Cơm từ thiện cũng phải an toàn - Bài 1: Mạnh ai nấy nấu và phát cơm

30/11/2023 - 06:10

PNO - Trước cổng các bệnh viện trên cả nước, thường có các cá nhân, tổ chức đến phát cơm trưa, cháo sáng từ thiện. Những suất cơm, cháo này hầu hết không được kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Đã xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cơm từ thiện. Do vậy, yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý là phải thật an toàn đối với loại thực phẩm xuất phát từ lòng tốt này. Ngoài việc các nhóm từ thiện phải bảo đảm nguyên liệu, quy trình chế biến, vận chuyển an toàn, chính người nhận cũng phải sử dụng suất ăn đúng cách. 

Cứ xin, để dành ăn nguyên ngày

9g30, trước cổng số 3 Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), đã có vài chục người đứng xếp hàng chờ nhận cơm từ thiện. Không lâu sau, 1 chiếc ô tô trờ đến, trong cốp xe chứa hàng trăm phần cơm được chia sẵn vào các hộp xốp màu trắng. Sau chừng 20 phút, cốp ô tô đã hết sạch số cơm.

Người nhà bệnh nhân nhận cơm chay tại Bếp chay thiện nguyện chùa Bảo Vân, bếp ăn đảm bảo vệ sinh (quận Bình Thạnh) - Ảnh: Thái Phương
Người nhà bệnh nhân nhận cơm chay tại Bếp chay thiện nguyện chùa Bảo Vân, bếp ăn đảm bảo vệ sinh (quận Bình Thạnh) - Ảnh: Thái Phương

Nhóm từ thiện rời đi, chị Thu Nga - quê ở tỉnh Đồng Tháp - mở hộp xốp ra xem. Bên trong hộp có cơm trắng, sườn ram và rau luộc. Chị phân trần: “Tôi nuôi mẹ bệnh ở đây mấy tháng nay. Cứ 9g30 tôi xuống đây nhận cơm từ thiện, để dành ăn trưa. Ở cổng số 3 này, mỗi ngày, có cả chục đoàn từ thiện tới phát cơm nên chỉ cần đợi chút xíu là có”.

Chị Nga nói chưa dứt câu thì 1 chiếc ô tô khác dừng bánh trước mặt. Lần này, nhóm từ thiện phát bún xào chay. Chị Thu Nga vội chạy ra xin 1 phần, để dành ăn tối: “Người ta chỉ phát đồ từ thiện vào buổi sáng thôi, không phát buổi chiều. Mình để đến chiều, thức ăn có nguội lạnh nhưng vẫn chưa ôi thiu nên vẫn ăn được”.

Ở gần cổng số 6 cách cổng số 3 không xa, 1 nhóm từ thiện cũng vừa bày xong các khay bằng inox lên chiếc bàn nhỏ đặt ở lề đường. Người cần nhận cơm phải tự mang theo đồ đựng. Để tiện lợi, nhiều người cho cả cơm, rau, thịt vào chung 1 hộp, trữ đến trưa. Ông Hưng vừa nhận cơm, vừa nói: “Trong phòng bệnh có máy lạnh nên đồ ăn lâu hư lắm. Ngày nào, tôi cũng xuống đây lấy 1 suất lúc 10g để ăn bữa trưa và bữa xế”.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, các nhóm phát suất ăn từ thiện xung quanh bệnh viện đều xuất phát từ lòng tốt, tinh thần sẻ chia. Các suất ăn đều ngon, được chế biến kỳ công nhưng không rõ mức độ an toàn đến đâu. Ông kể, tháng 7/2023, nhiều người đi nuôi bệnh nhân trong Bệnh viện Chợ Rẫy bị tiêu chảy, lã người, mệt mỏi. Khi được khám, họ nói đã ăn suất cơm từ thiện. Kết quả, số người này bị rối loạn tiêu hóa sau khi ăn cơm với thịt kho trứng vịt được phát ở cổng bệnh viện. Kiểm tra các phần thức ăn còn dư thì cơm và thịt được trộn chung, đã nguội lạnh, bốc mùi.

Cảnh phát cơm từ thiện ở cổng cơ sở Bệnh viện K ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang
Cảnh phát cơm từ thiện ở cổng cơ sở Bệnh viện K ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Ngoài cổng các bệnh viện lớn khác ở TPHCM, cũng thường xuyên có các nhóm từ thiện đến phát cơm, cháo, bún miễn phí. Ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, trong buổi sáng 10/11, chúng tôi ghi nhận hơn 10 nhóm đến phát cơm từ thiện. Họ nấu sẵn thức ăn, cho vào túi, hộp rồi chở đến cổng bệnh viện phát. Do việc phát cơm diễn ra bên ngoài cổng nên ban giám đốc bệnh viện không thể nắm được các nhóm từ thiện từ đâu đến, thức ăn được chế biến, vận chuyển ra sao.

Trước cổng các bệnh viện ở TP Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng có nhiều quán cơm từ thiện, điểm phát suất ăn miễn phí và hầu hết đều tự phát, không được kiểm soát, quản lý cả về tổ chức, hoạt động lẫn quy trình chế biến, vận chuyển thức ăn. 

Phát miễn phí vẫn phải chuẩn bị kỹ

Khoảng 10g, trước cửa Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), hàng trăm suất ăn miễn phí được nhà hảo tâm chuẩn bị sẵn để phát cho thân nhân bệnh nhi. Mỗi suất ăn có cơm, món kho và canh, mỗi thứ được đựng trong hộp, bịch riêng.

Thân nhân người bệnh đến Bếp yêu thương trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy để nhận cơm - Ảnh: Phạm An
Thân nhân người bệnh đến Bếp yêu thương trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy để nhận cơm - Ảnh: Phạm An

Theo Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện này có khoảng 1.700-1.800 bệnh nhi đang điều trị nội trú. Để chia sẻ khó khăn với thân nhân bệnh nhi, mỗi ngày, phòng này phối hợp với các nhà hảo tâm phát từ 600-700 phần cơm trưa, 300 phần cơm chiều. Ngoài ra, còn có bánh, trái cây, sữa, tất cả đều có thương hiệu rõ ràng và còn hạn sử dụng lâu. Do số suất cơm có hạn nên bệnh viện ưu tiên cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, nằm lâu.

Để có những suất ăn ngon, giàu chất dinh dưỡng và an toàn, nhiều năm nay, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tạo điều kiện cho nhà hảo tâm tổ chức chế biến, nấu và phát các suất ăn ngay trong khuôn viên bệnh viện. Hiện có 2 nhóm từ thiện phối hợp với Phòng Công tác xã hội, gồm 1 nhóm cố định có giấy phép kinh doanh, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; nhóm không cố định thì liên hệ, đăng ký trước với bệnh viện khi có đủ kinh phí. Nhóm này có thể mua suất ăn từ căng tin bệnh viện rồi phát miễn phí hoặc nấu sẵn từ bên ngoài mang vào khuôn viên bệnh viện phát nhưng phải cung cấp các giấy phép liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn mua thực phẩm thể hiện nguồn gốc rõ ràng. Tuy vậy, vẫn có nhiều nhóm từ thiện phát cơm bên ngoài khuôn viên bệnh viện và bệnh viện không thể quản lý trật tự hay kiểm soát an toàn thực phẩm.

Hơn 10 năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã dành diện tích trong khuôn viên để tổ chức Bếp yêu thương, cung cấp suất ăn miễn phí cho thân nhân người bệnh. Theo thạc sĩ Lê Minh Hiển, mỗi ngày, Bếp yêu thương phát đồ ăn vào 5 khung giờ (sáng 2 lần, trưa 3 lần), suất ăn sáng khác với suất ăn trưa, ăn chiều. Tổng cộng mỗi ngày, bếp phát hơn 4.000 suất ăn. Nhờ vậy, thân nhân người bệnh tiết kiệm được chi phí nuôi bệnh, yên tâm về chất lượng suất ăn. 

Sở dĩ lượng suất ăn ở đây luôn dồi dào là nhờ nhiều năm qua, 4 bếp ăn của Chi hội Từ thiện Bảo Hòa, Chi hội Từ thiện Nhơn Hòa, Họ đạo Cao đài Chợ Lớn và quán cơm Hạnh Dung luôn đỏ lửa bất kể ngày, đêm, lễ, tết. Các bếp ăn đều tuân thủ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, vận chuyển, phân phát; người nấu, chia và phát thức ăn đều được tập huấn, đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm, các món ăn trước khi phát đều được lưu mẫu trong 24 giờ. 

“Người đến nhận cơm phải có cà mèn (cà mên) 3 ngăn, hoặc 3 hộp riêng biệt. Bếp không đựng chung thức ăn trong 1 hộp. Những người chưa có đồ đựng thì được bếp tặng loại hộp dùng được nhiều lần. Bếp không chia thức ăn vào ly giấy, hộp giấy, bịch ni lông. Nhờ vậy mà thức ăn không bị ôi, thiu. Từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm do ăn đồ của bếp phát” - thạc sĩ Lê Minh Hiển nói.

Tổ chức bếp ăn từ thiện bài bản

Ông Hồ Hoàng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Từ thiện Bảo Hòa (Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, đang quản lý các suất ăn tại Bếp yêu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay, bếp ăn của chi hội được thành lập từ năm 1999, có giấy phép hoạt động. Chi hội nấu ăn bằng thực phẩm do các nhà hảo tâm tài trợ. Các nguyên liệu dùng nấu ăn đều có nguồn gốc, có hóa đơn mua, bán. Mỗi tổ nấu ăn có 13 thành viên, đều được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn về an toàn thực phẩm 3 tháng/lần. Hiện chi hội tặng suất ăn miễn phí cho thân nhân người bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, ở cơ sở 1 và 2 của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Khi mang đến bệnh viện, thức ăn được lưu mẫu 24 giờ. Các chi hội đều có sổ, ghi số lượng suất ăn, tên người lưu mẫu, hủy mẫu…

An Nguyên

Tăng cường kiểm soát bếp ăn từ thiện

Lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, các bếp ăn từ thiện do 1 hoặc nhiều cá nhân cùng nhau thực hiện nhằm cung cấp miễn phí các suất ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Phần lớn các bếp ăn từ thiện không có giấy phép kinh doanh nên không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, các bếp ăn từ thiện vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Thời gian qua, ban đã phối hợp với UBND cấp quận tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, trong đó có các bếp ăn từ thiện. Tuy nhiên, ban chưa tổ chức kiểm tra được các cá nhân, hội, nhóm chế biến và phát suất ăn từ thiện trước cổng các bệnh viện, phát suất ăn cho người vô gia cư vào ban đêm. 

Trong thời gian tới, ban sẽ kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm và sẽ tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người phụ trách và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm của các hội, nhóm này.

Quốc Ngọc 

Bếp ăn từ thiện dễ gây ngộ độc nếu không quản lý
Bếp ăn từ thiện cũng là dạng bếp ăn tập thể, tức là nấu và chia cho đông người ăn. Do đó, phải chuẩn bị nguyên liệu nhiều hơn, thời gian chuẩn bị, tích trữ dài hơn và phải bảo quản lâu hơn. Bảo quản cùng lúc hàng trăm suất ăn là không dễ và đây cũng là khâu dễ mất an toàn. 
Số lượng người cùng chuẩn bị cho bữa ăn từ thiện cũng nhiều nên xuất hiện thêm nguy cơ nhiễm bẩn từ người nấu, người chế biến sang thực phẩm. Dụng cụ nấu nướng, chứa đựng thức ăn để phục vụ đông người cũng khó được chuẩn bị chỉn chu. Kế đến nữa, không gian để tổ chức ăn uống cũng thường không được chu đáo. Đối với những bếp ăn từ thiện có tính thời vụ, người ta không chuẩn bị được không gian này cho thật tốt, vệ sinh. Và cuối cùng, khi nấu xong rồi, đông người ở rải rác nhiều nơi thì thời gian chờ đợi, phân phối cũng lâu hơn. Trong các điều kiện như thế, thực phẩm dễ bị nhiễm bẩn và nguy cơ gây ra ngộ độc rất lớn.
Tinh thần của bếp ăn từ thiện là đáng hoan nghênh. Họ có tấm lòng hảo tâm. Nhưng nếu những người có thiện tâm chú ý đến việc tổ chức, chuẩn bị thật đàng hoàng, chu đáo để bảo đảm an toàn thì mới trọn vẹn, có ý nghĩa. Bằng không, chỉ cần xảy ra một sự cố ảnh hưởng sức khỏe con người, đặc biệt là cho trẻ con, thì gần như sẽ phủ nhận toàn bộ công lao, lòng tốt của nhóm từ thiện, thậm chí còn bị xử lý theo pháp luật. Cho nên, cần hết sức tránh “làm phúc phải tội”.
Thực phẩm có khả năng gây độc bởi độc tố có sẵn trong nó hoặc độc tố phát sinh trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Trừ độc tố trong con cóc, rắn, cá nóc… thì thông thường, độc tố có sẵn trong thực phẩm không lớn nên không đáng ngại vì dễ loại trừ, phòng ngừa. Điều đáng quan ngại là độc tố sinh ra trong quá trình chế biến và bảo quản, mà chủ yếu là vi sinh vật. Vi sinh vật đến từ bếp ăn, dụng cụ, con người nhưng cần có thời gian để vi sinh vật “gây bẩn” thực phẩm. Khi thức ăn có hiện tượng thiu chính là lúc vi sinh vật đã phát triển đủ để có thể làm thực phẩm hư hỏng, gây hại sức khỏe người dùng, dù có đun lại thì độc tố vẫn còn, nhẹ thì gây đau bụng, nôn ói, nặng thì gây tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, còn có nguy cơ cao trong sản phẩm đóng hộp. Cần nhớ lại vụ pa tê chay gây chết người xảy ra ở miền Bắc. Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen hễ thấy thực phẩm đóng bao bì kín, hút chân không thì yên tâm. Nhưng không phải vậy, bởi có những loại vi khuẩn phát triển trong môi trường yếm khí. Pa tê đóng trong hộp, thanh trùng nhưng không triệt để thì vi khuẩn vẫn còn. Nó phát triển trong môi trường kín qua thời gian dài, phát triển thành thứ cực độc là clostridium botulinum. Đó là độc tố sinh ra trong sản phẩm thịt được bảo quản trong điều kiện yếm khí.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội

Quốc Ngọc (ghi)

An Nguyên - Tú Ngân

* Kỳ tới: Quản lý chặt để bếp ăn từ thiện hoạt động nền nếp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI