Đại dịch COVID-19 và lời nhắc nhở về sức mạnh của hy vọng

19/11/2021 - 20:15

PNO - Sau gần hai năm gánh chịu đại dịch COVID-19, thế giới có gần 255 triệu người nhiễm virus, trong đó hơn 5 triệu người tử vong và mỗi ngày tiếp tục có hơn 610.000 ca mắc mới. Đó là những con số mới chỉ cho thấy bề nổi của đại dịch. Nhưng dù sao thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, đến tương lai phía trước.

Giúp các nước đang phát triển “đứng lên”

COVID-19 tác động đến mọi người, ở mọi quốc gia. Không những gây bệnh tật và chết chóc, virus SARS-CoV-2 còn phá vỡ sinh kế và có khả năng đẩy khoảng 150 triệu người vào cảnh nghèo khổ cùng cực vào cuối năm 2021. Dù vắc xin đã mang lại cho chúng ta sự hồi sinh, để đứng lên và tiếp tục những kế hoạch cho tương lai, thế nhưng, từ đây nhân loại phải nhận thức được rằng đại dịch sẽ tiếp tục chi phối cuộc sống của mình, và vẫn chưa thể biết bao giờ khủng hoảng này mới có thể kết thúc.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh. WB đã nhanh chóng và quyết đoán trong việc hỗ trợ mạnh mẽ cho các nước đang phát triển. Từ 42 tỷ USD/năm, tổ chức này đã tăng mức tài trợ lên 71 tỷ USD vào năm 2020 để giúp đẩy lùi các thách thức liên quan đến COVID-19 ở các nước này. Nếu như các nước công nghiệp phát triển đã chi tới 15 - 20% GDP cho các gói hỗ trợ, thì con số này ở các nước thuộc thị trường mới nổi chỉ là 6%, và ở các nước nghèo là dưới 2%. 

Người dân chờ đợi thực phẩm cứu trợ trong tình trạng giãn cách xã hội vì COVID-19 ở Jakarta, Indonesia - ẢNH: WB
Người dân chờ đợi thực phẩm cứu trợ trong tình trạng giãn cách xã hội vì COVID-19 ở Jakarta, Indonesia - Ảnh: WB

WB tuyên bố bảo đảm các nguồn tài chính và hỗ trợ quốc tế bền vững cho các nước nghèo nhất. “Chúng tôi và nhiều tổ chức khác cam kết làm tất cả những gì có thể để cung cấp vắc xin cho người dân các nước đang phát triển. Chúng ta phải đồng hành cùng nhau và tôi vẫn lạc quan rằng tình trạng sẽ được cải thiện ở nhiều nước trong năm nay”, Giám đốc điều hành WB Axel Van Trotsenburg nói.

Từ tháng 5/2020, WB đã hợp tác với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và nhóm các nước G20 để giúp các nước nghèo thông qua Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI). Sáng kiến này giúp giải phóng nguồn lực đáng kể cho các chính phủ để có thể chống dịch tốt hơn, trong khi vẫn duy trì các hoạt động quan trọng khác. Tuy nhiên, điều mà DSSI muốn nhấn mạnh đó là cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết và hành động quốc tế nhiều hơn. Vắc xin COVID-19 là vấn đề rõ nhất mà lời kêu gọi đoàn kết hướng đến, khi ở giai đoạn đầu, các nước phát triển đã mua phần lớn nguồn cung cấp vắc xin, khiến các nước đang phát triển không có đủ thuốc để tiêm chủng cho người dân.

Một quan ngại lớn liên quan giáo dục. Theo WB, COVID-19 đang buộc trẻ em toàn cầu phải rời xa trường lớp. Tình trạng này có thể kéo dài hai hoặc thậm chí vài ba năm nữa và có bằng chứng cho thấy ngày càng ít trẻ em muốn quay trở lại ngay cả khi trường học đã mở cửa. Do đó, không quá bi quan khi nhận định rằng thế giới đang đứng trước nguy cơ mất đi một thế hệ. Việc người trẻ sa sút trong học tập ảnh hưởng đến tiềm năng thu nhập trong tương lai của họ, đồng nghĩa sản lượng kinh tế cũng sẽ giảm trong nhiều thập kỷ tới.

Thế giới sẽ cùng nhau bước tiếp

Ở một khía cạnh quan trọng khác, đại dịch là thời cơ để thế giới hướng tới hy vọng, đoàn kết và nâng cao ý thức chung của cộng đồng toàn cầu, theo chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc. Trước COVID-19, những vấn nạn như biến đổi khí hậu, chiến tranh xung đột, chiến tranh thương mại vốn khiến thế giới “tăm tối và cô đơn” nhưng hiếm khi được người ta quan tâm.

Không ai nghi ngờ rằng COVID-19 là một trong những mối đe dọa khủng khiếp nhất mà hành tinh này từng phải đối mặt. Và chính trong sự bối rối, lo lắng đó, ý thức phải sống cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chỉ chưa đầy hai năm, tất cả quốc gia đều trở thành “láng giềng” của nhau bởi họ đều biết rằng, khi mọi đất nước được bảo vệ, cả thế ngưới mới được bảo vệ. “Tinh thần và trách nhiệm đã giúp thế giới xích lại gần nhau theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy trước khi có đại dịch”, theo Ulrika Modéer, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Chẳng hạn tại Anh, một lực lượng tình nguyện đã đến để hỗ trợ các nước láng giềng. Khi chính phủ kêu gọi cần 250.000 người hỗ trợ cho hệ thống y tế quốc gia, đã có hơn 750.000 người đăng ký. Ở Somalia, nơi cơ sở hạ tầng y tế và phương tiện truyền thông bị tàn phá trong nhiều thập kỷ xung đột, những người làm truyền thông theo cách “kể chuyện” truyền thống đã đến tận các cộng đồng vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền về các phương pháp tốt nhất phòng, chống COVID-19… 

Chắc chắn sẽ còn nhiều bài học kinh nghiệm sau khi đại dịch qua đi, Ulrika Modéer đánh giá. Một thay đổi quan trọng chính là COVID-19 đã sắp xếp lại xã hội. Từ việc đi làm, đi học, cho đến quản lý chuỗi cung ứng, hỗ trợ hệ thống y tế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến hỗ trợ sức khỏe tâm thần xuyên biên giới hoặc đơn giản chỉ đi mua sắm… COVID-19 đã buộc chúng ta phải xem xét hoạt động sống trên hành tinh này cùng với muôn loài.

“Giữa những nỗi đau mà chúng ta tiếp tục chịu đựng, chúng ta nên tìm thấy niềm an ủi trong những câu chuyện về hy vọng và sự đoàn kết; đồng thời tiếp tục nhìn thấy giá trị của những bài học tích cực, đáng khích lệ đang nảy nở cho thế giới mai sau”, bà Ulrika Modéer nói. 

Nam Anh (theo WB, JHU, UNDP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI