Đào tạo tài năng nghệ thuật - khó vẫn hoàn khó

28/09/2019 - 13:30

PNO - Quyết định ban hành tháng 4/2019, nhưng đến nay, nhiều chỉ tiêu trong quyết định vẫn chỉ là kế hoạch.

Quyết định số 1558/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của TP.HCM năm 2019 đã ban hành ngày 23/4/2019, nhưng đến nay đã là cuối tháng 9/2019, hầu hết các kế hoạch đào tạo cả trong nước lẫn nước ngoài đều chưa được triển khai. 

Chủ trương đã có…

Đào tạo nhân lực, nhân tài ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (VHNT) đã được cụ thể hóa bằng các quyết định: Quyết định 6252/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND thành phố về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Quyết định 4162/QĐ-UBND ngày 4/8/2017 của UBND thành phố về kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực VHNT - thể dục, thể thao TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Và mới đây nhất là Quyết định 1558/QĐ-UBND. 

Dao tao tai nang nghe thuat - kho van hoan kho
Tự tập tiết mục biểu diễn, diễn viên Nhã Hiếu (trái) từng bị ngã và nằm bất động trên sân khấu khoảng 30 phút

Theo Quyết định 1558/QĐ-UBND, việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng ở lĩnh vực VHNT được chú trọng đều khắp các loại hình nghệ thuật và vị trí chuyên môn. Từ mở các lớp truyền nghề tại chỗ cho các loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội, múa rối; đến gửi đi đào tạo ở các trường nghệ thuật trong và ngoài nước, trang bị kỹ năng ngoại ngữ cho các đối tượng nằm trong diện được cử đi đào tạo ở nước ngoài. 

Quyết định đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng từ các trường chuyên ngành, lớp năng khiếu của nhạc viện, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi đối với các bộ môn nghệ thuật có tính hàn lâm, kỹ năng, kỹ xảo cao như nhạc giao hưởng, opera, múa ba-lê, xiếc...

Việc mở rộng đào tạo đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ các lĩnh vực nghệ thuật phát triển mạnh gần đây như múa đương đại, nhạc kịch, thiết kế sân khấu và kỹ thuật âm thanh, ánh sáng công nghệ âm nhạc... cũng được đặc biệt quan tâm với những chỉ tiêu đào tạo cụ thể tại Đại học California - Los Angeles (UCLA - School of Theater, Film & Television), hoặc Đại học North California (UNCSA), Đại học Full Sail - Mỹ. Xiếc - loại hình nghệ thuật đang có không ít diễn viên được đào tạo theo kiểu truyền nghề ở TP.HCM cũng có mười chỉ tiêu đi học tại Trường Xiếc quốc gia - Moscow hoặc Học viện Xiếc & Sân khấu Quốc gia Liên bang Nga trong thời gian bốn năm. 

… Nhưng luật chồng nghị định

Quyết định ban hành tháng 4/2019, nhưng đến nay, nhiều chỉ tiêu trong quyết định vẫn chỉ là kế hoạch. Một trong những nguyên nhân chính trở thành rào cản là những quy định trong Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, và thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định 101 quy định đối tượng được đào tạo là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập… Kèm theo đó, thông tư 36 quy định chỉ có cán bộ, công chức mới được đào tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. 

Dao tao tai nang nghe thuat - kho van hoan kho
Năng khiếu trẻ xuất thân trong các gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật khó đủ điều kiện được đào tạo bồi dưỡng tài năng bằng kinh phí nhà nước

Bất cập và nghịch lý thấy rõ ngay trong các điều khoản của nghị định lẫn thông tư. Quyết định 1558 hướng đến phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cho các tài năng trẻ đạt giải cao các hội diễn, hội thi; tài năng, năng khiếu trẻ xuất thân trong các gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật… Nhưng theo Nghị định 101 thì đây lại không phải là những đối tượng được cấp kinh phí đào tạo. Ở một số loại hình nghệ thuật như hát bội, cải lương, đặc biệt là xiếc, quy định chỉ có viên chức mới được cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tài năng là một nghịch lý. 

Để trở thành viên chức, ít nhất cá nhân đó phải đủ hoặc trên mười tám tuổi, có bằng từ trung cấp chuyên ngành trở lên. Trong khi đó, với loại hình xiếc, độ tuổi thích hợp nhất để đào tạo - theo NSƯT Phi Vũ (Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) là từ tám đến mười hai tuổi. Tương tự ở hát bội và cải lương, không ít nghệ sĩ tài danh đều bắt đầu đến với cải lương ở tuổi mười ba đến mười sáu, một lực lượng nghệ sĩ tài danh khác lên sân khấu từ bé thông qua “lò đào tạo” của gia tộc. Phải là viên chức mới được đào tạo thì e rằng quá trễ. 

Thêm nữa, quy định kinh phí đào tạo bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện hiện nay, gần như khó có thể thực hiện. Theo phát biểu của một số lãnh đạo các nhà hát, kinh phí hoạt động là một trong những khó khăn của nhà hát. Nếu phải trích nguồn kinh phí đó để san sẻ cho đào tạo, bồi dưỡng viên chức là điều không đơn giản.

Quy định chỉ có cán bộ công chức mới được đào tạo, bồi dưỡng bằng ngân sách nhà nước gây thất vọng và bức xúc cho những người làm nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ công chức chỉ thích hợp để đào tạo năng lực quản lý, còn tài năng thì e rằng nhóm đối tượng này không còn phù hợp. 

Sau nhiều lần kiến nghị, TP.HCM vẫn chưa có được một cơ chế đặc thù riêng trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng ở lĩnh vực VHNT, nên mọi kế hoạch vẫn chưa thể triển khai. “Đào tạo nhân lực cho VHNT ở TP.HCM đang vướng trăm bề” - ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phát biểu.

Một nền VHNT phát triển xứng tầm một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất nước không thể thiếu công tác phát hiện, nuôi dưỡng và đào tạo, bồi dưỡng tài năng. Liệu VHNT, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn sẽ ra sao khi việc đào tạo vẫn theo lối truyền nghề, và những tài năng thực sự vẫn cứ phải loay hoay mày mò tìm cách tự nâng cao kỹ năng cho chính mình? 

Thảo Vân

Người làm nghề “tự cứu” - mơ ước phát triển ngành công nghiệp văn hóa liệu có xa vời? 

Không thể chờ đợi những đợt đào tạo, bồi dưỡng có quy mô, bài bản từ ngân sách, kinh phí nhà nước, hầu hết các đơn vị công lập và bản thân các nghệ sĩ đều tự tìm cách nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm nghề trong đơn vị và cá nhân mình. 

Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy và diễn viên Hoàng Quân (nhóm Buffalo) từng tìm hai suất học bổng để tham gia một khóa huấn luyện về nhạc kịch dành cho nghệ sĩ các nước Đông Nam Á vào năm 2015. Sau khóa tập huấn hai tuần với các đạo diễn, chuyên viên nhạc kịch Mỹ, cả hai cho biết không chỉ được nâng cao kỹ năng biểu diễn nhạc kịch, mà còn được trang bị những kiến thức cơ bản trong cách dàn dựng nhạc kịch, như cách đưa bài hát vào vở diễn, mật độ nhảy múa thích hợp trong toàn bộ tác phẩm, cách phối hợp nhảy múa để thể hiện tâm trạng nhân vật... 

Thời gian gần đây, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng thực hiện nâng cao khả năng, tư duy dàn dựng cho các đạo diễn đã tốt nghiệp, hoặc đang theo học khoa đạo diễn ở các trường đào tạo nghệ thuật, thông qua việc dàn dựng mới hoặc dàn dựng lại những vở diễn cũ của nhà hát. Các đạo diễn được giám đốc nhà hát, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu trực tiếp hướng dẫn, đồng thời phân tích từng chi tiết trong cách xử lý, thủ pháp đạo diễn trong quá trình dàn dựng. 

Ngoài lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ca diễn cho các học viên, Nhà hát Hát bội TP.HCM cũng thường xuyên mời những nghệ sĩ giỏi nghề, từng là nghệ sĩ của nhà hát tham gia các buổi tập vở mới, hoặc các chương trình tập trích đoạn, vai diễn mẫu... để trực tiếp hướng dẫn các diễn viên trẻ. Với lối truyền nghề liên tục này, Nhà hát Hát bội TP.HCM vẫn có một lớp nghệ sĩ kế thừa bản lĩnh, tài năng, không chỉ đạt thành tích cao trong những đợt liên hoan nghệ thuật hát bội toàn quốc, những cuộc thi tài năng... mà còn đủ sức chinh phục khán giả yêu mến nghệ thuật hát bội.

Riêng với xiếc, việc tự tập luyện nâng cao tay nghề và sáng tạo những tiết mục hấp dẫn lại ẩn chứa nhiều rủi ro. Không có cơ hội tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nhưng với đam mê và khát khao cống hiến, nhiều nghệ sĩ xiếc vẫn đang phải mày mò tự dựng tiết mục biểu diễn thông qua các video của các nghệ sĩ quốc tế. “Dù có được học căn bản ở trường xiếc trước đó, thì việc tự tập thông qua clip vẫn rủi ro hơn nhiều so với luyện tập bài bản cùng chuyên gia. Nhiều động tác, tiết mục diễn viên tự tập dựa trên “cảm quan” về những nguyên tắc cơ bản được học - mà chưa chắc có áp dụng được ở tiết mục mới hay không - là một trong những lý do khiến các nghệ sĩ xiếc gặp chấn thương nặng trong quá trình luyện tập. Dù có thể hồi phục sau thời gian dưỡng thương, nhưng những chấn thương đó thường để lại những di chứng cho nghệ sĩ sau này” - NSƯT Phi Vũ chia sẻ.

H.Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI