Đàn chùng buông một tiếng thương

11/07/2016 - 14:19

PNO - Và mẹ tôi, trong ngần ấy năm, đáng ra mẹ không nên chôn mình trong sầu muộn. Mọi dây cảm xúc của bà cũng đã căng quá mức rồi. Cây đàn cũ mất đi, cũng là lúc mẹ bừng tỉnh.

Dan chung buong mot tieng thuong
Ảnh mang tính minh họa

1. Ba mất đã lâu, trong một vụ tai nạn bất ngờ. Mẹ ra vào chờ ba trước cửa suốt buổi tối định mệnh đó, để chỉ đón được gương mặt trắng bệch của người hàng xóm hốt hoảng chạy đến báo tin. Ngày ấy chúng tôi đều còn nhỏ, nên không đau khổ nhiều. Cũng bởi những đứa con cứ nhìn theo mẹ mà vui mà buồn; chúng tôi thấy mẹ không khóc lóc kêu than gì cả, thậm chí bà còn mỉm cười cảm ơn những người họ hàng đã đến giúp đỡ trong lúc tang gia bối rối. Trẻ con không nhận ra sự bình tĩnh gắng gượng của người phụ nữ đang tột đỉnh đau khổ. Ai đó đã nói nếu nước mắt không chảy được thì nó lặn cả vào trong, làm người ta héo sầu gan ruột. Mẹ tôi đã thương tiếc ba theo cách đó, không khóc cho thỏa một cơn mà héo hon đến cả một đời.

Ba tôi là nhạc công chơi violon trong một dàn nhạc bình thường, nhưng với cả nhà, ba là thần tượng. Hình ảnh ba kéo đàn trong những buổi chiều êm đềm đã trở thành hình ảnh đẹp trong lòng chúng tôi. Ba hứa dạy đàn cho các con, nhưng chúng tôi chỉ vừa được học vài ba khuôn nhạc cơ bản thì đã không còn người chỉ dạy nữa.

Đến nay, anh em chúng tôi mỗi người mỗi hướng, không ai theo nghiệp của ba cả. Nên chung quy, ba là ngọn lửa sáng nhất, độc đáo nhất, cháy lên trong ngắn ngủi nhưng mãnh liệt. Có lẽ vì vậy mà mẹ yêu ba vô cùng. Mẹ cũng như chúng tôi, không hiểu ba đang đàn gì, nhưng mẹ cảm nhận được người đàn ông ấm áp và tử tế qua cách ba kéo đàn và đung đưa cánh tay, cảm nhận được sự nồng nhiệt qua cách ba say sưa nhắm mắt và đứng bật dậy mỗi đoạn nhạc cao trào…

Khi ba ra đi, tài sản để lại không nhiều. Mẹ tôi đã phong kín những kỷ vật, gồm sách vở, ảnh thời trai trẻ của ba, quý nhất là cây đàn violon đựng trong hộp đàn bằng gỗ rất đẹp. Mẹ trang trọng đặt nó lên giá trên cùng của kệ sách, sau khi gạt đi những quyển sách y khoa của mình ở đó. Khi tôi ý thức về sự sắp đặt những món đồ trong nhà, thì cái hộp đàn của ba đã ở đó lâu lắm. Mẹ thường xuyên quét bụi trên giá sách, nhưng vẻ cũ kỹ mà thời gian hằn in trên hộp đàn thì không sao quét được. Sắc gỗ nâu vàng đã ngả sang màu nhàn nhạt, vẻ bóng bẩy mất đi rồi nên nhiều khi nhìn vào tôi thấy vỏ đàn trơ nhám. Nhưng có thế nào thì cả nhà chúng tôi đều thấy món kỷ vật ấy đẹp lạ lùng.

Tuy thế, như cách cái hộp đàn violon nằm đó yên lặng cũ kỹ, mẹ tôi cũng trở nên trầm lắng dần. Sau lễ tang, mẹ trở lại với công việc, nhưng nụ cười đã tắt. Mẹ vẫn ân cần chăm sóc chúng tôi, nhưng lặng lẽ, đơn côi. Chúng tôi nghĩ quãng thời gian ấy sẽ qua nhanh, nhưng mãi mà mẹ không dứt ra. Khi anh em tôi lớn lên, chúng tôi ý thức được rằng nỗi nhớ ba mà mẹ nuôi dưỡng trong lòng đã lớn đến nỗi chắc suốt đời mẹ không thâu nạp được thêm một cảm xúc mãnh liệt nào nữa. Mẹ không tái giá, và cứ thế tóc ngả màu, đơn chiếc theo thời gian...

2. Một biến cố xảy ra đúng vào năm cuối cùng đại học của tôi. Một ngày, dường như nhận ra tôi đã đi đến bước ngoặt của cuộc đời, mẹ nghĩ phải thông báo với ba. Rằng con trai đã trưởng thành, sắp tự lập rồi đây. Mẹ lau chùi hộp đàn sạch bóng, rồi gọi tôi đến mở ra. Chắc mẹ mong tôi sẽ chạm vào đàn và thử một khúc, như một cách kết nối với ba. Thực lòng tôi cũng mong mẹ mở hộp đàn ra một ngày nào đó, để làm một cái gì đó khác, để khuấy lên một điều gì khác.

Và điều mẹ con tôi nhìn thấy: cây đàn đã vỡ, nhiều mảng gần như vỡ vụn. Các sợi dây đàn đã đứt nham nhở từ lâu, buông chùng xuống, làm cho tổng thể trông biến dạng kỳ dị… Mẹ gần như ngất đi. Sao có thể thế được! Không một ai đụng đến trong bao năm, mẹ đã giữ gìn như thế, sao cây đàn tự vỡ nát?

Tôi lập tức chở mẹ mang đàn ra tiệm sửa. Người chủ tiệm nhìn cây đàn với thoáng bàng hoàng, rồi lắc đầu: Đàn lâu lắm không chơi phải không? Dạ phải. Sao bất cẩn thế! Đàn không kéo nữa thì phải nới dây ra, dây đàn có nghỉ thì mới chơi tiếp lần sau được. Như người mình thôi, làm mãi thì phải nghỉ, phải nới ra, ai căng mãi được. Nhà mình để đàn căng lâu quá, nên nó tự đứt dây, tự bể thôi...

Sửa được không ạ?

Chắc là không. Có sửa được cũng không kéo được nữa, hư hết tiếng rồi.

Sự việc bất ngờ như đánh một cú vào mẹ tôi. Bà nhận ra điều gì đó. Từ ngày ba mất, mẹ đã tự buộc cuộc đời mình vào ba mãi mãi bằng cách kết nối với kỷ vật này. Đàn cũ. Mẹ cũng cũ. Đàn buồn, cũng như mẹ buồn. Nay cây đàn đã vỡ, mẹ tôi hoang mang. Hóa ra bấy nay không phải mẹ giữ gìn món đồ quý của ba, mà đang dần làm hỏng nó. Bà đã để dây đàn căng quá lâu quá mức, trong hơn mười năm! Trong khoảng thời gian ấy, đáng ra nó phải được tặng cho một ai đó biết chơi nhạc, để còn được sử dụng, được có ích, để sống thế giới của nó.

Và mẹ tôi, trong ngần ấy năm, đáng ra mẹ không nên chôn mình trong sầu muộn. Mọi dây cảm xúc của bà cũng đã căng quá mức rồi. Cây đàn cũ mất đi, cũng là lúc mẹ bừng tỉnh. Mẹ nhận ra điều ba tôi có lẽ mong muốn hơn cả, là tiếng đàn ngân nga và những người thân yêu vui sống. Như dây đàn căng rồi phải biết chùng, chùng để rồi lại vang ngân…

Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI