'Đấng cứu thế' khiến người thân, bác sĩ xính vính

10/06/2017 - 14:30

PNO - Tiêu pha mạnh tay, cao ngạo, dễ gây gổ, sẵn sàng 'ra tay' khi có ai làm trái ý, thậm chí nghĩ mình là 'đấng cứu thế', phải 'giúp đời'… là những biểu hiện chính của bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.

Cả nhà bà P.T.M. (49 tuổi, ngụ tại Q.2, TP.HCM) mất ăn mất ngủ hơn hai tháng qua. Là giám đốc một công ty xây dựng, bà M. nổi tiếng nhanh nhẹn, hòa nhã với nhân viên, đối tác. Gần đây, bà bỗng dưng đổi tính, thường quát nạt.

Anh N.V.K., con trai của bà M. cho biết, thấy bà dễ nổi nóng, các con nghĩ mẹ quá bận rộn nên mỏi mệt nên cáu gắt. Bà M. sẵn sàng gây hấn vô cớ, luôn bàn bạc các vụ làm ăn lớn, dự án trăm tỷ, ngàn tỷ, khác xa với nhiều dự án công ty từng thực hiện.

'Dang cuu the' khien  nguoi than, bac si xinh vinh
Người bị rối loạn lưỡng cực dễ cảm thấy tuyệt vọng hoặc hưng phấn tột độ.

Không dừng lại ở đó, trong khi công ty chưa thanh toán nhiều mối nợ vật liệu, bà M. lại nổi hứng làm từ thiện. Bà rút tiền phân phát cho bất cứ ai. Khi cơn ngẫu hứng qua đi, bà lại trở nên keo kiệt, tính toán với chính những người thân trong gia đình. 

Trong vòng hai tháng, bà M. đã mua sắm, đầu tư, làm từ thiện hơn chục tỷ đồng. “Mẹ tôi không thể làm chủ cảm xúc và kiểm soát chi tiêu, thậm chí có bà con họ hàng thấy mẹ tôi dễ dãi, tiêu pha thoáng quá đã tới giả nghèo giả khổ để xin xỏ. Gia đình tôi không ai dám hó hé vì chỉ cần tỏ ý can ngăn là mẹ tôi đùng đùng đập phá”, anh K. kể.

Bác sĩ (BS) Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM cho biết, ông từng tiếp nhận nhiều trường hợp như bà M. Bệnh này có tên gọi là rối loạn lưỡng cực (RLLC) hay còn gọi là loạn thần hưng-trầm cảm. Điển hình là bà T.T.V. (45 tuổi, nội trợ, ngụ tại Q.8, TP.HCM).

'Dang cuu the' khien  nguoi than, bac si xinh vinh
 

Bà V. thường thuê xe ô tô đi “dạo mát”, mua sắm. Để có tiền, bà liên tục cầm cố tài sản. Mới đây, bà tổ chức sinh nhật tại một khách sạn Q.1, TP.HCM gần 20 bàn. Khi tiệc chưa tàn cũng là lúc các con bà phát hiện, chạy vạy tiền thanh toán. 

BS Trần Đình Phương, Phó giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP.HCM cho biết, nơi đây cũng tiếp nhận, điều trị hàng trăm ca RLLC tương tự. Trường hợp BS Phương nhớ rõ nhất là một nữ bệnh nhân rất thích di chuyển. Nữ bệnh nhân này cũng ở độ tuổi trung niên.

Bà thường xuyên thuê taxi về quê chơi rồi ngồi chưa nóng chỗ lại trở lại TP.HCM ngay lập tức. Bên cạnh đó, bệnh nhân thích “nấu cháo” điện thoại, ngủ rất ít, nói nhiều, hứa hẹn sẽ cho người này vài chục tỷ, tặng người kia xe ô tô, nhà cửa, đất đai.

“Sau khi xem xét các triệu chứng, tôi xác định đây là trường hợp bắt buộc nhập viện, nhưng gia đình không thực hiện và cứ mãi chạy theo khắc phục hậu quả do người bệnh gây ra”, BS Phương chia sẻ.

'Dang cuu the' khien  nguoi than, bac si xinh vinh
 

Các BS cho biết, theo dõi, can thiệp cho bệnh nhân RLLC không dễ dàng, bởi họ luôn có xu hướng phủ nhận mình đang mắc bệnh, không phối hợp điều trị. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh này có thể là cơn hưng cảm (vui sướng quá độ, thích hoạt động, giao du, chi tiêu, đầu tư, làm từ thiện, dễ gây hấn...).

Khi hưng phấn quá mức, bệnh nhân ngủ rất ít, nhưng vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, nhu cầu về tình dục gia tăng. Các bệnh nhân này bắt buộc phải nhập viện, điều trị khoảng hai tuần. 

Theo BS Trịnh Tất Thắng, RLLC là bệnh có tính chu kỳ. Nếu điều trị sớm, bệnh nhân RLLC sẽ sớm ổn định sức khỏe. Ngược lại, bệnh sẽ phát nặng hơn và khoảng cách giữa các chu kỳ ngày một ngắn hơn. 

BS Trần Đình Phương, Phó giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP.HCM: "Rối loạn tiền mãn kinh có nguy cơ cao rối loạn lưỡng cực"

Bệnh RLLC chiếm khoảng 2% dân số. Bệnh có nguy cơ khởi phát cao khi người bệnh gặp phải biến động lớn về tâm lý. Giai đoạn tiền mãn kinh là một yếu tố thúc đẩy, khiến bệnh thêm trầm trọng.

Người mắc RLLC có xu hướng phủ nhận mình bị bệnh. Nhiều gia đình vì quá xót nên không nỡ đưa bệnh nhân đi bệnh viện. Việc này sẽ gây nguy hiểm cho chính người bệnh và những người xung quanh, bỏ lỡ mất thời gian vàng điều trị bệnh.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI