Đại dịch tấn công an ninh lương thực châu Á, hàng triệu trẻ em đói khổ

16/12/2021 - 06:24

PNO - Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết đại dịch kéo dài và giá cả tăng cao đang phá hoại an ninh lương thực của hàng triệu người ở châu Á khiến 1,8 tỷ người không được tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh.

Báo cáo của FAO cho thấy, khả năng tiếp cận thực phẩm trở nên tồi tệ hơn vào năm 2020 và xấu hơn nữa trong năm nay do các chính phủ đang phải vật lộn để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bằng cách hạn chế đi lại và áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt khác.

Gần 16% người dân Nam Á bị suy dinh dưỡng và tỷ lệ suy dinh dưỡng của toàn châu Á đang ở mức 8,7%, là mức cao nhất trong một thập kỷ. Trong đó, Triều Tiên được đánh giá là quốc gia có khả năng tiếp cận thực phẩm tồi tệ nhất với hơn 40% người dân bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, nạn đói là vấn đề cấp bách ở Afghanistan, Papua New Guinea và Đông Timor.

Hàng triệu trẻ em châu Á bị suy dinh dưỡng vì không đucợ ăn uống đầy đủ.
Hàng triệu trẻ em châu Á bị suy dinh dưỡng vì không được ăn uống đầy đủ

Tại 10 quốc gia trong khu vực, hơn 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi theo độ tuổi - một thước đo phổ biến để đánh giá mức độ ăn uống đầy đủ của trẻ. Sự thiếu thốn này sẽ để lại hậu quả lâu dài, vì trẻ bị suy yếu sức khỏe và không phát huy được hết tiềm năng của mình.

Ngoài ra, hàng triệu trẻ em trong số đó cũng đang bị gầy còm, một tình trạng nguy hiểm hơn do ăn uống không đủ chất hoặc bệnh tật kéo dài. Vào năm 2020, hơn 31 triệu trẻ em ở châu Á - Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng và con số đó có thể tăng lên 40 triệu vào cuối năm 2022 nếu xu hướng hiện tại tiếp tục.

Với những tiến bộ nhằm giảm bớt nạn đói, FAO đang thúc giục các biện pháp toàn diện để cải thiện an ninh lương thực. Đây là một phần trong nỗ lực hướng tới phương pháp tiếp cận mà các chuyên gia gọi là “hệ thống lương thực”.

David Dawe, nhà kinh tế cấp cao tại văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO, cho biết chỉ số giá lương thực đã tăng gần một phần ba trong năm qua. Ông nói, giá dầu thực vật, vốn rất quan trọng đối với sức khỏe, đã tăng 74%.

Giá hàng hóa toàn cầu tăng ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là người nghèo, những người chi tiêu phần lớn thu nhập cho thực phẩm và đang vật lộn để phục hồi sau các tác động của COVID-19. Bên cạnh đó, gần đây các nhà sản xuất thực phẩm cũng phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm giá nhiên liệu và phân bón tăng cao.

Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI