'Còn chồi nảy cây...'

05/09/2018 - 12:38

PNO - Thuyền không chìm, dẫu có mất phương hướng, nỗ lực chèo chống để tìm con đường sống vẫn hơn bỏ mặc, đổ lỗi kết án, liệu có ích gì.

Có lẽ chưa bao giờ ngành giáo dục xảy ra quá nhiều tiêu cực, tựa hồ những cơn địa chấn khủng khiếp như năm học vừa qua.

Tiêu cực từ mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông. Việc sửa điểm xưa nay chưa từng có ở kỳ thi THPT quốc gia - kỳ thi là cơ sở cho việc xét tuyển đại học, đào tạo ra lớp trí thức có nhiệm vụ “hưng quốc”, đã giáng thẳng cú đấm chí tử vào niềm tin của bao người. 

'Con choi nay cay...'
 

Biết bao người hoang mang, hệt con thuyền ngoài khơi xa mịt mùng bị mất phương hướng. Biết bao người đã và đang công tác trong ngành, có tâm với nghề, với thế hệ trẻ, với tương lai của dân tộc này, đau lòng xót dạ như bị phản bội, bị xúc phạm.

Chúng ta phải làm gì khi ngoài kia lá đã rụng nhiều, khi tờ lịch đã sang tháng 9, tháng mở đầu năm học mới?

Sau cơn phẫn nộ, sau phút đau lòng, nên chăng chúng ta cần bình tâm suy nghĩ. Vạn vật trên đời có điều chi suôn sẻ? Thăng trầm sai sót âu cũng là tất yếu. Có những ngày hanh thông đẹp đẽ thì cũng có những ngày bão lũ u ám. Có những người luôn mang đến điều tốt lành cho người khác, thì cũng có những người chỉ mang đến cho người khác những tổn thương.

Với một dân tộc đã trải qua bốn ngàn năm thăng trầm dựng và giữ nước, chúng ta có quyền tin rằng còn đó những khối óc kiệt xuất, là lương tri, là hồn thiêng của sông núi này. Họ sẽ cùng nâng đỡ, chèo chống, định vị phương hướng cho con thuyền giáo dục nước nhà, cho vận mệnh quốc gia cập bến khải hoàn.

'Con choi nay cay...'
Học trò lớp 1 Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (TP.HCM) bước vào buổi học đầu tiên sau lễ khai giảng. Ảnh: Phùng Huy

Trống khai trường đã điểm.

Hãy còn những đứa trẻ vừa xúng xính chiếc áo trạng nguyên tí hon tạm biệt các cô mầm non, “tạm biệt gấu Misa” để “mai em vào lớp 1”. Hãy còn những cô thiếu nữ bồi hồi xúc động nâng niu tà áo dài trắng đầu tiên được mặc trong đời. Hãy còn những người lái đò lặng lẽ thu xếp sách vở giáo án, mong ngóng đợi chờ lượt khách mới để chèo chống đưa một chuyến nữa qua sông.

Nên chăng chúng ta cho phép mình được tin yêu lần nữa. Thuyền không chìm, dẫu có mất phương hướng, nỗ lực chèo chống để tìm con đường sống vẫn hơn bỏ mặc, đổ lỗi kết án, liệu có ích gì.

Tôi đã thấy bạn tôi, lò dò một mình trong con hẻm nhỏ, lay em bé gái còm cõi đen nhẻm tặng chiếc cặp, bộ sách giáo khoa. Cô mồ côi ôm cháu gái xa lạ mồ côi, khóc ngon lành như đứa trẻ. Tôi đã thấy những người bạn không quen trong một quỹ hiếu học, lúp xúp manh áo nilon mỏng dưới con mưa tầm tã, trao tận tay các em vùng sâu món quà cho ngày khai giảng mà mặt ai nấy sáng bừng lên lấp lánh.

'Con choi nay cay...'
Cậu học trò nhỏ được mẹ cho ăn sáng trước giờ vào dự lễ khai giảng ở TP.HCM. Ảnh: Phùng Huy

Tôi đã thấy hình ảnh ngôi trường tan hoang và gương mặt ngơ ngác của các em nhỏ vùng lũ Thanh Hóa không biết có còn trường để đi khai giảng, để nghe lời thầy đọc âm vang "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Thương đến đứt ruột hoàn cảnh khốn cùng. Nhưng vẫn tin vào lòng dạ thơm thảo, vào những gì tốt đẹp luôn tồn tại của con người ở xứ sở này.

Thoạt nhiên tôi nhớ bài ca dao ngày nào thầy dạy - người thầy của miền quê miền Trung nghèo khó - đã từng giảng bài say sưa trong nước mắt, trong niềm tự hào về quê hương, đất nước, con người mình:

“Tháng giêng, tháng hai. Tháng ba, tháng bốn. Tháng khốn, tháng nạn. Đi vay đi dạm. Được một quan tiền. Đi chợ Kẻ Diên. Mua con gà mái. Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng. Một trứng ung. Hai trứng ung. Ba trứng ung. Bốn trứng ung. Năm trứng ung. Sáu trứng ung. Bảy trứng ung. Còn ra ba trứng nở ra ba con. Con diều tha. Con quạ bắt. Con mặt cắt xơi. Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...”.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI