 |
Bích Thùy với niềm vui chiến thắng |
Vậy là Thùy được tung vào sân ở phút 33, trong thế trận chúng ta bị Myanmar dẫn trước một bàn (sẽ bị loại khỏi Asian Cup và mất quyền tranh vé vớt Vòng chung kết World Cup 2023). 12 phút sau, Bích Thùy dốc bóng xuống biên phải, hướng về cầu môn Myanmar, cô dễ dàng vượt qua một đối thủ. Đây là pha tấn công quen thuộc của Bích Thùy và thông thường cô sẽ dẫn bóng loại thêm một đối thủ nữa rồi tạt bóng căng vào cầu môn đối phương, nơi đồng đội đang chờ để ghi bàn. Thế nhưng lần này, Thùy mới đi qua một đối thủ và bật bóng vào đối thủ để kiếm quả phạt góc. Tuyết Dung đã không bỏ lỡ cơ hội, đá phạt góc thành bàn và san bằng tỷ số 1-1.
Mọi người vỡ òa niềm vui trước bàn thắng mà không biết rằng khi xuống bóng, Bích Thùy thấy đuối, ngộp thở và choáng váng nên quyết định xử lý cho bóng bật vào đối thủ để kiếm quả phạt góc. Ngay sau đó, Thùy ngã vật trên sân, gần như không còn biết gì. Bên ngoài sân, ban huấn luyện nhốn nháo, trợ lý huấn luyện viên (HLV) Kim Chi, Kim Hồng cứ sợ Bích Thùy chết, vì cô vừa hết COVID-19. Thế nhưng, bàn thắng của đồng đội đã khiến cô gái ấy quên hẳn cơn mệt, lại thi đấu máu lửa.
"Bóng ma" xui xẻo trước những trận đấu lớn
Nụ cười luôn thường trực trên môi Bích Thùy sau khi cô cùng đồng đội lập được kỳ tích cho bóng đá Việt Nam. Song, nhắc đến những ngày đầu giải đấu, ánh mắt cô chùng xuống và giọng cứ nghẹn lại.
Gần đến ngày khai mạc Asian Cup 2022 tại Ấn Độ (20/1), hơn nửa đội hình tuyển nữ Việt Nam dương tính với COVID-19 khi đang tập huấn tại Tây Ban Nha.
 |
Với đồng đội |
Bích Thùy may mắn không bệnh và ngày 16/1, cô cùng năm cầu thủ khỏe mạnh bay qua Ấn Độ trước. Nữ tiền vệ rất háo hức vì sắp bước vào những trận đấu lớn của sự nghiệp cầu thủ - điều cô từng bỏ lỡ vì chấn thương trước những trận đấu với đối thủ mạnh như Nhật, Hàn Quốc. Vậy mà, sau khi đến, ban tổ chức test COVID-19 cho các cầu thủ thì Thùy cùng hai đồng đội được xác nhận dương tính.
Bích Thùy bật khóc, sợ cánh cửa cuộc chơi lớn khép lại. Thùy nhớ lại: "Tôi bị cách ly trong phòng. Bác sĩ của đội tuyển dặn phải nghỉ ngơi nhưng tôi nôn nóng muốn hết bệnh để thi đấu nên ngày nào cũng tập… như điên. Tôi chạy bộ trong phòng, tập cơ... đến khi nào thở hụt hơi mới thôi". Thế nhưng, sau ba lần test, Bích Thùy vẫn dương tính và trở thành người mắc bệnh lâu nhất đội.
Thùy hoang mang với câu hỏi: "Tại sao mình không có triệu chứng, ăn uống tốt và vẫn xông điều độ (1 lần/ngày) mà lại lâu hết?”. Cô hỏi bác sĩ thì được biết có thể do cô không nghỉ ngơi nên hô hấp kém, dẫn đến tình trạng nồng độ virus không giảm. Lúc này, Thùy nhận được tối hậu thư: Nghỉ ngơi tuyệt đối. “Chỉ cần nghĩ đồng đội phải căng sức đá, còn mình lại ngồi không là trái tim tôi như bị bóp nghẹt”, Thùy nhớ lại. Cô từng có ý nghĩ giải đấu đã khép lại với mình.
Đồng đội, ban huấn luyện nhắn tin, gọi điện động viên nhau, nhưng ẩn trong giọng ai cũng chất chứa trăm ngàn nỗi lo bởi chưa bao giờ đội tuyển đối mặt với khó khăn khủng khiếp đến vậy: COVID-19 tấn công khiến đội không đủ quân số - không đủ điều kiện dự giải chứ chưa bàn đến thực lực. Hơn nữa, Việt Nam lại rơi vào bảng tử thần - đụng toàn những cường quốc bóng đá nữ. Ngay cả đội thứ tư, Myanmar - thông thường sẽ là đội lót đường - cũng rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á.
Hoang mang, chán nản nhưng Thùy không từ bỏ. Cô kể: “Tôi làm mọi cách để hết bệnh. Không được tập luyện thì quay sang xông - dù biết có thể không đúng với khuyến cáo của ngành y nhưng tôi bỏ qua hết vì khao khát được chơi bóng". Thùy nói tiếp: "Chị nghĩ đi, gần mười ngày tôi bị cách ly trong phòng và 12 ngày chưa được đụng tới quả bóng. Với cầu thủ thì điều đó quá khủng khiếp". Vậy là, Thùy lao vào xông… 5 lần/ngày. Chỉ lên gương mặt đen nhẻm của mình, Thùy cười: "Mặt tôi chỉ đen và nám, vậy mà xông nhiều đến mức đỏ như tôm luộc. Sau, gặp tôi, đồng đội chọc, tưởng đâu mười ngày ở trong phòng sẽ trắng da dài tóc, nào ngờ nhìn còn… ghê hơn".
Đến ngày bệnh thứ mười (26/1) - ngay trước thềm trận cầu then chốt gặp Myanmar, kết quả RT-PCR của Bích Thùy âm tính. Dù chưa từng bị COVID-19 đe dọa đến tính mạng khi bị bệnh nhưng "cơn lốc đường biên" có cảm giác như được hồi sinh. Thùy gào lên: "Mẹ ơi, sống rồi!", tung cửa lao ra như con đại bàng sổ lồng. Thùy tập nhẹ hai tiếng và qua hôm sau, HLV Mai Đức Chung đã hỏi Thùy có sẵn sàng vào trận. Dù chưa đạt phong độ cao nhất nhưng với khát khao thi đấu và quyết tâm giành chiến thắng, Thùy và đồng đội đã biến điều không thể thành có thể, đưa bóng đá Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết World Cup.
Cô gái nhút nhát hóa mãnh hổ
Chỉ cao 1,53m - chiều cao khá bất lợi với môn thể thao vua và có tính đối kháng mạnh như bóng đá, nhưng theo Bích Thùy: "Tôi chẳng bao giờ tự ti về hình thể của mình". Thay vào đó, Thùy tập trung luyện tập sức bền, nâng cao thể lực và kỹ thuật. Cũng giống như 12 năm trước, khi từ Quảng Ngãi vào TPHCM làm quen với câu lạc bộ Bóng đá nữ TPHCM, vóc dáng nhỏ bé của Thùy đã khiến không ít người ngại Thùy khó theo đuổi đam mê.
"Đến hôm nay, tôi tự hào về hành trình của bản thân mình. Dù ba mất nhưng những tâm nguyện của ba về sự nghiệp của tôi, về gia đình, tôi đều đã hoàn thành. Bóng đá mang lại cho tôi nhiều thứ và cho tôi một cuộc đời, cuộc sống có ý nghĩa”. Nguyễn Thị Bích Thùy |
Thế nhưng, khi thấy Thùy chơi bóng với những bước chạy chắc chắn, mạnh mẽ và đôi mắt rực sáng, đầy quyết tâm thì đã có dự báo: Cô gái này sẽ tiến xa trong sự nghiệp. Thật vậy, sau bốn năm chính thức gia nhập làng bóng đá, Thùy đã được lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, với Thùy, đó vừa là cột mốc vui mà cũng là kỷ niệm thật buồn vì cha của Thùy - người luôn ủng hộ và hun đúc cho cô niềm đam mê với quả bóng tròn - qua đời đúng ngày Thùy trở thành tuyển thủ quốc gia.
Đến nay, trong 37 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, cô đã ghi được 11 bàn thắng, góp công lớn làm rạng danh bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Không ngạc nhiên khi người hâm mộ gọi Thùy bằng nhiều nickname như: cơn lốc đường biên, bông hồng thép tuyến giữa, tiền vệ chạy nhiều nhất Việt Nam (nữ).... Nhắc đến Bích Thùy, tín đồ túc cầu giáo vẫn nhớ đến hình ảnh một cô gái cá tính, bụi phủi và giàu nam tính.
 |
Bích Thùy bên gia đình |
Tôi gặp Bích Thùy lần đầu vào năm 2017, sau khi đội tuyển nữ giành ngôi hậu (huy chương vàng) ở SEA Games 29 (2017). Khi đó, Báo Phụ Nữ TPHCM và Hội LHPN TPHCM đến thăm các vận động viên nữ đạt thành tích cao tại kỳ SEA Games này. Ngồi cạnh đàn chị Đặng Thị Kiều Trinh (thủ môn) tự tin, vui vẻ chuyện trò; Bích Thùy khá rụt rè, ít nói và ai hỏi cũng chỉ gãi đầu cười, thật khác xa với ngoại hình cá tính của cô và càng xa lạ với hình ảnh Bích Thùy máu lửa, lăn xả trên sân cỏ. Không ngờ, khi đã thành sao của câu lạc bộ Bóng đá nữ TPHCM và đội tuyển nữ quốc gia, vẻ rụt rè của Thùy vẫn còn nguyên.
Mới đây, trong buổi đón tiếp HLV và cầu thủ TPHCM của lãnh đạo TPHCM tối 11/2, khi màn hình chiếu phần phỏng vấn Bích Thùy về pha ghi bàn lịch sử thì ở dưới hàng ghế, cô cứ cúi mặt, hai bàn tay đan vào nhau. Đồng đội ngồi kế bên vỗ vai, chỉ lên màn hình thì Thùy lén nhìn rồi cười bẽn lẽn. Nhìn Bích Thùy, tôi lại nhớ câu nói của thủ môn Kiều Trinh năm nào: "Chỉ khi nào ra sân, Bích Thùy mới là chính mình".
Khi chia sẻ về chiến thắng lịch sử ấn định tỷ số chung cuộc trước đội tuyển Đài Loan, đưa tên tuổi Việt Nam vào đấu trường danh giá của bóng đá thế giới, giọng Bích Thùy tự tin trở lại: "Thật sự, nếu tính theo logic thông thường, chắc chắn chúng ta không có cửa, kể cả tranh vé vớt. Tôi cũng tin người hâm mộ nghĩ chúng tôi không làm được. Nhưng, chúng tôi chiến đấu trong tình cảnh không đường lui, một sống hai chết".
Đem World Cup và sổ tiết kiệm về cho mẹ
Không chỉ bẽn lẽn, Thùy còn mau nước mắt khi nhắc đến gia đình. Cũng trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM, khi màn hình chiếu khoảnh khắc Bích Thùy phát biểu: "Mẹ ơi con đem World Cup về cho mẹ", Bích Thùy đã cúi xuống quệt nước mắt. Ít ai biết cô gái trông rắn rỏi và có vẻ ngoài bất cần đời lại luôn mềm lòng khi nhắc về gia đình. Thùy thừa nhận: "Với tôi, bên cạnh quả bóng chính là gia đình”.
 |
Bích Thùy và các đồng đội xúng xính áo dài - Ảnh: VFF |
Ngày 13/2, tôi hẹn gặp Bích Thùy để phỏng vấn. Thùy không muốn từ chối tôi nhưng giọng tha thiết: "Chị ơi, hơn một năm nay tôi chưa được gặp ai trong gia đình. Hôm nay tôi qua nhà cậu, chị cho tôi xin một ngày để ăn uống với gia đình một bữa chị nhé". Nghe giọng Thùy, tôi ngồi thừ ra trước những hình ảnh lung linh, đẹp đẽ khi đội tuyển vừa mang vinh quang về nước và được Chính phủ, lãnh đạo thành phố đón tiếp nồng hậu. Để có được những phút thăng hoa cho nền bóng đá Việt, các nữ cầu thủ đã dành cả thanh xuân cho trái bóng, mặc ngày nắng hay mưa, mặc những ngày tháng xa gia đình, mặc những chấn thương phải trả giá bằng máu và nước mắt.
Những ngày này, hào quang vây quanh Bích Thùy và các cô gái vàng bóng đá. Những buổi tiếp khách, những bữa tiệc mừng công không thiếu sơn hào hải vị nhưng Thùy chỉ có một ước mơ “được về ôm mẹ ngủ và ăn món mẹ nấu, chị nấu”.
Trong chuyến hành trình về miền quê Nghĩa Hành, Quảng Ngãi lần này của Bích Thùy, không chỉ là tấm vé World Cup, mà còn cả cuốn sổ tiết kiệm cho mẹ. Thùy tâm sự: "Ước mơ của tôi lâu nay là mở một sổ tiết kiệm cho mẹ, vừa để đảm bảo tuổi già của mẹ, vừa để mẹ yên lòng về tôi".
Một món quà nữa vừa đến vào tối 16/2, để Thùy mang về cho mẹ: danh hiệu Quả bóng đồng trong khuôn khổ giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2021, vì những nỗ lực và cống hiến của cô cho bóng đá nữ nước nhà.
"Khi tôi còn học ở Quảng Ngãi, một thầy giáo ở câu lạc bộ TPHCM đến trường thực tập và phát hiện khả năng của tôi. Thầy đề nghị trường cho tôi đi tập cùng câu lạc bộ TPHCM. Bố tôi đồng ý ngay nhưng mẹ thì không. Mẹ sợ tôi vào Sài Gòn lạ nước lạ cái, không chịu được môi trường nhiều áp lực. Nhưng tôi vẫn đi. Khi còn sống, bố thường nói với tôi: “Con đừng đi lững thững. Đã đi là phải đi đến cùng, nhất định phải theo đuổi đam mê”. Có lẽ vì thế, khi có vật cản phía trước, tôi luôn quyết tâm vượt qua. Tôi không bao giờ từ bỏ. Bố ước nhìn thấy tôi mặc số áo yêu thích trong đội tuyển quốc gia, với lá cờ trên ngực và tên tôi ở sau lưng áo. Ngày tôi làm được điều đó cũng là ngày bố tôi qua đời…”. Nguyễn Thị Bích Thùy |
Thùy Dương