Còn 1 lá phổi có sống được không?

23/05/2020 - 18:01

PNO - Có rất nhiều bệnh của phổi cần phải can thiệp phẫu thuật như: ung thư phổi, u phổi, giãn phế quản, kén khí, mủ màng phổi...

Các phẫu thuật phổi có thể là: (1)cắt thùy phổi, (2)cắt phổi hình chêm, (3)cắt phân thùy phổi và (4)cắt toàn bộ một bên phổi tùy thuộc loại bệnh và giai đoạn của bệnh
Các phẫu thuật phổi có thể là: (1)cắt thùy phổi, (2)cắt phổi hình chêm, (3)cắt phân thùy phổi và (4)cắt toàn bộ một bên phổi tùy thuộc loại bệnh và giai đoạn của bệnh.

Đức Giáo hoàng hiện tại của Vatican đã cắt bỏ một phần phổi khi còn là thiếu niên. Ông đã sống hơn 50 năm qua chỉ với một bên phổi hoạt động. Vào thời điểm đó, việc cắt bỏ một lá phổi tương đối phổ biến trong điều trị nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao, vì kháng sinh chưa được sử dụng rộng rãi.

Y học đã chứng minh, mọi người có thể sống sót ngay cả khi toàn bộ một bên phổi bị loại bỏ. Khi mất một lá phổi, lá phổi còn lại sẽ phồng lên để chiếm một phần không gian thừa trong lồng ngực.

Nhiều người vẫn có thể sống bình thường khi chỉ còn lại một lá phổi; tuy nhiên họ dễ bị khó thở và không thể thực hiện các hoạt động mạnh gây nguy hiểm cho đường hô hấp, và dễ tổn thương hơn trước các bệnh về hô hấp như COVID-19.

Trong các trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân chỉ còn 1 lá phổi nên ghép phổi. Cơ hội phục hồi của bệnh nhân ghép phổi ngày nay cải thiện rất nhiều kể từ khi các hoạt động cấy ghép đầu tiên được thực hiện vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Hơn 65% người nhận phổi sống được ít nhất 3 năm sau khi cấy ghép.

Khả năng sống sót sau khi ghép phổi của bệnh nhân ngày nay cải thiện đáng kể so với trước đây.
Khả năng sống sót sau khi ghép phổi của bệnh nhân ngày nay cải thiện đáng kể so với trước đây.

Việc cấy ghép giúp cải thiện sức khỏe, lấy lại khả năng thực hiện các hoạt động bình thường; nhưng có thể xảy ra một số biến chứng:

- Trong vài tuần đầu sau ghép, nhiễm trùng phổi do vi khuẩn và cần điều trị bằng kháng sinh. Nhiễm nấm cũng có thể xảy ra sớm sau khi cấy ghép nhưng ít phổ biến hơn.

- Trong tháng thứ 2 sau khi cấy ghép, nhiễm trùng phổi do cytomegalovirus (CMV) tương đối phổ biến. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng virus để ngăn ngừa nhiễm trùng này.

Thải ghép cấp tính có thể xảy ra trong vòng vài ngày sau khi phẫu thuật cấy ghép và bất cứ lúc nào sau đó. Các dấu hiệu thải ghép phổi bao gồm: ho, khó thở, sốt, số lượng bạch cầu tăng cao và cảm giác không nhận đủ oxy.

Tấn Vĩ (theo Live Science, emedicine Health)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI