Đau buốt thái dương kéo dài, coi chừng mù mắt

24/12/2016 - 11:06

PNO - Nhức một bên đầu, đau buốt thái dương kéo dài có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm. Đa số bệnh nhân nhầm tưởng mình nhức đầu do cảm cúm, đến khi đau dữ dội, thị lực suy giảm thì bệnh đã trở nặng.

Nhức một bên đầu, đau buốt thái dương kéo dài có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm dẫn tới mù mắt. Đa số bệnh nhân (BN) nhầm tưởng mình nhức đầu do cảm cúm, đến khi đau dữ dội, thị lực suy giảm thì bệnh đã trở nặng.

BS Vũ Tuấn Sơn, khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp khá đặc biệt. T.T.Đ., 51 tuổi, ngụ Bến Tre được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng đầu đau dữ dội, nhức buốt thái dương, thị lực chỉ nhìn thấy trong vòng một mét. BN kể, khi thấy đau đầu, buốt thái dương, tưởng bị cảm nên bà mua thuốc cảm cúm uống. Bệnh giảm nhưng sau đó, cơn đau đầu của bà cứ hai tuần quay lại một lần.

Bác sĩ Sơn tiến hành kiểm tra, ghi nhận mắt BN đỏ, đồng tử dãn, nhãn áp tăng cao, có bệnh sử viễn thị, xác định bà Đ. bị glôcôm cấp (cườm nước). Bà Đ. được phẫu thuật để hạ nhãn áp. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cho biết, BN nhập viện quá trễ nên các can thiệp chủ yếu giúp bệnh không nặng thêm và theo dõi bảo toàn mắt còn lại. Thị lực mắt phải của BN gần như mất hẳn.

Dau buot thai duong keo dai, coi chung mu mat
Đau buốt thái dương có thể ảnh hưởng tới thị lực - ẢNH MINH HỌA

Mỗi tuần, khoa Mắt của Bệnh viện Chợ Rẫy gặp khoảng 10 trường hợp bị tổn thương thị lực do bệnh glôcôm. Bệnh này có nguy cơ xảy ra ở những người viễn thị, độ tuổi từ 35, có bệnh sử rối loạn thần kinh thực vật. Triệu chứng của bệnh: nhìn thấy quầng xanh đỏ, mỗi khi stress hoặc rối loạn cảm xúc, con ngươi dãn ra làm đau nhức hốc mắt, nhức đầu, giác mạc bị phù, nhãn áp tăng cao.

Phương pháp chủ yếu là hạ nhãn áp, điều trị dự phòng cho mắt còn lại và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, thị lực BN một khi đã tổn thương thì không phục hồi được. Khoảng 10% các BN viễn thị tiến triển thành bệnh glôcôm. Những người bị viễn thị hay mỏi mắt, đặc biệt từ 35 tuổi trở lên phải đi khám mắt định kỳ để tầm soát bệnh.

Nhức đầu, đau buốt thái dương cũng là dấu hiệu khởi phát của chứng viêm động mạch tế bào khổng lồ. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều nơi trên cơ thể nhưng thường gặp nhất ở động mạch thái dương. Khi sinh thiết động mạch thái dương, bác sĩ sẽ phát hiện có các tế bào khổng lồ bất thường bị hoại tử.

Nếu không được điều trị kịp thời, BN sẽ bị mù mắt do bệnh gây biến chứng làm tắc động mạch trung tâm võng mạc. Những động mạch khác của não cũng có thể bị tác động và hình thành huyết khối, gây liệt các dây thần kinh vận nhãn, làm suy giảm chức năng thần kinh, rối loạn tâm thần...

Bác sĩ Sơn cho biết, viêm động mạch tế bào khổng lồ ở thái dương thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trung niên. BN thấy đau vùng thái dương buốt lên trên đầu, nhiều khi đưa tay sờ thái dương cảm giác được động mạch nổi lên ngoằn ngoèo xơ cứng. Cơn đau tăng lên lúc vuốt tóc, gội đầu, hay có bất cứ tác động nào từ bên ngoài tới vùng thái dương và chân tóc. Bệnh này có thể kèm theo viêm động mạch mắt, mặt làm hàm khó chịu, nhai đau, sốt nhẹ. Tới nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị hiệu quả là dùng thuốc kháng viêm, corticoid liều cao.

Bác sĩ Sơn cảnh báo, không phải cứ đau nhức đầu là bị cảm cúm. Uống thuốc cảm cúm có thể tạm thời thoát cơn đau vì trong thuốc có chất giảm đau, hạ sốt. Nếu đau đầu kéo dài, cường độ đau nhức gia tăng, kèm theo mỏi mắt, phải nghĩ tới nguyên nhân khác và khẩn trương đến bệnh viện.

Những người bị dị tật khúc xạ, đặc biệt là viễn thị, cần khám mắt tầm soát định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Các bệnh gây ảnh hưởng tới mắt tốt nhất nên điều trị dự phòng và phát hiện sớm, một khi thị lực bị ảnh hưởng sẽ rất khó phục hồi.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI