Còn khoảng 15 triệu liều vắc xin đã phân bổ nhưng chưa được sử dụng

16/11/2021 - 10:06

PNO - Bộ Y tế đã phân bổ 116 triệu liều vắc xin tới các địa phương. Trong đó, đã tiêm 99.751.224 liều, còn khoảng 15 triệu liều đã phân bổ nhưng chưa sử dụng.

Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế đã phân bổ 116 triệu liều vắc xin tới các địa phương. Trong đó, đã tiêm 99.751.224 liều, còn 15 triệu liều đã phân bổ nhưng chưa sử dụng.
Cả nước còn khoảng 15 triệu liều đã phân bổ nhưng chưa được sử dụng

Theo Bộ Y tế, ngay từ năm 2020, Chính phủ, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. Đến hết ngày 13/11/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 116 triệu liều vắc xin tới các địa phương và đơn vị triển khai tiêm chủng.

Tổng số liều vắc xin phòng COVID-19 đến chiều ngày 15/11 đã được tiêm là 99.751.224 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.467.940 liều, tiêm mũi 2 là 35.283.284 liều.

Như vậy, so với số vắc xin đã phân bổ và số lượng đã tiêm thì đến nay vẫn còn khoảng trên 15 triệu liều chưa được sử dụng. Trong khi Bộ Y tế cho biết, từ nay đến tháng 12/2021, lượng vắc xin sẽ về nhiều.

Để sử dụng hiệu quả vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc đề nghị Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo sở y tế khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được tốc độ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền) và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đồng thời, chủ động rà soát tình hình sử dụng vắc xin, tổng hợp và báo cáo số lượng vắc xin phòng COVID-19 được cấp từ nguồn Bộ Y tế và các nguồn khác (nguồn do doanh nghiệp viện trợ trực tiếp cho địa phương…), số vắc xin còn tồn và báo cáo nguyên nhân.

Trong trường hợp địa phương không kịp sử dụng và không có nhu cầu sử dụng số vắc xin được cấp phải báo cáo kịp thời để điều phối đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả.

Địa phương, đơn vị nào nhận vắc xin từ nguồn khác không báo cáo Bộ Y tế, không kiểm định theo quy định mà tự tổ chức tiêm thì phải chịu trách nhiệm.

Văn bản nhấn mạnh: “Các sở y tế phải đề xuất nhu cầu cần cấp từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vắc xin năm 2022. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/11/2021. Sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất, được hiểu là không có nhu cầu, Bộ Y tế sẽ không cấp vắc xin cho địa phương”.

Sở Y tế chịu trách nhiệm trước tỉnh ủy, thành ủy và nhân dân về việc không đủ vắc xin để tiêm chủng do không có đề xuất.

Bộ Y tế sẽ thông báo công khai những địa phương có tiến độ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp đồng thời trên trang cổng thông tin điện tử chiến dịch và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong tháng 11, địa phương nào không đảm bảo tỷ lệ phủ vắc xin, phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong tiêm chủng.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI