Có phạt được hành vi 'không phân loại rác tại nguồn'?

29/11/2018 - 06:00

PNO - Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc xử phạt "không phân loại rác tại nguồn"...

Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11 (có hiệu lực thi hành từ ngày 24/11) của UBND TP.HCM, hộ gia đình không chấp hành việc phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải, sau khi được nhắc nhở từ 3 lần trở lên trong 1 tuần thì tổ chức, cá nhân thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND xã, phường, thị trấn biết để xử lý theo quy định. Ngay sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng thông tin này, đã có nhiều ý kiến trái chiều gửi về cho chúng tôi.

Co phat duoc hanh vi 'khong phan loai rac tai nguon'?
Rác trên đường Điện Biên Phủ, Q.3 (ảnh chụp ngày 23/11)

Chưa phạt để rác "sai chỗ" 

Trước khi có quyết định này, chúng ta từng có quy định xử phạt hành vi xả rác, để rác không đúng nơi quy định nhưng không thấy ai phạt hay bị phạt, nay đòi xử phạt việc không phân loại rác tại nguồn, e cũng vậy mà thôi.

Chúng ta đang không đủ thùng chứa rác cho các khu dân cư. Trên nhiều tuyến đường cũng không có thùng rác và người dân phải tận dụng ky, trạc, thùng xốp để trước nhà, rất nhếch nhác. Quyết định 44 phù hợp quy định của luật và các nghị định hướng dẫn, nhưng cần chuẩn bị kỹ các phương án, cả cho người dân lẫn cơ quan chức năng. Đừng vội xử phạt khi các điều kiện cần chưa đủ và chưa đồng bộ như hiện nay. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai -
nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng 

Xem rác thải là tài nguyên để ứng xử đúng

Hiện nay, chúng ta chôn lấp hơn 90% lượng rác thải, trong khi nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới như Đức quy định tỷ lệ chôn lấp chỉ 3%. Họ xem rác thải là tài nguyên và hành xử đúng với nó, biến nó thành nguồn năng lượng tái sinh, thành nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất. Để có được suy nghĩ và quan điểm này là cả một quá trình dài tác động đến nhận thức của người dân. Khi nhận thức đúng, họ mới có hành động đúng.

Quy định xử phạt của UBND TP.HCM là hợp lý nhưng sẽ rất khó thực hiện. Muốn phạt dân thì phải có bước chuẩn bị. Chúng ta đã lấy ý kiến dân chưa? Đã trình bày các phương án thực hiện như thế nào? Đã cho người dân thấy rõ họ sẽ có các quyền lợi gì khi phân loại rác tại nguồn và hưởng các quyền lợi trực tiếp, gián tiếp, lâu dài, ngắn hạn ra sao? Chúng ta có đủ công cụ, nhân lực thu gom chưa, việc xử lý rác đã được phân loại ra sao? 

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - 
Giảng viên cao cấp Khoa Tài nguyên - Môi trường và Biến đổi khí hậu, Trường đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM

Quy định chưa hợp lý

Theo tôi, việc phân loại rác tại nhà là cần thiết, giúp tiết kiệm tài nguyên cũng như chi phí xử lý rác. Tuy nhiên, căn cứ khoản 4, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại rác tại nhà là không hợp lý. Vì nghị định chỉ nêu chung chung là “xử phạt đối với hành vi không phân loại rác” mà không quy định rõ cách thức phân loại rác được thực hiện tại nguồn hay được thu gom rồi phân loại.

Với tư cách một người dân, tôi không đồng tình với quy định xử phạt từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nhà, được nêu trong khoản 4, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Cả dãy trọ 15 phòng hoặc nhiều gia đình ở liền kề mà chỉ được trang bị 3 thùng chứa 3 loại rác thì làm sao xác định được phòng hay gia đình nào không phân loại rác. Hiện tại, phần lớn người dân sống tại TP.HCM chưa thực sự biết kế hoạch thí điểm phân loại rác tại nguồn do UBND TP.HCM ban hành; công tác tuyên truyền không đến được với người dân. 

Luật sư Võ Thị Anh Loan - Đoàn Luật sư TP.HCM

Co phat duoc hanh vi 'khong phan loai rac tai nguon'?
Rác trên Quốc lộ 22 đoạn qua xã Bà Điểm, H.Hóc Môn 

Phân loại và thu gom phải đồng bộ

Từ năm 2013, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã triển khai thực hiện dự án Khu phố xanh, bước đầu thí điểm ở quy mô nhỏ với hơn 100 hộ dân tham gia. Đến nay, chương trình đã nhận được sự đồng thuận và tự giác thực hiện của gần 3.000 hộ dân tại 6 tuyến đường qua Q.Tân Phú.

Kinh nghiệm thực hiện cho thấy, việc tuyên truyền phải thường xuyên, sâu sát tới từng hộ dân. Bên cạnh đó, hạ tầng tiếp nhận và thu gom rác thải đã phân loại tại từng hộ dân cũng phải được chuẩn bị đồng bộ. Đơn cử, công ty đã chia lực lượng thu gom rác thải vô cơ và rác thải hữu cơ riêng biệt. Với rác thải hữu cơ, thực hiện lịch gom hằng ngày trong tuần; với rác thải vô cơ thì bố trí lịch thu gom 1 ngày/tuần. Trường hợp hộ gia đình phát sinh lượng lớn rác vô cơ đột xuất, có thể liên hệ đường dây nóng để được hỗ trợ thu gom.

Tuy nhiên, phải thấy rằng, để thực hiện thành công chương trình phân loại rác tại nguồn, chỉ tuyên truyền, vận động là chưa đủ, mà phải bắt buộc người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao và việc bắt buộc này phải đi kèm với giải pháp chế tài hiệu quả.

Ông Cao Văn Tuấn - 
Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng và Công nghệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM

Việc xử phạt sẽ theo lộ trình đến năm 2020

Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM căn cứ trên chủ trương chung từ trung ương. Nhận thấy cần có một quyết định vừa có căn cứ trên các cơ sở pháp luật, vừa mang tính hướng dẫn cho người dân để từng bước lan tỏa hành vi phân loại, chuyển giao các nhóm chất thải sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành quy định này. Liên quan đến việc xử phạt hành vi không chấp hành phân loại rác tại nguồn theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, TP.HCM sẽ thực hiện theo lộ trình: từ đây đến năm 2020, các quận, huyện chủ động đưa ra kế hoạch, triển khai, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, xây dựng lực lượng để kiểm soát đánh giá; sau 2020 mới tiến hành xử phạt.

Trước đây, chúng tôi đã đề xuất 5 giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm vệ sinh nơi công cộng. Thứ nhất, giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Thứ hai, cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Thứ ba, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đổ, bỏ chất thải rắn xây dựng không đúng quy định. Thứ tư, xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân, công khai thông tin đối tượng vi phạm. Thứ năm, xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. Đây là tiền đề để áp dụng việc xử phạt hành vi không phân loại rác trong tương lai. 

Đến nay, các giải pháp trên đã được các đơn vị nhất trí. Tuy nhiên, cần bổ sung một số nội dung: phương án phối hợp giữa các bên liên quan khi sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, không công khai thông tin đối tượng vi phạm nếu vi phạm lần đầu… Riêng đối với việc đề xuất nguồn tiền xử phạt để hỗ trợ, duy trì hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị cân nhắc nội dung này vì theo quy định hiện hành, “tiền thu phạt vi phạm hành chính phải nộp đủ vào ngân sách”.

Bà Đỗ Thị Diễm Thúy - 
Phó trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

(ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI