Cuộc điện đàm đầu tiên “đầy khó khăn” giữa hai Tổng thống Biden và Putin

27/01/2021 - 09:54

PNO - Tổng thống Joe Biden đã báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn của Mỹ đối với Nga trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/1: Washington bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền và vấn đề Ukraine, nhưng hoan nghênh sự hợp tác về một hiệp định vũ khí hạt nhân mới.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi Nhà Trắng kêu gọi hai bên thảo luận về tiến trình gia hạn thỏa thuận START Mới - một thỏa thuận giới hạn hai cường quốc mỗi bên sở hữu tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và sẽ hết hạn hiệu lực vào ngày 5/2/2021.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu lên những mối quan ngại trong cuộc điện đàm lần đầu tiên với Tổng thống Nga Putin - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu lên những mối quan ngại trong cuộc điện đàm lần đầu tiên với Tổng thống Nga Putin - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden cũng nêu lên những mối quan ngại liên quan đến việc Moscow đối xử với các thành viên phe đối lập.

Khi xác định Moscow và Washington có thể hợp tác riêng trong các vấn đề hạt nhân, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo Biden và Putin đã đồng ý "làm việc khẩn cấp" để kết thúc các cuộc đàm phán về thời hạn 5 năm tiếp theo cho hiệp ước START Mới trước khi nó hết hạn. Tại Washington, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết hai bên đã "đạt được thỏa thuận để nhanh chóng ký kết một thỏa thuận như vậy trước ngày 5/2/2021”.

Trong khi đó, Điện Kremlin nói rằng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo "bày tỏ sự hài lòng" về các cuộc đàm phán (vũ khí hạt nhân) và Tổng thống Putin sau đó đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật về việc gia hạn 5 năm thỏa thuận START Mới.

Các động thái này làm dấy lên hy vọng về sự ổn định hơn giữa hai cường quốc được trang bị vũ khí hạt nhân mạnh nhất thế giới, xóa bỏ đường ranh giới bất định dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, chính quyền Trump đã đề nghị “gia hạn một năm” trước thời hạn tháng Hai, nhưng các cuộc thảo luận đổ vỡ do Hoa Kỳ nhất quyết đòi xác minh một cách cứng rắn hơn rằng Nga đã đóng băng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tân Tổng thống Biden cũng tỏ ra bất đồng với người tiền nhiệm Donald Trump về cách tiếp cận đối với hồ sơ nhân quyền của Nga và vấn đề Ukraine. Trong thời gian cầm quyền, ông Trump đã cố gắng hết sức tránh đưa ra những ý kiến tiêu cực về vấn đề nhân quyền ở Nga, cũng như không chỉ trích Moscow hậu thuẫn phe ly khai ở Ukraine và việc Nga chiếm đóng Crimea. Ông Biden đối đầu với ông Putin về cả hai vấn đề trên.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Psaki cũng liệt kê một chuỗi dài các "vấn đề đáng quan ngại" khác khiến Washington không hài lòng với Moscow, bao gồm vụ tấn công hàng loạt chưa từng có đối với máy tính của Mỹ được cho là do Nga gây ra, sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và các báo cáo rằng Moscow treo tiền thưởng để giết lính Mỹ ở Afghanistan.

Bà Psaki cho biết "ý định của Tổng thống Biden cũng nhằm cho thấy Hoa Kỳ sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước những hành động ác ý của Nga”.

Điện Kremlin không đề cập đến những lời phàn nàn của Nhà Trắng, thay vào đó họ chỉ nói rằng ông Putin kêu gọi "bình thường hóa quan hệ" song phương. Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết, điều này sẽ "đáp ứng lợi ích của cả hai nước" đồng thời khẳng định hai nước có "trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì an ninh và ổn định trên thế giới”.

Hòa Ninh (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI