Mẹ của những đứa con 'đặc biệt'

10/11/2017 - 08:41

PNO - Cơ thể các em khiếm khuyết, nhưng tâm hồn thì không. Có lúc cô giáo ốm, những đứa trẻ xúm lại như bầy chim non. Không có tiếng nói nào, chỉ là những ánh mắt lo lắng...

“Với những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, cơ thể các em bị khiếm khuyết, nhưng tâm hồn thì không. Có lúc cô giáo ốm, những đứa trẻ xúm lại như bầy chim non. Không có tiếng nói nào, chỉ là những ánh mắt lo lắng, những bàn tay nhỏ xíu nắm lấy bàn tay cô giáo, xoa xoa, nắn nắn...”. Nếu lòng cảm thông và sự chia sẻ dẫn các cô đến với nghề nuôi dạy trẻ chuyên biệt thì tình yêu thương đã giữ các cô gắn bó với nghề. 

Me cua nhung dua con 'dac biet'
Cô Quỳnh Uyên kiên trì với cậu học sinh chậm phát triển

Tập nói tuổi lên 7

“Chào mẹ đi con” - cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nhắc nhở Bảo Duy, 6 tuổi, ngay cửa lớp. Nhờ có máy trợ thính gắn ở tai, cậu bé dường như nghe và hiểu được cô giáo muốn gì nhưng không biết phải nói thế nào, nên cứ nhìn cô, rồi nhìn mẹ.

Đặt đôi bàn tay lên đôi vai bé nhỏ của học trò, cô Nguyệt cúi xuống nói từng tiếng: “Con… chào… mẹ… ạ…!”. Cậu bé ngọng nghịu lặp lại một cách khó khăn. Chị Trâm Anh, 36 tuổi, mẹ của cậu bé cười nhìn con trai và dặn con phải nghe lời cô giáo.

Chị Trâm Anh nán lại nơi hành lang để nhìn theo con mình bước vào lớp. Bảo Duy bị khiếm thính bẩm sinh. Sáng nào bé cũng được đèo từ xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) xuống trường Chuyên biệt Bình Tân (161A Hồ Văn Long, P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, TP.HCM) để học. Bé đã theo học được sáu tháng, có nhiều tiến bộ, nói được nhiều hơn và mạnh dạn hơn so với ban đầu.

Tôi bước vào lớp của cô Ánh Nguyệt - lớp Lá khiếm thính, có 9 đứa trẻ, tuổi không bằng nhau. Cả 9 đứa trẻ đồng loạt đứng dậy, xòe bàn tay ngang má chào tôi. Mọi giao tiếp giữa các em với nhau đều thực hiện thông qua cử động của đôi tay và ánh mắt.

“Đa số các em trong lớp đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm công nhân, nên việc mua một chiếc máy trợ thính phù hợp là quá sức với họ. Dù bị điếc sâu nhưng được can thiệp sớm các em sẽ nghe được. Nhưng nếu bất chợt tiếp nhận âm thanh thì trẻ sẽ không hiểu gì”, chia sẻ của cô Nguyệt giúp tôi phần nào hiểu được lý do khiến những đứa trẻ lên bảy, lên tám mới bắt đầu bập bẹ tập nói.

Cách lớp Lá một khoảng cầu thang là lớp Ba do cô Nguyễn Quỳnh Uyên phụ trách. Đây là lớp học trình độ cao nhất của trường. “Đảo, nhìn cô nè! Đảo chỉ cho cô cái nào là màu vàng. Đảo lấy ra cho cô hai viên màu vàng đi con! Đảo, nhìn cô, đừng sợ!”- cô Uyên nhỏ nhẹ và kiên nhẫn, trong khi đứa trẻ trên ghế quay mặt nhìn chăm chăm vào khoảng không vô định. Cô Uyên bèn kéo ghế “mặt đối mặt”. “Đảo, nói cho cô nghe có mấy viên gỗ?”. “Hai” - đứa trẻ tỏ vẻ bực dọc, trong khi trên bàn có đến ba viên gỗ sơn màu xanh, đỏ. “Đảo lấy ra cho cô một viên đi” - cô Uyên kiên nhẫn. Mọi sự tập trung dồn vào bàn tay chậm chạp của đứa bé. Em đặt viên gỗ thứ ba lên bàn rồi quay mặt đi chỗ khác.

Cứ mỗi câu trả lời như thế, cô giáo lại thêm một thông tin về năng lực trí tuệ của trẻ. Mẹ Đảo nhìn con rồi nhìn cô Uyên với ánh mắt ân hận của một người đang mang đến sự phiền phức cho người khác. 30 phút trôi qua, cô Uyên cho biết phần kiểm tra đã xong và đề nghị gia đình đưa Đảo về, đợi thông tin từ phía nhà trường. Còn cô quay trở lại với bảy học sinh (HS) đang đợi mình để bắt đầu buổi lên lớp đánh giá chất lượng dạy học cho nhiều thầy cô khác dự giờ.

Lật quyển sách Tiếng Việt lớp 3, cô Uyên hướng dẫn HS đọc và giải nghĩa từ khó thông qua trò chơi đoán chữ. Cô chia lớp học thành hai nhóm, mỗi nhóm được phát một cái chuông để dành quyền trả lời. Đến dòng chữ thứ hai thì đội bạn lắc chuông, Anh Thư bật khóc nức nở. Bối rối với tình huống bất ngờ, cô Uyên tiến lại chỗ Thư, tươi cười: “Cô Uyên thấy con lắc chuông, nghĩa là con đã cố gắng nhiều rồi. Đừng lo, giờ chỉ cần cố gắng chút xíu nữa là nhanh như các bạn rồi”. Dù được cô giáo động viên, nhưng phải vài phút sau cô bé mới quẹt nước mắt. Lớp học tiếp tục sau 7 phút ngắt quãng…

Những người mẹ "đặc biệt"

Ở lớp, cô Quỳnh Uyên có một cô “con gái”. Chẳng là bảy HS lớp cô Uyên đều là những đứa trẻ bị rối loạn chức năng ngôn ngữ, chậm phát triển, trong đó Anh Thư bị mồ côi mẹ từ nhỏ.

Cha Anh Thư bận bịu chuyện mưu sinh và gặp khó khăn khi phải dạy con những chuyện “con gái” nên cô Uyên phải kiêm luôn vai trò làm mẹ, dạy em những điều “khó nói”.

Còn trong số ít học trò của cô Ánh Nguyệt có em Huy (8 tuổi) quậy phá đến mức khiến người mẹ đơn thân không thể chịu nổi. Hiểu áp lực của người phụ nữ khốn khó, không chồng nuôi con, lại là một đứa con khuyết tật, sau nhiều ngày suy nghĩ, cô Nguyệt quyết định nhận trách nhiệm làm mẹ của đứa trẻ khuyết tật này.

Các cô gần như nắm được hết tính cách của từng đứa trẻ. Với những trẻ bước vào tuổi dậy thì thì các cô phải theo sát từng đứa, kể cả giờ nghỉ trưa. “Các em đã chịu quá nhiều thiệt thòi nên rất cần được quan tâm chăm sóc. Nhưng không nhất thiết được bảo bọc quá kỹ, để sau này dễ hòa nhập với cuộc sống” - cô Uyên nói.

Bắt đầu hoạt động năm 2015 với điều kiện còn nhiều hạn chế, nhà trường chưa thực hiện được nhiều điều mong muốn đối với các em, nhưng các lớp học hiện gần giống với những ngôi nhà thu nhỏ và các em được học và làm tất cả những điều mà những đứa trẻ bình thường làm được.

Những buổi đến lớp, cô Uyên thường mang theo rau củ quả để sau giờ học, cô trò cùng chế biến món ăn cho mình. “Khó khăn là phụ huynh không cùng mình làm điều đó, bởi họ không đủ kiên nhẫn để hướng dẫn con. Tâm lý sợ đổ vỡ, sợ đứt tay, khiến họ thà để những đứa trẻ không làm gì còn hơn”, cô Uyên nói.

Sau bữa cơm trưa với HS lớp Ba, chúng tôi quay lại lớp Lá để ngủ trưa cùng các em. Nhật Tân - một HS của lớp, lấy khăn giấy gói những hạt cơm rơi vãi rồi dùng khăn ướt lau hết dãy bàn trước sự cổ vũ của cô giáo. Cô Nguyệt nói: “Hôm nay là ngày trực nhật của Nhật Tân. Các em có thể tự làm vệ sinh cá nhân cũng như giữ vệ sinh chung lớp học. Đó là cách nhà trường dạy các em tự lập”.

Học trò yên giấc. Cô Nguyệt kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian ba năm dạy ở trường với bao lần bị học trò hành hung, nhất là những vết cắn in hằn trên đôi cánh tay.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận, cô Nguyệt chọn ngành giáo dục mầm non, sau đó chuyển sang ngành giáo dục đặc biệt theo gợi ý của người thân, nhưng không hiểu lắm về ngành học này. Chỉ đến lần kiến tập đầu tiên, một cô bé bệnh Down chạy tới ôm chặt khi cô rời lớp học bước xuống cầu thang thì cô mới hiểu thế nào là “giáo dục đặc biệt”, cũng như mường tượng rõ công việc tương lai.

“Cơ thể các em khiếm khuyết, nhưng tâm hồn thì không. Có lúc cô giáo ốm, những đứa trẻ xúm lại như bầy chim non. Không có tiếng nói nào, chỉ là những ánh mắt lo lắng, những bàn tay nhỏ xíu nắm lấy bàn tay cô giáo, xoa xoa, nắn nắn... Từ lúc đó, tôi không nghĩ rằng mình sẽ chọn một công việc nào khác”, cô Nguyệt nói.

Nếu dạy học không phải là công việc dễ dàng thì dạy trẻ khiếm khuyết lại càng khó khăn hơn. Không chỉ có cô Quỳnh Uyên, cô Ánh Nguyệt mà 30 thầy cô giáo khác của Trường Chuyên biệt Bình Tân cùng bao thầy cô gắn bó nghề giáo dục đặc biệt hằng ngày vẫn đang phải đối mặt và vượt qua gian nan để tìm cho mình niềm hạnh phúc. 

Trường Chuyên biệt Bình Tân (161A Hồ Văn Long, P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, TP.HCM) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động năm 2015. Hiện nay, với cơ sở vật chất gồm 20 phòng học và 11 phòng chức năng, trường đang dạy 206 HS chia thành 19 lớp, từ lớp mầm đến lớp 3 với 32 giáo viên trực tiếp đứng lớp.  Có đến 20 em được dạy đặc biệt theo diện “một kèm một”. Ngoài các bộ môn toán, tiếng Việt, khoa học, vẽ… theo chương trình thí điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo dành cho đối tượng chuyên biệt, HS còn được học thêm các tiết học về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự bảo vệ… để có thể tự lập và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI