Công nhân miền Trung phập phồng lo mất việc

05/12/2022 - 06:35

PNO - Tình trạng công ty thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn hay các tỉnh có nhiều khu công nghiệp mà đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành miền Trung.

Làm luân phiên hoặc mất việc

Chị Đỗ Thị V. - công nhân trong khu công nghiệp Tịnh Phong, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, đơn hàng trong công ty chị đang ít hơn so với những tháng trước. Công nhân không được tăng ca nên thu nhập thấp, đời sống khó khăn và có thể sẽ không có tiền thưởng cuối năm.

Chị Nguyễn Thùy Hương - công nhân Công ty Hanesbrands Việt Nam Huế (HBI), đóng tại khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế - kể, khoảng 2 tuần nay, chị và các công nhân làm việc dưới 3 năm trong công ty bị thông báo cho nghỉ việc. Việc bị chấm dứt hợp đồng lao động dịp cận tết khiến công nhân không biết xoay xở ra sao.

Cuối năm, dãy nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại vắng bóng công nhân - ẢNH: THUẬN HÓA
Cuối năm, dãy nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại vắng bóng công nhân - Ảnh: Thuận Hóa

Hiện tại, đa số doanh nghiệp có việc làm ổn định nhưng vẫn có một số doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng khiến công nhân không có việc. 

Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế

Trước khi nghỉ việc, những người như chị Hương chỉ có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì được tổng cộng 6-8 triệu đồng/tháng. Do hiện tại không có đơn hàng nên HBI buộc phải thông báo cho hơn 1.000 công nhân trong tổng số trên 7.000 công nhân nghỉ việc. HBI chuyên sản xuất đồ lót nam và áo thun cho thị trường châu Á, là cơ sở sản xuất lớn nhất của Tập đoàn Hanesbrands Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ của Công đoàn Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP Đà Nẵng, hiện có hàng ngàn người lao động trong các khu công nghiệp bị giảm giờ làm, giảm lương, mất việc. Có doanh nghiệp lên kế hoạch giảm 1 giờ làm việc/ngày (7 giờ/tuần) từ tháng 11/2022, và tiếp tục giảm giờ làm từ tháng 12/2022, dự kiến nghỉ thêm ngày thứ Bảy. Hiện có khoảng 30% doanh nghiệp trong khu công nghiệp dịch vụ thủy sản TP Đà Nẵng gặp khó khăn do thiếu nguyên vật liệu.

Ngoài ra, do doanh nghiệp ít đơn hàng, giảm thu nhập nên nhiều công nhân cũng chủ động nghỉ việc. Chị Nguyễn Thị Xuyên - công nhân một công ty may mặc trong khu công nghiệp Hòa Khánh - nói: “Công ty quá ít đơn hàng, giảm giờ làm rất nhiều. Chúng tôi ở nhà trọ chờ việc lâu nên đành phải xin nghỉ, về quê kiếm tạm việc làm để có thu nhập”.

Công nhân trong khu công nghiệp Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) lo lắng vì có thể bị cho nghỉ việc vào cuối năm - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Công nhân trong khu công nghiệp Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) lo lắng vì có thể bị cho nghỉ việc vào cuối năm - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ông Vũ Quang Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP Đà Nẵng - thông tin: “Hiện nay, một số doanh nghiệp ngành dệt may, túi xách, chế biến thủy sản gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên liệu đầu vào nên không tổ chức tăng ca hoặc cho người lao động nghỉ phép năm. Hiện đã có 8 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, người lao động phải làm việc luân phiên hoặc bị cắt giảm số lượng. Tổng số lao động bị tác động là 1.064 người. Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến lĩnh vực xuất nhập khẩu”.

Thu nhập giảm sút

Mua vội vài trứng gà cùng ít rau về nấu cơm tối sau giờ làm, chị Nguyễn Thị Ánh - quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - nói, chị dự tính sẽ về nhà, chấp nhận chạy xe gần 30km mỗi ngày để đi làm bởi thu nhập giảm mạnh, không thể ở nhà trọ. Công ty của chị đang thiếu đơn hàng trầm trọng, chị may mắn không bị cho nghỉ việc nhưng không còn tăng ca, mỗi tuần chỉ phải đi làm 5 ngày nên thu nhập giảm mất 1/3, chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Văn Ngôn - giám đốc một công ty may ở tỉnh Nghệ An - cho biết, vài tháng nay, các công ty may thiếu trầm trọng đơn hàng. Để duy trì hoạt động, ông phải nhận một số lô hàng giá rẻ về làm. “Mình chấp nhận không có lãi để công nhân có việc làm, nhưng vẫn không ổn. Hàng xuất đi bị soi xét từng tí, rồi bị phạt đủ thứ khiến tôi lỗ nặng. Chỉ trong 2 tháng đã lỗ hơn 13 tỉ đồng nên tôi phải dừng hết” - ông nói. 

Không còn cách nào khác, công ty của ông đành phải cắt giảm công nhân từ 2.700 người xuống còn gần 1.000 người. Những công nhân còn bám trụ lại cũng chỉ có việc để làm 4-5 ngày/tuần. Ông Trần Văn Ngôn nói: “Việc cắt giảm công nhân là tình thế cuối cùng rồi bởi với ngành may, sau khi tuyển người, công ty phải mất vài tháng để đào tạo nghề. Tình trạng thiếu đơn hàng có thể kéo dài tới tháng 3/2023 hoặc lâu hơn. Đến lúc đó, sợ rằng tuyển người lại rất khó”.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, tỉnh này hiện có 25 doanh nghiệp ngành may mặc, giày da xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu bị cắt giảm đơn hàng. Các doanh nghiệp đã cho gần 1.800 công nhân nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hơn 450 người, giảm giờ làm đối với gần 20.000 người. Ngoài ra, một công ty có hơn 500 cán bộ, công nhân đã phải tạm dừng hoạt động, một công ty khác dự kiến sẽ dừng hoạt động từ tháng 12/2022 do không còn đơn hàng để sản xuất.

Lại tìm đường vào Nam

Không thể chờ được nữa, anh Trần Văn T. - ở xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi - quyết định bắt xe đò vào TPHCM để tìm việc sau khi bị công ty giày trong khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho nghỉ việc do sụt giảm đơn hàng. 

Anh kể, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng, chuyên ngành cơ khí, anh được nhận vào công ty này bảo trì máy móc. Trước khi nghỉ, nếu được tăng ca đến 20g30, lương của anh hơn 8 triệu đồng/tháng. Vợ anh - công nhân một công ty sản xuất túi xách xuất khẩu trong khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi - đang giảm giờ làm, thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Vợ giảm thu nhập, bản thân mất việc nên dù chưa biết có tìm được việc làm ở TPHCM hay không, anh vẫn cứ vào kiếm thử.

Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất trong khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) có khoảng 15.000 người lao động. Một cán bộ công ty này cho biết, thị trường thép gặp nhiều khó khăn nên công ty bắt buộc phải điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại thời gian làm việc của công nhân cho phù hợp với thực tế. Công ty đã cho giãn ca, nghỉ luân phiên vài bộ phận. Một số công nhân thấy thu nhập giảm, đã xin nghỉ việc để tìm kiếm việc làm mới phù hợp ở những công ty khác.

Ông Lê Minh Hưng - Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện - cho biết, số người lao động của xã đang làm việc trong các khu công nghiệp biến động thường xuyên. Ông nắm được điều này là do có nhiều người trong độ tuổi lao động đến làm hồ sơ để chuyển từ công ty này sang công ty khác hoặc rời quê vô Nam kiếm việc. 


aNhóm phóng viên miền Trung

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI