Cuộc chiến dai dẳng của bệnh nhân COVID-19 sau khi rời cửa tử

29/11/2021 - 06:00

PNO - Đối với nhiều bệnh nhân COVID-19, việc rời đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) đồng nghĩa với bước ra khỏi cửa tử. Tuy nhiên, đó cũng là khởi đầu cho một cuộc chiến mới.

Những triệu chứng kéo dài

Neil Butler và Brenda Markle gặp nhau tại thị trấn nhỏ phía đông nam Pittsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) khoảng 35 năm trước. Họ cùng nhau nuôi dạy ba người con tại ngôi nhà nhỏ mà Markle thích trang trí cầu kỳ mỗi dịp lễ. Butler đã mang một cây thông Noel nhỏ và những đồ trang trí đến căn phòng của vợ tại đơn vị ICU của Bệnh viện UPMC Mercy khi bà đang chiến đấu với COVID-19 vào mùa Giáng sinh năm 2020.

Hầu hết các ngày, ông đều thức dậy lúc ba giờ sáng, hoàn thành ca trực tại Công ty AmeriGas Propane ở Ruffs Dale và lái xe 80km đến bệnh viện để ngồi bên vợ, dù bà thường xuyên bất tỉnh vì thuốc an thần.

Y tá Shannon Casey giúp Brenda Markle cảm thấy thoải mái trong phòng ICU tại UPMC Mercy vào ngày 11/1 - ẢNH: WASHINGTON POST
Y tá Shannon Casey giúp Brenda Markle cảm thấy thoải mái trong phòng ICU tại UPMC Mercy vào ngày 11/1 - Ảnh: Washington Post 

COVID-19 đã tấn công gia đình họ sau chuyến thăm của một người họ hàng. Ngày 2/12/2020, Butler và con trai thức dậy sớm để đi săn và phát hiện Markle nằm bất động trên sofa. Bà không thể tự mình đứng vững. Virus đã làm tăng lượng đường trong máu của bà lên gấp bảy lần mức bình thường. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng đường tiết niệu, dương tính COVID-19 và cho bà về nhà.

Tình trạng của Markle tiếp tục xấu đi và hai ngày sau, các nhân viên y tế chuyển bà đến UPMC Mercy. Trong 54 ngày tiếp theo, bao gồm 26 ngày phải thở máy, Markle đã chiến đấu hết lần này đến lần khác với căn bệnh và những tổn thương trên cơ thể. Bà bị co giật, có cục máu đông trong phổi, viêm phổi do vi khuẩn và tiểu đường. 

Khi về nhà sau 54 ngày phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, Brenda Markle thực sự bất lực. Bà không thể ngồi, đứng hoặc nói, cũng không thể tự ăn, đi vệ sinh.

Từng là một y tá 54 tuổi mạnh mẽ, Markle bị ảnh hưởng bởi huyết áp thất thường, lo lắng, trầm cảm và mùi vị kim loại trong miệng mà nhiều bệnh nhân COVID-19 cảm thấy mỗi khi ăn.

Vết loét do nằm giường quá lâu của Markle ngày càng lớn, góp phần dẫn đến cái chết của bà vì sốc nhiễm trùng vào tháng Bảy, sau 68 ngày nằm ICU.

Dường như đối với hàng triệu người trên thế giới ở hoàn cảnh như gia đình Markle, đại dịch COVID-19 đã chứng minh rằng cuộc sống bình thường như trước là ước mơ xa vời. Đơn vị ICU tại các bệnh viện đã cứu sống vô số người kể từ khi COVID-19 lan rộng toàn cầu vào tháng 1/2020, nhưng quá trình điều trị xâm lấn cũng có thể mang lại một loạt hậu quả nghiêm trọng ít được công nhận và tạo thành “hội chứng sau chăm sóc đặc biệt”.

Chúng không phải là triệu chứng của bệnh mà do cách chữa trị, phục hồi và phản ứng của cơ thể. Những tác động tồi tệ nhất bao gồm suy nhược và mệt mỏi, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, lo lắng, trầm cảm, khó suy nghĩ và những thách thức khó xác định trong cuộc sống hằng ngày.

Đồng thời, các thành viên trong gia đình đột nhiên bị đẩy vào vai trò chăm sóc người thân bị bệnh nặng, phải chịu đựng những khó khăn về tình cảm và thực tế của chính họ.

Đơn vị ICU cần được quan tâm nhiều hơn

Những năm gần đây, các bác sĩ và nhà nghiên cứu mới bắt đầu tập trung vào tác động lâu dài của những nỗ lực trong ICU nhằm ngăn chặn tử vong. Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng không hoạt động kéo dài, an thần sâu, mê sảng và dùng thuốc mạnh là một số nguyên nhân chính gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kéo dài trong nhiều năm sau khi bệnh nhân xuất viện.

Điều đó khuyến khích một số bác sĩ xem xét cách họ có thể thay đổi quy trình trong ICU nhằm cải thiện kết quả cho những người sống sót, chẳng hạn như liệu pháp vật lý trị liệu, thuốc an thần nhẹ hơn và tầm soát các vấn đề tâm lý theo sau.

Brad Butcher - người đứng đầu đơn vị ICU của UPMC và trực tiếp điều trị cho Markle - chia sẻ: “Tại sao chúng ta lại vui mừng khi bệnh nhân rời ICU, sau đó không bao giờ nghĩ về họ nữa?”. Bác sĩ Butcher tự vấn và quyết định mở một phòng khám chuyên điều trị hội chứng sau ICU.

Dường như không có thống kê về số người mắc COVID-19 đã điều trị trong các ICU kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), bệnh nhân phải trải qua khoảng 21 triệu đêm trong phòng chăm sóc đặc biệt hằng năm. Kể từ khi dữ liệu nhất quán bắt đầu được công bố vào tháng 7/2020, khoảng một phần tư số giường ICU trên toàn nước Mỹ được dùng điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Dữ liệu HHS không phân tích số lượng bệnh nhân riêng lẻ đã ở trong ICU hoặc thời gian nằm trung bình. Thay vào đó là tổng số ngày các giường ICU đã được sử dụng. Vì vậy không rõ liệu bệnh nhân COVID-19 có làm tăng mức sử dụng ICU tổng thể hay chiếm giường của những bệnh nhân nặng khác hay không.

Điểm yếu của các bệnh nhân ICU là suy nhược về nhiều khía cạnh thay vì chỉ về mặt thể chất do thiếu hoạt động. Ngay cả các cơ ở xương sườn và cổ, nơi giúp phổi đào thải dịch tiết, cũng trở nên quá yếu để thực hiện nhiệm vụ của chúng.

Bệnh nhân cũng gặp những cơn ác mộng hoặc ảo tưởng đáng sợ khi dùng thuốc an thần - một dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) sau khi họ hồi phục. Các bệnh nhân COVID-19 thường được dùng thuốc an thần sâu hơn, trong thời gian dài hơn so với các bệnh nhân ICU khác.

Ann Parker - trợ lý giáo sư về bệnh phổi và chăm sóc nguy kịch, đồng sáng lập nhóm Johns Hopkins Post-Acute COVID-19 - giải thích: “Một trong những yếu tố nguy cơ phát triển PTSD là có những trải nghiệm đáng sợ hoặc ảo tưởng. Bệnh nhân có những ký ức rất sống động về một trải nghiệm đáng sợ, chẳng hạn như ám ảnh rằng mình đang bị đâm vào ngực. Họ là những người đã được đặt ống nội khí quản”.

Brenda Markle (trái) dưỡng bệnh tại nhà vào tháng 3/2021 với cháu trai và chồng kề cạnh - ẢNH: BRITTANY BUTLER
Brenda Markle (trái) dưỡng bệnh tại nhà vào tháng 3/2021 với cháu trai và chồng kề cạnh - Ảnh: Brittany Butler 

Cuối cùng, dù COVID-19 được xem là bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, nó cũng có thể gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác, gồm tim, thận và não. Tổn thương nội tạng dễ dẫn đến các biến chứng sức khỏe kéo dài sau COVID-19.

Ở một số người, các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài có thể bao gồm các vấn đề về hô hấp, biến chứng tim, suy thận mãn tính, đột quỵ và hội chứng Guillain-Barre - một tình trạng gây tê liệt tạm thời. Một số người lớn và trẻ em gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống sau khi nhiễm COVID-19.

Vẫn chưa rõ COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến con người như thế nào theo thời gian nhưng các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên theo dõi chặt chẽ những người từng mắc COVID-19 để xem các cơ quan của họ hoạt động như thế nào sau khi hồi phục.

Nhiều trung tâm y tế lớn trên thế giới đang mở các phòng khám chuyên khoa để cung cấp dịch vụ chăm sóc những người có các triệu chứng dai dẳng hoặc các bệnh liên quan sau khi hồi phục từ COVID-19. Các nhóm hỗ trợ tại cộng đồng hoặc trên internet cũng rất hữu ích.

Hầu hết những người nhiễm COVID-19 đều hồi phục nhanh chóng nhưng các vấn đề tiềm ẩn kéo dài từ COVID-19 khiến việc giảm sự lây lan của COVID-19 bằng cách tuân theo các biện pháp phòng ngừa và tiêm vắc xin càng trở nên quan trọng. Bên cạnh đó là sự thay đổi từ bản thân ngành y tế về quy trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Carla Sevin, Giám đốc Trung tâm Phục hồi ICU tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (bang Tennessee, Mỹ), nhận xét: "Rất khó để mọi người nhận được sự chăm sóc họ cần. Chúng tôi biết rằng hầu hết mọi người có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ nhiều hơn những gì họ đang nhận được, hiện nằm ở mức gần bằng không". 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI