Cứu thai phụ có thai "nằm" ở gan

31/08/2016 - 09:47

PNO - Sáng 30/8, BV Từ Dũ TP.HCM đã tổ chức họp báo thông báo về một trường hợp mang thai nằm ngay cuống gan được được cấp cứu kịp thời.

15 năm qua, đây là ca thứ tư BV này phát hiện thai nhi “nằm” ở vị trí hiểm hóc như gan, thận… người mẹ có thể tử vong trong tích tắc nếu khối thai vỡ ra.

Khó phát hiện

Thấy bị trễ kinh, lại đau bụng, chị B.T.B.T. (18 tuổi, ở Kiên Giang) đến phòng khám tư khám bệnh. Bác sĩ (BS) “phán” chị bị rối loạn kinh nguyệt, cho thuốc về uống. Sau vài ngày uống thuốc, vùng bụng vẫn đau âm ỉ nên chị đến BV Đa khoa tỉnh Kiên Giang kiểm tra. BS cho lấy máu xét nghiệm chỉ số bêta hCG - chỉ số đo nồng độ hormon bêta hGC, loại hormon chỉ tiết ra khi người phụ nữ mang thai. Dựa vào chỉ số bêta hCG, các BS nghi ngờ thai nhi nằm ngoài tử cung. Thế nhưng, sau khi siêu âm, làm nội soi ổ bụng vẫn không tìm thấy khối thai ngoài tử cung (TNTC) ở trên vòi trứng hay buồng trứng. Ngày 11/8/2016, thai phụ được mổ nội soi để tìm vị trí thai lạc chỗ nhưng vẫn không thấy.

Cuu thai phu co thai
Thai phụ T. bị TNTC được điều trị thành công tại BV Từ Dũ

Năm ngày sau khi phẫu thuật, chị T. vẫn đau âm ỉ nên tối 16/8, chị được BV Đa khoa tỉnh Kiên Giang chuyển lên BV Từ Dũ TP.HCM, với lý do chảy máu âm đạo nghi do TNTC. TS-BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc BV Từ Dũ cho biết, khi nhập viện, mạch và huyết áp thai phụ ổn định, siêu âm phụ khoa chưa ghi nhận bất thường nhưng có thấy ứ dịch vòi trứng bên phải. Dựa vào hồ sơ bệnh án, chúng tôi tiếp tục theo dõi dấu hiệu của TNTC.

Sau đó, BV xét nghiệm thấy chỉ số bêta hCG là 786 IU/ ml, 48 giờ sau xét nghiệm lại thì chỉ số này tăng vọt lên 1.016UI/ ml. Dấu hiệu này cho thấy thai có khả năng đã nằm ngoài tử cung. Khám vùng chậu, BS không tìm thấy khối thai nhưng khi dò lên vùng dưới gan thì phát hiện một “khối u” kích thước 50x28x38mm. Tổ chức hội chẩn. Lúc đầu, các BS nghi là u mạch máu nhưng nếu u mạch máu thì không làm tăng chỉ số bêta hCG nên nghi ngờ thai nhi đã nằm ở gan. Tuy nhiên, từ trước đến giờ, 97% ca TNTC là nằm ở vòi trứng, buồng trứng, hiếm khi nằm ở vị trí lạ lùng này. Các BS khảo sát lần nữa bằng cách chụp cộng hưởng từ (MRI), nhận thấy “khối u” bất thường nằm ở mặt dưới phía bên trái của gan đến bờ trên của tụy. Khối u nằm ngay giữa động mạch và tĩnh mạch chủ bụng, ép vào gan; đang lớn dần lên rất nhanh, lúc đầu chỉ 33mm nhưng ba ngày sau đã là 60mm. Các BS kết luận, khối thai nằm ngay cuống gan, sau phúc mạc, trước các mạch máu lớn của cột sống, động mạch, tĩnh mạch.

Theo BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, đây là một trường hợp hiếm gặp và rất nguy hiểm. Nếu phát hiện trễ, thai có thể xâm lấn vào gan - nơi có nhiều ống mật, ống tụy dính chùm nên sẽ gây chảy máu. Nếu thai tấn công vào động mạch và tĩnh mạch chủ bụng cũng sẽ gây thủng, chảy máu ồ ạt, người mẹ có thể tử vong trong tích tắc. Lập tức, các BS BV Từ Dũ đã phối hợp với các BS BV Chợ Rẫy mổ cứu thai phụ. Hiện sức khỏe chị T. đã hồi phục.

Cuu thai phu co thai
Thai nhi chiếm trọn gan phải của người mẹ (năm 2007)

Trong suốt 15 năm qua, tại BV Từ Dũ, đây là ca thứ tư các BS phát hiện thai nhi nằm ở các vị trí hiểm hóc. Cách đây 10 năm, BV Từ Dũ từng phát hiện sản phụ L.T.L. (27 tuổi, ở Kiên Giang) mang thai bé gái tuần thứ 23, còn sống, nằm gọn trong gan phải của người mẹ. Kết quả chụp CT cho thấy bánh nhau của thai nhi dày 47mm, thai nhi có mạch máu nuôi xuất phát từ động mạch gan. Để cứu sống sản phụ, các BS phải mổ lấy ra bé gái nặng 600g đã chết. Cách đây 13 năm, BV Từ Dũ cũng phát hiện một thai phụ mang thai nhi nằm ở tĩnh mạch thận trái. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu do đau bụng và nghi TNTC bên phải. Tiến hành nội soi không tìm thấy thai nhưng khi đặt đầu dò siêu âm thì thấy tim thai đập bình bịch. Các BS mở bụng ra cũng không thấy, sau gần hai giờ vất vả tìm kiếm mới phát hiện thai nằm ở thận.

Khám thai mới chú trọng đến vùng tử cung

BS Bùi Văn Hoàng - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Từ Dũ thống kê: mỗi năm, BV Từ Dũ có khoảng 70.000 ca sinh, trong đó có 4.690 ca TNTC. TNTC chiếm từ 0,45-1% thai phụ. Mỗi ngày có từ 15-20 ca mới đến nội soi TNTC. Thế nhưng 97% trường hợp TNTC nằm ở vòi trứng, buồng trứng; chỉ khoảng 3% ca nằm ở các vị trí khác như: cổ tử cung, vị trí sẹo mổ lấy thai, ở trong ổ bụng…; rất hiếm khi xuất hiện ở gan, thận, sau phúc mạc. TNTC thường có khuynh hướng tìm đến các vị trí, cơ quan có nhiều mạch máu. Khi TNTC nằm ở vị trí bất thường thì không chỉ khó khăn trong việc xử trí, điều trị mà còn khó chẩn đoán và giải quyết lấy khối thai. Khi phát hiện TNTC là buộc phải chấm dứt thai kỳ, khoa học chưa đạt được trình độ đưa TNTC vào lại trong tử cung.

Phụ nữ mang TNTC thường có một trong các dấu hiệu: trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo. Khi khám thai, sẽ xét nghiệm chỉ số bêta hCG. Nếu chỉ số này là 1.500 IU/ml thì chỉ cần siêu âm bằng đầu dò âm đạo là có thể xác định được túi thai nằm trong hay ngoài tử cung. Nếu chỉ số này là 6.000 IU/ml thì siêu âm ở bụng đã phát hiện. Nếu chỉ số bêta hCG ở mức 1.500-1.800 nhưng siêu âm đầu dò âm đạo không thấy thai trong tử cung thì nghi ngờ tình trạng thai đang ở ngoài tử cung, BS phải xét nghiệm lại chỉ số này sau 48 giờ.

ThS-BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Trưởng khoa Nội soi, BV Từ Dũ khuyến cáo: một trong những nguy cơ gây ra TNTC là do phụ nữ vệ sinh kém, luôn để “vùng kín” ẩm ướt, viêm đường sinh dục, khiến cấu trúc của vòi trứng bị thay đổi, gây bít hẹp, gấp khúc. Nhiều chị em nạo phá thai không an toàn, vết mổ lấy thai gây chít hẹp hoặc do hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh cũng gây ra TNTC.

Năm 2015, BV Từ Dũ có đến 28.692 ca nạo phá thai. Đặc biệt, một số trường hợp do BS thực hiện thụ tinh nhân tạo không an toàn, làm thủng tử cung cũng gây ra TNTC. Có từ 20-25% thai phụ bị tái phát TNTC sau lần đầu tiên. Đây là bệnh không tiên lượng được và rất dễ tử vong, nên phải đến ngay BV khi thấy một trong ba dấu hiệu kinh điển: trễ kinh một tuần, đau bụng, ra máu âm đạo.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI