Đất nước vào xuân

16/01/2023 - 06:29

PNO - Năm Nhâm Dần đã dần đi đến những ngày cuối cùng. Ngoài kia, sắc xuân đã bừng lên trên từng con phố và lòng người cũng nôn nao chờ đón năm mới Quý Mão.

Trải dài từ Nam ra Bắc từ chính quyền địa phương đến người dân đều đang tất bật chuẩn bị cho một cái tết sum vầy, đầm ấm cùng ước nguyện năm mới an lành…

Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (*)

Kể từ thời điểm đưa ông táo về trời, hương vị tết cổ truyền đã bao trùm từ sáng sớm cho đến màn đêm bất tận. Dù năm cũ bao giờ cũng kết thúc trong hối hả, người dân TPHCM vẫn một nếp cần mẫn, vừa hoàn tất các lo toan, vừa chuẩn bị đón chào năm mới bằng niềm vui giao hòa. Phong vị tết nổi bật của TPHCM  luôn bắt đầu bởi các chợ hoa.
Đã thấy các chỗ trống trên vỉa hè, lề đường bày muôn sắc mai, đào, cúc, vạn thọ, mào gà… Đến con trẻ cũng biết thành phố xuân về.

TPHCM đã sẵn sàng chào đón một mùa xuân an vui, thịnh vượng
TPHCM đã sẵn sàng chào đón một mùa xuân an vui, thịnh vượng

Từ truyền thống trăm năm khởi thủy là chợ hoa, có lẽ đường hoa Nguyễn Huệ luôn là “hạng mục” được người dân thành phố quan tâm nhất. Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành gần 90% các công đoạn, sẵn sàng cho ngày khai mạc 19/1 (28 tết). Đây không chỉ là điểm nhấn văn hóa độc đáo mà chứa đựng nhiều thông điệp của thành phố thông qua các biểu tượng, ý đồ thiết kế. Năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ mang chủ đề TPHCM - xuân an vui, xuân thịnh vượng được đầu tư công phu nhằm ghi dấu mốc 20 năm công trình đã trở thành biểu tượng mới của thành phố mỗi dịp tết đến. 

Hoa kèm tiếng trống lân đang trải dài trên các tuyến đường từ trung tâm TPHCM về Gò Vấp, qua đến Chợ Lớn. Chợ hoa trên sông hay chợ hoa bến Bình Đông bao đời nay vẫn chuyên chở hương sắc đất trời từ đồng bằng sông Cửu Long về cho thành phố này. UBND TPHCM sẽ khai mạc chương trình chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền tết Quý Mão 2023 vào 19g ngày 16/1 (25 tháng Chạp) tại đường Nguyễn Văn Của, phường 13, quận 8. Chương trình gồm các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, đờn ca tài tử trên ghe bầu dọc tuyến kênh Tàu Hủ; trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của một số tỉnh, thành; hoạt động trải nghiệm gói và nấu bánh tét; tổ chức các gian hàng ẩm thực phục vụ người dân và du khách đến tham quan…

Mùa xuân đã đậu bên khung cửa từng căn nhà nhỏ. Từ lâu, tết đã hóa thành mùa vươn tay đến cộng đồng của người dân thành phố. Các cá nhân, hội nhóm, đoàn thể, chính quyền các cấp… tổ chức phiên chợ tết “0 đồng”, nồi bánh chưng, bánh tét nghĩa tình, hội chợ xuân, chuyến quà miễn phí… dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Từ ngày 12/1, UBND TPHCM đã có kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội và công tác trợ giúp xã hội dịp tết Nguyên đán trên địa bàn nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần nhân dân. Chính quyền thành phố bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón tết. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động nhằm tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ tết và trở lại làm việc sau tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau tết Nguyên đán và chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cai nghiện tổ chức cho nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên đón tết an toàn, đầy đủ…

Tết cũng đã đến với các kỹ sư, công nhân đang tất bật trên công trường tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, toàn bộ 11 nhà ga trên cao đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục cuối cùng như lắp dựng thang máy, phòng vé, lan can kính, trang thiết bị cơ điện… Dự kiến tháng 3/2023, toàn bộ hạng mục liên quan đến kiến trúc của các nhà ga sẽ được hoàn thành cũng như hoàn thiện kiến trúc của depot Long Bình (TP Thủ Đức). Các kỹ sư, công nhân sẽ được nghỉ tết từ 28 tháng Chạp (19/1) và hội quân vào mùng Sáu tết (27/1) để thành phố kịp khai xuân bằng công trình ngang tầm vóc của đô thị trên 10 
triệu dân.

Thắm tình đất Bắc

Các phiên chợ nhân ái, chợ tết “0 đồng” đã và đang được tổ chức tại Hà Nội và nhiều địa phương để người yếu thế, lao động thu nhập thấp vơi bớt khó khăn trong dịp tết cổ truyền. Ngoài những phần quà trao tặng tận tay các gia đình khó khăn ở Hà Nội; hơn 1.000 người yếu thế của các quận, huyện Đống Đa, Thường Tín, Phú Xuyên… còn được tham gia mua sắm nhu yếu phẩm trong các phiên chợ nhân ái, chợ tết “0 đồng”. 

Gia cảnh bà Phan Thị Lợi (70 tuổi, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đặc biệt khó khăn. 3 mẹ con, bà cháu sống trong ngôi nhà chỉ độ 10m2. Bà Lợi già yếu, con gái mắc bệnh tâm thần, thường xuyên đi lang thang. 9 năm nay, 2 bà cháu sống nhờ sự đùm bọc của xóm giềng. Phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng đã giúp gia đình bà Lợi có một cái tết không thiếu bánh chưng, gạo, thịt… Cầm chiếc áo ấm mới tinh vừa được trao tặng trên tay, bà Lợi rươm rướm nước mắt: “Lâu lắm rồi tôi mới được đi chợ - sắm một cái tết đủ đầy như thế này”.

“Phiên chợ tết 0 đồng” do các thế hệ cựu học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình tổ chức - Ảnh: Uông Ngọc
“Phiên chợ tết 0 đồng” do các thế hệ cựu học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình tổ chức - Ảnh: Uông Ngọc

Ở tỉnh Thái Bình, chợ tết “0 đồng” được tổ chức tại Trường THPT chuyên Thái Bình. Phiên chợ là sự chung tay từ các doanh nghiệp, đặc biệt từ cựu học sinh các thế hệ của trường. Đại diện cựu học sinh các khóa đã về từng huyện, đến từng xã tặng 800 thẻ mua hàng cho các gia đình khó khăn. Mỗi thẻ được mua 10 gói hàng, giá trị tùy vào khả năng huy động đóng góp của từng khóa. Đại diện ban tổ chức chia sẻ: “Tết với những đứa trẻ là niềm hân hoan khi được mặc quần áo mới, với người lớn tuổi là sự sum vầy, với các gia đình trẻ là sự nghỉ ngơi và chào đón một năm mới. Nhưng với những lao động nghèo, người vô gia cư hay những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì tết là bao nỗi lo, tính toan, cân nhắc giữa những thứ cần thiết và cần thiết hơn”.

Ban tổ chức chọn mở phiên chợ tết thay vì mang quà đến tặng các gia đình, bởi họ muốn mang đến cho những hoàn cảnh khó khăn không chỉ vật chất mà còn là niềm vui, sự lạc quan, háo hức được đi chợ tết, được thoải mái sắm tết, được tự tay lựa chọn những món hàng phù hợp với nhu cầu.

Đồng bằng sông Cửu Long nô nức vui xuân

Ông Trương Công Quốc Việt - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ - cho biết: “Vườn hoa xuân Quý Mão 2023 sẽ mở cửa từ ngày 18/1 (27 tháng Chạp). Đây là năm thứ hai TP Cần Thơ thực hiện Vườn hoa xuân thay thế công trình đường hoa xuân như những năm trước. Vườn hoa tại công viên Sông Hậu (cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều), hoạt động đến mùng Năm tết, kinh phí từ nguồn vận động xã hội hóa”. 

Vườn hoa xuân Cần Thơ với những chú mèo vui nhộn
Vườn hoa xuân Cần Thơ với những chú mèo vui nhộn

Vườn hoa xuân ở Cần Thơ gồm 3 cụm chủ đề: Rực rỡ vườn hoa ngày tết mang ý nghĩa dù nhiều khó khăn, TP Cần Thơ vẫn vươn mình vượt qua, lan tỏa sức sống mãnh liệt. Hình tượng mèo vui tươi bên lộc vàng chở theo hy vọng một mùa xuân sung túc. Cụm Ký ức nét xuân quê hương gồm khu vườn mai, mâm ngũ quả bên linh vật. Mèo trong trang phục dân gian vui xuân tạo không khí vui tươi. Cụm Phát triển vươn xa đầy đủ với điểm nhấn là chợ nổi Cái Răng - nét văn hóa đặc trưng thu hút du lịch, quảng bá hình ảnh các nơi có điều kiện phát triển du lịch tại TP Cần Thơ…

Bên cạnh vườn hoa xuân, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao lúc 0g ngày 22/1 (thời khắc giao thừa), tại khuôn viên nhà hàng Hoa Sứ (quận Ninh Kiều); đồng thời bắn pháo hoa tầm thấp lúc 22g ngày 21/1 tại quảng trường huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, 
Vĩnh Thạnh…

Ngoài chương trình nghệ thuật tổng hợp Kiên Giang mừng xuân mới, UBND tỉnh Kiên Giang còn tổ chức bắn pháo hoa tại 4 điểm là TP Rạch Giá, TP Phú Quốc, TP Hà Tiên và huyện Vĩnh Thuận. Tại lễ hội đón giao thừa và bắn pháo hoa tại TP Rạch Giá còn có chương trình nghệ thuật tổng hợp và thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội, những dấu ấn nổi bật của tỉnh Kiên Giang, những kỳ vọng trong năm mới 2023. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các ngành chức năng ở TP Phú Quốc chuẩn bị chu đáo các chương trình vui xuân, điểm tham quan, du lịch… nhằm phục vụ tốt cho du khách trong nước và quốc tế. Bởi đảo ngọc Phú Quốc luôn thu hút rất đông du khách đến vui chơi vào dịp tết 
hằng năm.

TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) năm nay kỷ niệm 10 năm thành lập. Bà Võ Thị Bình - Phó chủ tịch UBND TP Sa Đéc - cho hay, trong lễ hội hoa xuân Quý Mão 2023 sẽ có 14 chuỗi hoạt động hấp dẫn như: lễ tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng, lễ tri ân và tôn vinh làng nghề sản xuất bột Sa Đéc, giới thiệu và trưng bày 102 món ăn và các loại bánh dân gian, diễu hành đường phố, hội thi hoa hồng đẹp và bonsai mai vàng, hội chợ triển lãm và thương mại dịch vụ, ẩm thực đường phố, hội thi trang trí cụm tiểu cảnh check-in du lịch, hội thi nhiếp ảnh nghệ thuật và chụp ảnh đẹp bằng điện thoại di động chủ đề Sa Đéc vào xuân, thi sáng tác các ca khúc kỷ niệm 10 năm thành lập TP Sa Đéc, liên hoan các nhóm nhảy đường phố năm 2023, hội thi tiếng hát hay TP Sa Đéc mở rộng năm 2023, giao lưu và khiêu vũ dưỡng sinh TP Sa Đéc mở rộng năm 2023… Chương trình văn nghệ đặc biệt đón chào năm mới sẽ diễn ra lúc 19g ngày 21/1 (đêm giao thừa) tại quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Hương sắc miền Trung

 

Yếu tố văn hóa dân tộc là điểm nhấn tại các lễ hội mừng xuân
Yếu tố văn hóa dân tộc là điểm nhấn tại các lễ hội mừng xuân

Tại Thừa Thiên - Huế, từ ngày 16/1 (25 tháng Chạp) Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ tổ chức lễ Dâng tiến hương xuân tại trục đường Lê Huân - 23 tháng Tám, Thế Miếu. Ngày 21/1 (30 tháng Chạp) trung tâm này sẽ tổ chức chương trình văn nghệ đón giao thừa, bắn pháo hoa tầm thấp tại Ngọ Môn - Kỳ Đài lúc 21g30; chương trình nghệ thuật Xuân quê hương, bắn pháo hoa tầm cao tại Kỳ Đài lúc 22g30.

Trong các ngày 22 - 24/1, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ tổ chức các chương trình phục vụ người dân vui tết tại khu vực Đại Nội; UBND TP Huế  tổ chức hội hoa xuân, chương trình tết Việt; các hoạt động vui xuân như lễ hội đu tiên Phước Yên từ mùng Một - Bốn tết; lễ hội vật truyền thống làng Thủ Lễ, Làng Sinh mùng Sáu và 10 tháng Giêng; lễ hội đu tiên Gia Viên mùng Bốn tết (xã Phong Hiền)…

Đà Nẵng sẽ bắn pháo hoa đón năm mới lúc 0g ngày 22/1 tại cầu Nguyễn Văn Trỗi, khu vực trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và khu vực Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Thành phố cũng đầu tư hơn 14 tỉ đồng để trang trí hoa, tiểu cảnh tại 9 điểm và điện chiếu sáng tại 4 điểm, chủ yếu tập trung trang trí tại vỉa hè tuyến đường Bạch Đằng để người dân tham quan, vui chơi. 

(*) Tựa đề ca khúc của nhạc sĩ Xuân Hồng

Nhóm phóng viên

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI