Đám tang, sao cứ phải rình rang?

05/04/2015 - 09:11

PNO - PN - Trước kia, tôi chỉ nghe người ta tính số bàn (tiệc), số mâm cỗ theo lượng khách mời cho đám cưới, đám tiệc, sinh nhật... nhưng gần đây, tôi thấy nhiều người lại tính số bàn (tiệc) cho cả… đám ma.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyện này nghe khá… lạ đời, vì ai cũng biết rằng, cả tang gia lẫn khách đều buồn nẫu ruột thì ai còn tinh thần đâu mà ăn với uống?

Cách đây chưa lâu, đi dự đám tang cha của người bạn, tôi thấy nhiều bàn ghế, ly chén với bát đũa được dọn sẵn sàng, hàng chục thùng bia lon, nước ngọt được xếp thành chồng, cứ có khách vào là thức ăn được dọn lên.

Dam tang, sao cu phai rinh rang?

Rải vàng mã làm đường phố ngập bẩn rác.

Vì cha bạn làm sếp nên khách đến viếng khá đông. Tuy nhiên, khách mời đi từng nhóm khác nhau, có những nhóm ngồi không đủ một bàn nên thức ăn trên bàn cứ thừa mứa vì đa số khách chỉ ăn qua loa, chiếu lệ rồi về.

Một số bàn đông thanh niên thì... nhậu thật sự, bia rượu, mồi màng ê hề!

Mỗi khi có khách mới đến, mấy đĩa thức ăn dở dang được dọn xuống và thay bằng những đĩa mới.

Bạn tôi bảo, phải chuẩn bị cho tươm tất để tiếp khách. Tôi nhẩm tính, chi phí cho khoản ăn uống trong đám tang này hơi bị… khủng!

Lần khác, một người thân ở quê mất. Trong lúc bàn bạc việc tang lễ, mọi người cũng bàn luôn việc đặt bao nhiêu bàn (ăn) để mời khách, thậm chí đặt món gì để "coi cho được". Có người còn bảo lần trước nhà kia đám ma làm 50 bàn rất "xôm", còn nhà nọ đãi chưa tới chục bàn thấy "hẻo" quá. Rốt cục, khoản tiền chi cho việc đặt bàn còn nhiều hơn các chi phí khác.

Không chỉ đám tang mà "hậu tang" cũng có những dịp mà tang chủ đặt tiệc linh đình như cúng 49 ngày, 100 ngày, rồi giỗ hàng năm.

Có nhà nọ cúng 100 ngày của người thân mà xe sang của khách đến dự đậu kín cả con đường, còn số bàn tiệc thì nghe nói cũng mấy chục!

Có lần, tôi nghe một người quen thống kê số tiền khách phúng điếu sau đám tang chồng bà được hơn hai trăm triệu đồng. Thấy tôi ngạc nhiên, bà bảo vậy là còn ít, chứ có nhà hàng xóm của bà tiền phúng điếu đến năm trăm triệu. Liệu đây có phải là lý do để người ta chịu "đầu tư" cho đám tang?

Trước kia, những nhà có tang cũng chuẩn bị đồ ăn uống nhưng chủ yếu dành cho người nhà, họ hàng hoặc người quen đến phụ lo đám. Nhưng ngày nay, việc ăn uống trong đám tang dường như được nâng lên một tầm cao mới.

Quả thực, có những gia đình mà vì những mối quan hệ của người quá cố, của những thành viên khác trong nhà hoặc vì "đẳng cấp" về gia thế mà họ muốn tổ chức tang lễ cho hoành tráng.

Nhưng cũng có nhiều gia đình chỉ thuộc dạng trung bình nhưng dường như cũng muốn chứng tỏ mình "không phải dạng vừa" nên cũng tổ chức cho nở mặt nở mày với mọi người, dù sau đó, "lời" hay "lỗ" chỉ có họ biết!

Tang gia giàu có xài sang cũng đành, nhiều gia đình ở quê, tôi thấy cũng chẳng khá giả gì nhưng cũng làm mâm cỗ này nọ hết sức tốn kém, thậm chí mọi người còn đem số bàn (ăn) đãi khách và số tiền phúng điếu để so sánh "tầm cỡ" của đám tang.

Còn nhớ lúc bà nội tôi mất, ba mẹ tôi tổ chức đám tang theo đúng ý nguyện của nội khi còn sống là tổ chức sao cho giản tiện nhất, không kèn trống, không rải vàng mã, không kéo dài...

Thế là sau đó, nghe râm ran trong mấy người hàng xóm bảo nhà tôi "keo kiệt, hà tiện với cả người chết"! Tôi không biết đến khi nào mọi người mới phân biệt được "tiết kiệm" với "bủn xỉn" cũng như đâu là một đám tang "văn hoá" với những đám tang được "thương mại hoá" mà những thủ tục rườm rà, khoe mẽ và lãng phí đôi khi đã che lấp mất sự tiếc thương của người ở lại dành cho người đã khuất!

TRẦN DUY KHANG (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI