Con dậy thì sớm, mẹ dở khóc dở cười

23/05/2015 - 08:34

PNO - PN - Nghe con gái tám tuổi thì thầm: “Mẹ ơi, hôm nay lớp con thêm bạn X.L. bị chảy máu nữa đó. Cô giáo nói bạn có kinh”, chị Lê Thị Xinh, buôn bán ở chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM) giật nảy mình, nhìn con gái. Cô bé đang học nốt những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mấy đêm liền chị Xinh mất ngủ, chị nói: “Tôi đọc báo nghe đài nói bây giờ trẻ dậy thì sớm, trong lớp bé, cả 10 bạn gái có chu kỳ kinh rồi, không biết chừng nào tới lượt con gái tôi dậy thì?”. Nghe chị nói, nhiều bà mẹ khác cứ cười cười: “Lo bò trắng răng, con nít bây giờ ăn nhiều chất bổ dưỡng nên mau lớn là phải rồi”. Nhưng, chuyện đâu chỉ có vậy...

Con day thi som, me do khoc do cuoi

BS Trần Thị Bích Huyền - Khoa Thận, nội tiết BV Nhi Đồng 1 đang khám cho một trường hợp dậy thì sớm đã điều trị bốn năm tại khoa

TƯỞNG CON BỊ… XÂM HẠI

Mới đây, bé B.N. (ba tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) khóc thút thít khi được người nhà đưa đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng ra huyết âm đạo, đau bụng và được bác sĩ (BS) chẩn đoán dậy thì sớm. Hiện bé đang được điều trị và hiện tượng ra kinh đã ngừng, ngực không còn phát triển. Chị Nguyệt, mẹ của bé N. cho chúng tôi biết, lúc phát hiện bé chảy máu âm đạo, rồi bé cứ khóc liên tục, gia đình chỉ nghĩ đến một nguyên nhân là bé bị xâm hại tình dục và định đi “thưa” cậu bé hàng xóm. Khi bé đi khám, được BS chẩn đoán dậy thì sớm, chị vừa thở phào vì dứt mối lo này thì lại có nỗi lo khác ùa tới. “Vì không có kiến thức nên người lớn chúng tôi bối rối và không biết xử lý như thế nào” - chị Nguyệt nói.

Rảo một vòng quanh các trường tiểu học TP.HCM ở Q.3, 7, 12, Gò Vấp, H.Hóc Môn và H.Củ Chi, chúng tôi mới biết chuyện bé gái 9, 10 tuổi có kinh nguyệt là… rất bình thường. Ở nhiều lớp học, cô bảo mẫu, giáo viên chủ nhiệm luôn thủ sẵn một bịch băng vệ sinh để hỗ trợ các bé khi cần.

Một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ở trường tiểu học A.H. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, trong số 23 học sinh nữ của lớp thì chỉ vài em chưa dậy thì. Nhiều bé đã cao ngang cô giáo (cao hơn 1m55), nhưng đi đứng còn “hớ hênh” lắm. “Hiện tượng này bình thường thôi, nhiều năm nay lớp tôi chủ nhiệm hầu như đều vậy, cuối năm lớp 4 các bé đều dậy thì rồi. Dạy các bé, bên cạnh bé từng ngày, vậy mà mình vẫn bất ngờ vì trẻ bây giờ lớn nhanh quá”.

Chính vì sự bất ngờ này, nhiều bậc cha mẹ và giáo viên đã phải dở khóc dở cười cùng các bé trong những ngày chu kỳ. Do ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều bé dù được mẹ và cô giáo dặn dò kỹ lưỡng việc vệ sinh cá nhân nhưng mỗi lần tới chu kỳ là vẫn chạy nhảy như thường và lại khóc nhè, quýnh quáng: “Mẹ ơi, cô ơi, con bị chảy máu”. Đó là chưa kể nhiều trường hợp các bé bị viêm nhiễm sưng tấy bộ phận sinh dục do vệ sinh không đúng cách.

TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy - BV Từ Dũ cho biết, BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm nhưng do vệ sinh không đúng cách nên bị sưng tấy, viêm nhiễm âm hộ, một số trường hợp viêm nhiễm kéo dài, có nguy cơ nhiễm trùng vùng tử cung, buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ sau này.

Cụ thể, vừa qua, bệnh nhi V.V.T. (11 tuổi, H.Bình Chánh, TP.HCM) được đưa đến BV Từ Dũ trong tình trạng hai vành môi trong âm hộ sưng và dính chặt nhau. Chưa hết, bé còn bị nhiễm nấm âm hộ, nhiễm trùng tiểu. Mẹ T. cho biết, bé dậy thì gần một năm nay. Do bận làm ăn buôn bán, mỗi lần đến ngày bé đến chu kỳ, mẹ T. chỉ có nhiệm vụ mua băng vệ sinh về, gắn vào quần lót rồi để T. tự mặc, tự rửa. Những hôm mẹ đi bán tối mới về, T. cứ đeo miếng băng vệ sinh cả ngày. Một thời gian sau, T. bị ngứa, đau rát mỗi khi đi tiểu. Gặp chúng tôi sau nhiều lần đưa con đến BV Từ Dũ, mẹ T. rươm rướm nước mắt: “BS nói cháu bị nhiễm nấm âm hộ, rất khó chữa trị và khả năng tái phát cao. Tui hối hận lắm, vì lo kiếm tiền, không chăm sóc con nên cháu mới bị như vậy”.

BÉ CÓ THỂ TRỞ VỀ “ĐÚNG TUỔI”?

Cách đây năm tháng, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị H. (ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) khóc rấm rứt, trên tay chị là đứa con trai một tuổi rưỡi chờ tới lượt khám bệnh. Chị kể lúc sinh ra, tiếng khóc của bé M.T. - con chị rất trong, bỗng gần đây tiếng khóc của bé khào khào như thanh niên vỡ tiếng, bộ phận sinh dục mọc lông, dương vật to như trẻ năm-sáu tuổi. Ông bà nội nói bé bị trúng tà, đưa bé đi thầy lang chữa trị. Mặc dù thầy cho uống phép, châm, đốt đủ kiểu… nhưng tình trạng không cải thiện. Đưa bé về nhà, chị và con bị ghẻ lạnh, thờ ơ vì gia đình nghĩ chị sinh ra “quái vật”.

Tủi thân, ôm con đến BV để tìm nguyên nhân. Tại đây, các BS chẩn đoán bé bị dậy thì sớm và sau thời gian điều trị, tình trạng của bé được cải thiện như: lông rụng, cơ quan sinh dục không còn phát triển. Ròng rã mấy tháng trời cùng con trong BV, đầu tháng 5/2014, gặp lại chúng tôi, chị không giấu niềm vui, lại khóc và kể: “BS nói bé sẽ phát triển bình thường và dậy thì đúng tuổi. Sau mấy lần khám chữa, thấy cháu tiến triển tốt, bà nội của cháu đi theo, nghe BS giải thích, bà đã không còn hắt hủi hai mẹ con. Tui mừng lắm”.

TS-BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Thận, nội tiết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: “Khoa chúng tôi đang chữa trị hơn 50 bệnh nhi dậy thì sớm. Số lượng này cao hơn rất nhiều so với trước đây. Hậu quả dậy thì sớm dẫn đến sự phát triển sớm quá mức và sự đóng sớm của các đầu xương dài, khiến trẻ cao hơn trẻ cùng tuổi, nhưng sẽ bị lùn khi trưởng thành. Các bé gái sẽ không có khả năng xử lý tình trạng kinh nguyệt, thường lo sợ, xấu hổ thậm chí trầm cảm vì không biết tâm sự với ai. Các bé trai thì trở nên hung hăng, dễ nổi cáu, trở thành côn đồ”.

Khi thấy các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ (bé gái dưới tám tuổi ra huyết âm đạo, xuất hiện lông mu, ngực to; bé trai dưới chín tuổi có hiện tượng cương dương vật hoặc dương vật lớn hơn trẻ cùng tuổi, mọc lông mu, xuất hiện mụn, vỡ giọng), gia đình nên kịp thời đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa nội tiết tố nhi. Nếu cần thiết, các BS sẽ can thiệp, làm mất dấu hiệu dậy thì và đưa giai đoạn dậy thì về đúng với tuổi của trẻ (từ 12 - 18 tuổi), ngăn chặn việc “đóng đầu xương” sớm để trẻ phát triển chiều cao bình thường. Một số trường hợp, gia đình nên đưa trẻ đi tham vấn tâm lý. Cha mẹ cũng đừng căng thẳng quá mức hay có những can thiệp nếu thiếu cân nhắc.

Theo TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy, cuộc sống hiện đại, phụ huynh cũng vô tình khiến trẻ nhiễm những thói quen không tốt. Thay vì ăn cơm nhà, trong bữa cơm có canh rau thì trẻ ngày nay chỉ thích ăn tiệm, được phụ huynh cho ăn thức ăn nhanh, uống nước ngọt; hàng ngày cho trẻ uống các loại thuốc bổ mắt, bổ não, các loại vitamin… mà không biết trẻ béo phì thường dậy thì sớm hơn trẻ cùng tuổi, còn trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ dậy thì muộn hơn.

Để giúp con, mỗi gia đình cần có chế độ khóa kênh truyền hình, tránh trường hợp trẻ tự ý mở ti vi, xem những bộ phim có hình ảnh nhạy cảm. Trẻ chỉ vài ba tuổi nhưng các gia đình đã trang bị iphone, ipad để chơi game mà không biết một số game hiện nay có những nhân vật ăn mặc hở hang, một số trò chơi có cảnh cởi quần áo, sẽ kích thích trẻ tiết ra các hormone sinh dục. Sách, báo có hình ảnh gợi cảm người lớn xem xong phải cất riêng, tránh trường hợp trẻ tò mò mở xem.

Nhiều bé gái hiện nay chỉ hai-ba tuổi nhưng cũng được mẹ làm điệu như sơn móng tay, chân, xịt nước hoa, thoa son, đánh phấn... Nếu không may, các loại mỹ phẩm dành cho người lớn có chứa chất bảo quản ảnh hưởng tới nội tiết tố, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ cũng có thể gây hiện tượng dậy thì sớm.

CHA MẸ CẦN CHĂM CON KỸ HƠN!

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, việc trẻ em dậy thì ngày nay cần được nhìn nhận theo quan điểm khoa học hiện đại. Những nghiên cứu gần đây dưới góc độ y học và tâm lý đều thừa nhận trẻ em có khuynh hướng dậy thì sớm hơn so với trước kia khoảng 1 đến 1,5 năm (so số liệu cách đây 20 năm).

Cụ thể, ở một số quốc gia trên thế giới, trẻ em lớp 5, 6 (nữ) dậy thì là chuyện không sớm. Do dinh dưỡng tốt hơn, chiều cao phát triển nhanh, sự tác động của xã hội dẫn đến chuyện các em dậy thì song song với sự phát triển của thể trạng và tâm lý. Sớm ở đây cần hiểu đúng để tránh những suy nghĩ lệch hướng, dẫn đến sự căng thẳng thái quá...

Theo TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy, phụ huynh cần phải trang bị kiến thức để chăm sóc thật kỹ trẻ trong giai đoạn dậy thì. Khi trẻ có kinh nguyệt, cần giải thích cho trẻ hiểu đây là sinh lý bình thường, mọi phụ nữ đều phải có. Trong những ngày hành kinh, trẻ sẽ bị đau bụng, mệt mỏi, nên phụ huynh cần ở bên động viên cho trẻ đỡ sợ, có thể chườm ấm vùng bụng giúp trẻ bớt đau. Nên dạy trẻ cách giữ vùng kín khô thoáng, sạch sẽ. Nếu phụ huynh phát hiện trẻ bị ngứa, dịch tiết âm đạo có mùi hoặc màu lạ, nên đưa trẻ đi khám. Tuyệt đối không tự ý mua các loại kem về điều trị cho trẻ.

Một điều cần lưu ý, khi trẻ tâm sự mọi vấn đề về giới tính và những gút mắc trẻ đang mắc phải, phụ huynh phải thông cảm và giúp trẻ gỡ rối, không nên có thái độ cười nhạo trẻ, khiến trẻ hoang mang, từ đó không tâm tình nữa. Nếu đó là những câu hỏi tế nhị, phụ huynh phải nhẫn nại giải thích, đừng sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà hãy nghĩ rằng, một khi trẻ được giải tỏa thắc mắc, sẽ không còn tò mò và tự lên mạng tìm hiểu.

Khi nghe trẻ nói “thích”, “yêu” bạn này, bạn kia, phụ huynh không được la mắng mà nên dành nhiều thời gian nói chuyện với trẻ nhiều hơn. Dạy trẻ không để người khác đụng chạm vào những vùng riêng tư trên cơ thể và không đụng chạm của người khác. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, cho trẻ học những bộ môn trẻ yêu thích để trẻ quên đi những suy nghĩ không tốt.

 HOA LÀI - HẠNH CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI