Đã phát hiện 504 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại 27 địa phương

03/08/2020 - 19:31

PNO - Bộ Công an cho biết, các đối tượng Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu để đi Campuchia đánh bạc, còn lại là tìm việc và đi du lịch.

Ngày 3/8, trả lời tại họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 7/2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có việc tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, kiểm tra kiểm soát tại các cửa khẩu quốc tế, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. 

Đồng thời Bộ Công an cũng thực hiện nghiêm việc đảm bảo an ninh ở các khu cách ly tập trung, kiểm tra các đối tượng tung tin thất thiệt, thực hiện không đúng quy định phòng dịch, buôn lậu, đầu cơ... Cán bộ chiến sĩ tại địa bàn cũng thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng về việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người".

Liên quan đến các đối tượng nhập cảnh trái phép, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, có 2 loại đối tượng thực hiện hành vi này: thứ nhất là người Trung Quốc, thứ hai là người Việt đi lao động, làm việc ở nước láng giềng trở về. 

Thiếu tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an.
Thiếu tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an

Lý giải việc nhiều người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết: "Vì Trung Quốc thiên tai dịch bệnh liên tục, trong khi đó Việt Nam là điểm đến an toàn. Có một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép để tìm việc ở một số địa phương, một số khác đi du lịch, nhưng phần lớn qua Việt Nam để sang Campuchia đánh bài".

Theo số liệu của Bộ Công an, từ đầu năm đến nay đã có 504 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép được phát hiện ở 27 tỉnh thành trên cả nước. Các tỉnh thành phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép gồm: An Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TPHCM, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Tây Ninh. Lực lượng Công an và biên phòng đã phát hiện 21 vụ đưa 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và đã khởi tố 5 vụ việc. 

"Về số lượng người nhập cảnh lớn như báo chí phản ánh với hàng chục, hàng trăm người thì đa phần là người Việt đi lao động chui ở Trung Quốc, chủ yếu là ở các tỉnh biên giới. Họ có người thân, quan hệ thân tộc với người phía bên kia nên số lượng khá nhiều. Khi bên kia hết việc thì bị đẩy trở lại Việt Nam. Do có nhiều đường mòn lối mở nên người dân đi về rất đông. Tôi nghĩ cũng cần có chính sách và biện pháp phù hợp", Thiếu tướng Tô Ân Xô đề nghị.

Kết thúc điều tra vụ Nhật Cường trong quý III/2020

Ngoài ra cũng tại cuộc họp báo, trả lời về việc Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố, tạm giam 3 bị can liên quan đến vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" và vụ án Nhật Cường, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết vụ án Nhật Cường là một vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

C03 đã khởi tố vụ án về 4 tội danh: "Buôn lậu"; "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; "Rửa tiền"; "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và khởi tố 28 bị can. Trong đó đã bắt giam 20 bị can, truy nã 8 bị can.

Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra vẫn đang tích cực điều tra. Vụ án vẫn đang trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Công an sẽ cố gắng kết thúc điều tra trong quý III/2020.

"Song song với việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, ngày 16/7 cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Ngày 21/7, đã tiến hành khởi tố bắt tạm giam 3 bị can có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật liên quan đến Nhật Cường, gồm 2 người thuộc UBND TP. Hà Nội, 1 là người của C03 Bộ Công an", Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI