trọng hơn cả việc dạy kiến thức. “Tiên học lễ, hậu học văn” là vậy. Ngoài môi trường học đường, nhà trường cần thuyết phục để có sự kết hợp với phụ huynh thực hiện những buổi học tập ngoại khóa tích cực, nhằm điều chỉnh nhận thức đúng đắn cho HS.

Thế giới phẳng là “phẳng” về công nghệ, không thể phẳng về phương diện tinh thần. Cho nên giáo dục để hội nhập, là kết hợp những tinh hoa nhân loại, nhưng vẫn không thể tách rời yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc. Và quyền con người ở đối tượng học trò nhất định phải được xác lập rõ ràng, nhất là đối tượng trong hệ thống trường phổ thông. 

Nguyễn Đức Hùng (Giáo viên dạy văn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI