Có một Sài Gòn lạ lùng của người họa sĩ… hết thời

30/04/2018 - 09:21

PNO - Người ta gọi ông là lão họa sĩ “hết thời” vì hơn 20 năm nay, tranh của ông không bán được bức nào, có chăng cũng chỉ bán được vài chục ngàn đồng.

Dành cả cuộc đời mình vẽ Sài Gòn qua theo lối cổ điển, họa sĩ Lý Ngọc Thành (75 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) giờ đây sống an nhàn bên khung gỗ, bên đam mê khiến ông ngày thêm nặng nhọc. Nhưng hỏi ông có khi nào nghĩ đến việc chuyển nghề không, ông dứt khoát: “Không bao giờ”.

Co mot Sai Gon la lung cua nguoi hoa si… het thoi
Họa sĩ Lý Ngọc Thành cùng Sài Gòn của riêng ông.

Có một Sài Gòn lạ lẫm

Không máy lạnh, chẳng có quạt máy, chỉ ca nước đá lạnh, chai nước lọc, giá vẽ bong tróc từng mảng, những chiếc cọ gãy đôi tự lúc nào, ông họa sĩ nghèo với chiếc quần cọc, lưng trần đen sẫm chăm chú bên giá đỡ. 

Ông say sưa vẽ mặc kệ những giọt mồ hôi cứ rơi rớt theo ánh nắng gay gắt giữa trưa hè, tuôn xuống bàn tay nhăn nheo bám màu khô khốc. Đắc ý ở chi tiết nho nhỏ, ông vỗ đét một cái vào đùi, bật cười thích thú.

Thấy người lạ, ông gác cọ bước ra xua tay: “Đi đi, tôi không bán tranh”. Thuyết phục mãi ông mới chịu mở cửa: “Ngồi đi, đừng làm ồn cho đến khi tôi vẽ xong”.

Co mot Sai Gon la lung cua nguoi hoa si… het thoi
Hơn 30 năm nay, ông ít bước chân ra đường vì sợ quên đi Sài Gòn của những năm 1950.

Thế mà, ông vừa chuyển cọ, vừa tự kể về Sài Gòn với những hàng cổ thụ nghiêng mình soi ánh hoàng hôn, bóng trăng tròn vành vạnh rọi xuống những chiếc ghe nhỏ hờ hững neo đậu trên bến vắng,…

Lúc nào cũng vậy, ông luôn tóm gọn ký ức về Sài Gòn chỉ vỏn vẹn: “Sài Gòn của tôi là một bức tranh lạ lùng mà không ai nghĩ đến”.

Đúng vậy, Sài Gòn trong tranh ông quá đỗi lạ lẫm. Một Sài Gòn không xe cộ, không hào nhoáng. Nơi đây chỉ có bóng hoàng hôn trải dài theo con nước, góc nhỏ rêu phong nào đó, con đò nhỏ mãi còn neo đậu bến xưa, Sài Gòn mà người họa sĩ gàn dở Lý Ngọc Thành luôn mơ về - Sài Gòn năm 1950.

Co mot Sai Gon la lung cua nguoi hoa si… het thoi
Những bức tranh giờ đây được định giá vài chục ngàn đồng.

Vẫn nguyên nét cọ, ông từ tốn: “Tôi không thể quên những con đường thưa vắng lặng. Những chiếc xe đạp cộc cạch xen lẫn tiếng rao thanh thót của các cô bán hàng rong, tiếng bắn bi cành cạch của lũ trẻ, những mảnh đất hoang vu quanh nhà chúng tôi thường chơi trốn tìm, nóng nực lại nhảy ùm xuống sông đùa giỡn…”.

Nhiều lúc ông cũng giật mình chấp nhận các tác phẩm của ông quá xa rời thực tại. Người ta không tin Sài Gòn vốn chân chất đến thế, hay liệu ông chỉ vẽ vời theo sự tưởng tượng mơ hồ rồi gán cho miền đất này một sự bình yên?

30 năm không bước chân ra đường để giữ cho mình một Sài Gòn cũ kỹ

Bước vào ngôi nhà nhỏ chưa đầy 20 mét vuông, ông cười: “Ai nhìn cũng không tin bức tranh này là Sài Gòn đâu. Nhưng lúc tôi 19 tuổi, Sài Gòn như thế đó. Bây giờ, tôi chỉ vẽ theo ký ức, theo cảm xúc của tôi. Mấy mươi năm trước, nội thành vừa đẹp, vừa hữu tình. Sài Gòn bây giờ khác quá, nhưng gần 30 năm qua tôi ít bước chân ra đường, nên tôi vẫn còn giữ một Sài Gòn cũ kỹ cho riêng mình”.

60 năm sơn phết, ông không nhớ nổi mình vẽ bao nhiêu bức tranh về Sài Gòn. Chỉ biết ở mỗi tác phẩm là một tình yêu rời rạc ông dành riêng cho nơi này. Nhiều người hỏi mua, ông chần chừ không bán. 

Co mot Sai Gon la lung cua nguoi hoa si… het thoi
Cuộc sống không cho ông ích kỷ với gia đình, trong căn nhà ngột ngạt, nóng bức, ông còn phải thuốc thang cho vợ con.

Cuộc sống không cho phép ông ích kỷ với gia đình. Bên cạnh vẽ vời, ông còn trách nhiệm thuốc thang cho vợ, miếng ăn cho hai đứa con không được nhanh nhẹn của mình. Phải bán tranh với giá vài chục ngàn đồng, đêm xuống, ông trằn trọc, lặng lẽ lau nước mắt. Thấy vậy, vợ con ông cũng không đòi bán tranh nữa. 

Hơn 20 năm qua, gia đình người họa sĩ già sống nhờ vào tiền trợ cấp của chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm quý tài nghệ của ông. 

Tự nhận mình gàn dở, họa sĩ Lý Ngọc Thành cười: “Không phải tôi không muốn bán, vì họ không hiểu tranh của tôi, không hiểu thì treo làm gì. Tôi sẵn sàng tặng tranh cho người tri âm, cũng chửi thẳng vào mặt những thằng cha quăng hơn 200.000 đồng kêu tôi bán”.

Co mot Sai Gon la lung cua nguoi hoa si… het thoi
Nhà chỉ còn vài bức tranh ông tâm đắc, được định giá trên dưới 200.000 đồng.

Nói đoạn, ông mang các bức tranh của mình ra phân tích về màu sắc, nét vẽ, nội dung hay ho mà ông gửi gắm. Rồi buồn buồn cho biết hiện tại mình cũng bị chi phối về kinh phí, trước đây, ông thà nhịn ăn để mua những tuýp màu của Mỹ, Pháp,… bây giờ phải mua bột màu rẻ tiền để vẽ. 

Nếu người ta luôn sống với một tâm hồn bình lặng, họ sẽ có những cảm nhận rất riêng về những gì họ trải qua.

Trong căn nhà nhỏ luôn bốc lên mùi ẩm mốc, cùng người vợ suốt ngày ôm mèo cười nói, cùng đứa con gái luôn hét lên những câu vô nghĩa, họa sĩ Lý Ngọc Thành cứ ngồi đó, vẽ nên hàng ngàn bức tranh Sài Gòn lạ lẫm.

Một Sài Gòn mà đến bây giờ những người có máy ảnh, cũng không thể lưu giữ đẹp bằng ông.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI